Công dụng chữa bệnh của cây tầm gửi cây gạo

Theo dân gian, cây tầm gửi cây gạo là loại thảo dược có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, điều hòa huyết áp và đặc biệt tốt cho người bệnh thận.

0

Cây tầm gửi, họ tầm gửi

Nông nghiệp Việt Nam cho biết, họ Tầm gửi hay họ Tằm gửi hoặc họ Chùm gửi (danh pháp khoa học: Loranthaceae) là một họ thực vật có hoa, được các nhà phân loại học công nhận rộng khắp. Nó chứa khoảng 68-77 chi và 950-1.000 loài cây thân gỗ, phần nhiều trong số đó là các cây bán ký sinh. Ngoại trừ ba loài thì tất cả còn lại đều có cách mọc và phát triển trên các cây khác, mặc dù chúng cũng có lá xanh để có thể tự quang hợp.

Cây tầm gửi sống nhờ vào bộ rễ thọc sâu hút những tinh chất của cây chủ. Thành phần hoá học của cây tầm gửi sống trên cây gạo gồm có flavonoid, saponin, couramin, acid hữu cơ, đường khử, chất béo, steroid và polysarcarid.

Y học cổ truyền Trung Quốc sử dụng tầm gửi gạo là vị thuốc bổ dương, tráng thận, mạnh gân cốt. Còn theo Y dược điển Việt Nam, tầm gửi có tác dụng “ấm đắng mà hạ khí, giảm bại tê và lợi gân xương, ích thận mà huyết mạch thông thương, hết nhức mỏi, dạ dày tiêu hóa”....

Cây tầm gửi gạo hỗ trợ điều trị bệnh thận

Theo Vnexpress, trong các loại tầm gửi, thì tầm gửi gạo (tên khoa học là Taxillus chinensis) được sử dụng làm dược liệu từ lâu. Dân gian cho rằng loại thảo dược này có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, điều hòa huyết áp và đặc biệt tốt cho người bệnh thận. Y học cổ truyền Trung Quốc sử dụng tầm gửi gạo là vị thuốc bổ dương, tráng thận, mạnh gân cốt.

Trong tài liệu “Từ điển cây thuốc Việt Nam” của Võ Văn Chi, cây vị đắng, ngọt, tính bình, có tác dụng bổ can thận, mạnh gân xương, khử phong thấp, an thai; thường dùng trị phong thấp, tê bại, lưng gối mỏi đau, gân xương nhức mỏi, thai động không yên, đau bụng, huyết áp cao.

Theo kinh nghiệm của những người dân thì tầm gửi tốt phải là tầm gửi trên cây gạo tía, còn loại gạo trắng thì không tốt bằng; nếu là loại tươi thì cành phải giòn, lá xanh, bóng còn loại khô có mùi thơm, được nắng, sau khi phơi khô nhưng thân và lá vẫn có màu xanh.

Tầm gửi khô được bảo quản trong các lớp nilông buộc kín, ngoài cùng bọc bao tải, được treo lên cao hoặc để ở những nơi khô ráo như gác bếp, tủ chè…

Cách dùng các loại tầm gửi đều giống nhau, cành và lá đều được cắt thang, đem phơi nắng già hoặc sao khô, rồi đun nước uống. Tầm gửi cây gạo có mặt trong rất nhiều bài thuốc nam, thuốc bắc. Công dụng mát gan, thải độc cho người bị thận (viêm cầu thận), chữa sỏi thận, phù thận...

Tuy nhiên, việc sử dụng vị thuốc này nên lưu ý dùng kết hợp với các vị thuốc nam khác như mã đề, kim tiền thảo, thổ phục linh… mới phát huy hết tác dụng.

Theo Y học hiện đại, tầm gửi gạo có tác dụng lợi tiểu chống viêm và chữa nhiều bệnh về thận như: đái đục, đái buốt, sỏi thận, sỏi bàng quang, viêm cầu thận cấp và mạn tính.

Các nghiên cứu của GS.TS Phạm Thanh Kỳ, Nguyên hiệu trưởng Đại học Dược Hà Nội cho thấy trong dịch chiết ethanol của tầm gửi gạo chứa những hoạt chất có tác dụng sinh học như trans-phytol, alpha-tocopherol quinone, afzeline, quercitrin, catechin và quercituron.

