Con trẻ bị bắt nạt- những dấu hiệu nhận biết

Bạo lực học đường ngày càng trở lên phổ biến và nghiêm trọng. Phụ huynh cần gần gũi con để phát hiện sớm giúp con kỹ năng đối phó với những tình huống khó khăn.

0

Thực tế, người lớn vẫn thường nghĩ việc đánh nhau, mắng nhau, bôi xấu nhau…là chuyện thường gặp ở lứa tuổi học trò và các con luôn tự biết cách giải quyết ổn thỏa. Nhưng trừ khi chúng ta mong muốn bọn trẻ phải tự hàn gắn nỗi đau và những tổn thương, còn lại thì tất cả việc đó sẽ không dễ dàng qua đi chỉ sau một giấc ngủ dài. Hơn nữa, đa phần các học sinh bị bắt nạt tại lớp, tại trường không dám kể lại mọi việc với cha mẹ. Thường thì các em cố giấu giếm hoặc thậm chí là nói dối về những thương tích trên cơ thể.

 Ảnh minh họa.

Nguyên nhân của hành động này có thể là do các em sợ bị bạn trả thù, tẩy chay hoặc bản thân các em chưa tin tưởng vào bố mẹ, thầy cô hay bất kỳ ai có thể giúp đỡ mình vượt qua khó khăn.

Dấu hiệu cơ bản để biết trẻ đang bị bắt nạt

Cha mẹ có thể khá dễ dàng nhận biết những dấu hiệu con đang bị bắt nạt tại trường qua một số điểm sau:

Thường có những vết thương hoặc thường xuyên có các vết bầm tím, trầy xước. Thường xuyên có biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, đau bụng, ốm, khó ngủ, hay gặp ác mộng.

Quần áo nhem nhuốc, xộc xệch hoặc khác biệt, ví dụ như giữa mùa hè lại mặc áo dài và cài kín cổ, tay áo dài (rất có thể con dùng áo để che dấu vết thương trên cơ thể). Sách vở, quần áo, đồ dùng cá nhân thường bị mất hoặc phá hỏng. Lấy tiền của bố mẹ và có các lý do khác nhau về việc cần tiền. Thường ngồi cô độc một chỗ. Có những hành động hủy hoại bản thân như bỏ nhà, tự làm đau hoặc tự tử.

Tính cách thay đổi với tính cách thông thường của trẻ (ít nói hơn, hay lo lắng hơn, căng thẳng, hay cáu gắt…).

Thay đổi thói quen và không hứng thú với những hoạt động mà trẻ ưa thích hàng ngày. Ít tham gia các hoạt động của trường lớp hơn. Bất ngờ học hành sa sút hoặc thường bỏ giờ. Nếu trẻ bị bắt nạt kéo dài, ở mức độ nghiêm trọng có thể còn thể hiện triệu chứng tuyệt vọng, không dám đi học, sợ trường học, ám sợ xã hội, bị sang chấn hoặc có xu hướng tự tử.

Trẻ có thể buồn, e ngại, ít tiếp xúc hay giao tiếp, cảm thấy khó tin tưởng người khác. Cảm giác bị cô lập.

Dạy con kỹ năng ứng xử để không bị bắt nạt

Gia đình chính là nơi gần gũi nhất với con trẻ và khi nhận thấy bất cứ dấu hiệu cảnh báo nào cho thấy con có thể đang bị bắt nạt tại trường học, cha mẹ đừng bỏ qua và tặc lưỡi “chuyện trẻ con ấy mà”. Bạn nên nhắc mình rằng đã có rất nhiều đứa trẻ mãi mãi dừng lại ở tuổi trẻ con chỉ vì chưa được giúp đỡ đúng cách và đúng lúc.

Điều cần nhất, bạn phải dạy cho con kỹ năng ứng xử để cháu biết tự bảo vệ mình ở các tình huống khác nhau. Tất nhiên, đừng xúi con tấn công lại ngay cũng như cam chịu cung phụng cho kẻ đàn áp mình.

Ngay từ lúc con nhỏ, bố mẹ nên giáo dục cho trẻ đức tính tự lập, tự tin, đồng thời phát triển kỹ năng giao tiếp, hòa nhập cộng đồng.

Phụ huynh cũng đừng đợi đến lúc con bị bắt nạt mới dạy trẻ về cách đối phó với kẻ hung bạo. Chẳng hạn, bạn có thể hướng dẫn con, khi bị cà khịa, cần tỏ ra bình tĩnh, nhìn thẳng và hỏi lại đối tượng: "Tại sao cậu lại đánh / đẩy / nói với tớ như vậy?". Câu nói này giúp tạm dừng hành vi của đối tượng, cho trẻ cơ hội để giải thích và làm dịu bầu không khí căng thẳng.

Nếu sau đó, vẫn bị tấn công, trẻ có thể tùy từng tình huống mà lựa chọn cách xử sự như: Nhờ người lớn ở gần đó can thiệp giúp, tự vệ, lảng tránh, nói lại bằng giọng cứng rắn hoặc có thể tạm thời chấp nhận yêu cầu nếu không quá đáng.

Dạy trẻ các kỹ năng giải quyết vấn đề theo các bước, từ tìm hiểu bản chất sự việc (Tại sao mình lại bị đánh / dọa nạt) đến tìm ra các giải pháp tháo gỡ và chọn cách tốt nhất đến thực hiện nó. Điều này sẽ giúp các em biết tự tin khi đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống.

Cư xử thế nào với trẻ đi bắt nạt

Trong khi giải quyết các vụ việc bắt nạt, chúng ta thường có xu hướng thiên vị hoàn toàn đối với trẻ bị bắt nạt và đẩy mọi lỗi lầm lên trẻ đi bắt nạt. Đúng là trẻ bị bắt nạt rất cần được trợ giúp để vượt qua sự sợ hãi và những nỗi ám ảnh nhưng chính trẻ gây bạo lực cũng rất cần được giúp đỡ để trở nên tốt hơn. Vẫn cần có biện pháp kỷ luật đối với trẻ đi bắt nạt, nhưng hãy làm việc đó khi nó có thể giúp các em tốt hơn chứ không phải là chỉ để thỏa mãn cơn tức giận của bản thân.

Nếu chỉ cần phạt thật nặng, đánh đập, nhục mạ hay cô lập trẻ mắc lỗi thì cuối cùng bài học mà chúng sẽ học được là gì? Vẫn là thói quen dùng bạo lực và quyền lực để trấn áp kẻ yếu thế hơn. Vậy thì chúng ta - một đám đông bực bội - và một đứa trẻ đi bắt nạt có gì khác nhau?

Đức An (Tổng hợp)/ĐSPL

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]