Đa số các thành phần này đều có tác dụng chống oxy hóa, bẫy gốc tự do, bảo vệ màng tế bào. Đặc biệt, catechin là một hợp chất phenol có nhiều trong chè xanh, tác dụng chống oxy hóa, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột qụy và ngăn hình thành sỏi canxi, giúp điều trị sỏi tiết niệu, sỏi thận, sỏi bàng quang.

Cần được nghiên cứu bằng khoa học

Theo VTC cho biết, những công dụng chữa bệnh của cây gạo và cây tầm gửi cây gạo được lưu truyền trong dân gian chứ chưa có một công trình hay tài liệu khoa học nào nói về tầm gửi cây gạo và tác dụng chữa bệnh của nó. Chúng tôi cũng khá bất ngờ khi nhiều nhà chuyên môn chưa hề biết đến loài cây này.

Trao đổi trên VTC, PGS.TS Nguyễn Duy Thuần, PGĐ Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam, Viện trưởng Viện nghiên cứu y dược cổ truyền Tuệ Tĩnh cho biết, cơ quan của ông chưa từng nghiên cứu và sử dụng loại cây này trong các bài thuốc chữa bệnh.

Bản thân PGS.TS Nguyễn Duy Thuần cũng chưa biết đến tài liệu khoa học nào nghiên cứu tầm gửi cây gạo.Khi nghe PV trình bày một số tác dụng chữa bệnh của tầm gửi cây gạo đã tìm hiểu qua dân gian, thì PGS.TS Nguyễn Duy Thuần nói: “Không thể phủ nhận giá trị của y học dân gian vì người ta thường nói y học dân gian là một bộ phận của y học cổ truyền.

Nhưng y học dân gian chỉ là kinh nghiệm chữa bệnh của một nhóm người hay một khu vực nào đó. Nếu muốn y học sử dụng như một loại thuốc phổ biến thì cần phải có sự nghiên cứu theo quy trình khoa học cụ thể.

Theo dân gian thì loại cây này có thể có tác dụng chữa được một số bệnh. Tuy nhiên, có tác dụng hay không, chữa được bệnh gì, cách uống thế nào, liều lượng ra sao… thì cần có sự phân tích, nghiên cứu trên cơ sở khoa học mới có thể khẳng định được.

Ngoài việc xác định tác dụng của loài cây này, thì việc nghiên cứu trên cơ sở khoa học còn có mục địch đặc biệt quan trọng là để xác định độ an toàn của nó. Vì trong tự nhiên có rất nhiều cây cỏ có tác dụng làm mát cơ thể và cũng không có hại gì.

Tuy nhiên, có một số loại cây được cho là có tác dụng chữa bệnh lại có thể gây tác dụng phụ mà có khi đến 20 năm sau khi uống mới có biểu hiện”. PGS.TS Nguyễn Duy Thuần cũng cho biết: “Việc xác định tác dụng loài cây này là không khó.

Chỉ cần một người dân ở địa phương đó cầm một mẫu (cành tầm gửi – PV) đến chính quyền địa phương đề nghị được nghiên cứu hoặc có thể đem trực tiếp tới các cơ quan y tế như các bệnh viện, các viện dược liệu… Tại đây sẽ được những người có chuyên môn như chúng tôi kiểm tra bằng phương pháp khoa học”.

Do chưa có sự xác minh của khoa học về tác dụng chữa bệnh của tầm gửi cây gạo, PGS.TS Nguyễn Duy Thuần khuyên người dân, đặc biệt là những người khỏe mạnh bình thường không nên lạm dụng loài cây này.

Nếu có sử dụng thì cần được sự tư vấn, hướng dẫn của bác sĩ. Khi bị bệnh, cách tốt nhất là đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để các bác sỹ có chuyên môn kiểm tra điều trị.Th.S - Dược sỹ Đoàn Xuân Đinh, Trưởng ban Quản lý cấp phát, Khoa Dược, Viện Y học cổ truyền Quân đội cho biết, đây là lần đầu tiên ông nghe nói đến loài cây này.

Trong tất cả tài liệu mà ông sưu tầm như: Dược điển Việt Nam IV; Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS Đỗ Tất Lợi; Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập I và II, được viết bởi nhiều nhà chuyên môn đầu ngành về dược liệu thuộc Viện Dược liệu Việt Nam… đều không thấy nói về tầm gửi cây gạo cũng như tác dụng chữa bệnh của nó.

Tú Liên

Nên đọc

Theo GĐVN

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]