Công lập và dân lập - Đâu là sự lựa chọn tốt?

Một vấn đề làm không ít các bạn học sinh băn khoăn.

0

Lâu nay các bậc phụ huynh luôn cho rằng trường công lập bao giờ cũng tốt hơn trường dân lập, nào là về chất lượng đào tạo, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất và một vấn đề cũng không kém phần quan trọng là tiền học phí. Học phí ở các ngôi trường dân lập khá cao, thậm chí có trường gấp 2 đến 3 lần các trường công lập. Chính vì vậy gần như tất cả các bậc phụ huỵnh đều muốn con mình được vào trường công lập. Nhưng thực sự tất cả có phải như vậy hay không? Liệu có nên bắt buộc học sinh chúng mình bằng giá nào cũng phải đỗ vào trường công lập, thứ nhất vì danh tiếng gia đình, thứ hai vì những yếu tố khác?

Đội ngũ giáo viên

Không phải chỉ có giáo viên ở trường công lập mới có kiến thức chuyên môn và phương pháp sư phạm vững chắc. Rất nhiều thầy cô giáo dạy ở các trường dân lập không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn nhiệt huyết với nghề và yêu học sinh của mình.

Hãy nghe lời tâm sự của Tuấn (18t) vừa tốt nghiệp trường THPT dân lập Marie Curie thành phố Hà Nội nói về cô chủ nhiệm của mình: “Lớp tớ vốn chủ yếu là các bạn học khối A, trong khi đó cô chủ nhiệm lại dạy văn. Vì thế lúc đầu gần như cả bọn tớ đều không thích cô bởi vốn sẵn đã không muốn học văn rồi. Trong giờ văn đứa nào cũng đem lí, hóa ra làm. Nhưng từ khi được học với cô, lớp tớ đã thay đổi hẳn. Cô dạy rất hay, khi học trích đoạn trong Vợ chồng A Phủ, cô đã cho chúng tớ xem đoạn phim về núi rừng Tây Bắc và cả chính bộ phim này nữa. Điều đó giúp bọn tớ vừa nhanh thuộc bài mà lại thấy rất thoải mái không hề áp lực. Cô cũng rất quan tâm tới các hoạt động tập thể của lớp. Tất cả các ngày 8/3 hay 20/10 cô đều gợi ý cho các bạn nam tổ chức sinh hoạt cho các bạn nữ, và cô khiến bọn tớ có cảm giác cô giống như một người bạn của mình vậy”.

Hay như Trang (17t) - học sinh trường dân lập Ngô Sĩ Liên cho hay: “Thời gian đầu tớ cũng không thích học dân lập bởi xưa nay mọi người luôn nghĩ rằng học dân lập là dốt. Nhiều khi tớ thấy ngại khi mọi người hỏi tớ học trường gì? Nhưng thực sự tớ đã lầm, khi vào đây tớ được học với rất nhiều thầy cô giáo tận tình với học sinh. Như cô giáo bộ môn Toán của tớ, cô rất nghiêm khắc nhưng cũng rất chu đáo, cẩn thận và công bằng, vì thế ai cũng sợ nhưng đều rất quý cô. Mỗi khi chấm bài kiểm tra cô luôn chỉ ra những sai sót dù là nhỏ nhất của mỗi bạn. Và cô sẽ tìm những bài mà bọn tớ hay mắc nhất để giảng lại”.

Thầy cô giáo luôn là người chỉ đường và định hướng cho học sinh biết cách học cái gì? Học như thế nào? Bởi thế vai trò của người giáo viên rất quan trọng đối với quá trình học tập của mỗi học sinh chúng ta, đặc biệt các bạn cấp 3 sắp bước vào các kì thi quan trọng. 

Học sinh thì...

Ai cũng cho rằng trường dân lập chỉ có con nhà giàu, những teen học kém và suốt ngày chơi bời mới phải vào trường đó. Nhưng thực ra không ít bạn học cực siêu đâu nhé. Rất nhiều teen có điểm tổng kết 3 năm học luôn trên 9 phấy. Trên hết là tình cảm bạn bè dành cho nhau. Hiện nay ở các trường THPT rất phổ biến tình trạng muốn làm bạn với người này chỉ vì bạn đó học giỏi, hay chỉ vì đó là “hot girl” hoặc muôn vàn lí do khác, nhà giàu, cậu kia là bạn của đứa mà mình đang “cảm cúm”. 

Tình bạn không phải dựa vào những điều đó mà nó phải xuất phát từ tình cảm chân thật của mọi người với nhau. Ai dám chắc rằng trong trường dân lập không có tình bạn sâu sắc, ai dám chắc rằng chỉ học ở công lập mới tìm được những người bạn tốt? Nói như vậy không phải là để cho rằng dân lập tốt và công lập là chưa tốt, mà nói như vậy để tất cả chúng ta hiểu rằng ở đâu cũng có những bạn tốt, những người bạn học giỏi dù họ ở học ở ngôi trường mang tên gì, sống trong môi trường nào?

Hương (16t) học sinh một trường dân lập ở Hà Nội tâm sự: “Mọi người thường nghĩ là học sinh trường dân lập rất hư. Con gái thì ăn mặc sành điệu, không đúng với phong cách của học sinh cấp 3 gì cả, con trai thì nhuộm tóc, rồi đua xe, đánh nhau, chửi nhau. Nhưng thực ra khi mình ở trong môi trường đó, mình mới biết sự thực không phải như thế! Trường mình có quy định rất nghiêm khắc. Học sinh đến trường không được sơn móng tay, móng chân, hay nhuộm tóc. Ăn mặc phải gọn gang, lịch sự. Hơn nữa, lớp mình các bạn chơi với nhau rất hòa đồng. Hay mỗi lần trên tivi thông báo miền Trung bị bão lũ, cả lớp lại chia nhau đến từng nhà trong khu phố mình ở xin quần áo cũ, sách vở cũ để quyên tặng các bạn. Mà nhiệt tình nhất lại là các bạn nam, cứ tưởng thường ngày các bạn vô tâm lắm nhưng đến lúc đó mới biết, mới thấy được tấm lòng của mọi người. Có thể các bạn học không giỏi nhưng ở đời cần lắm một tấm lòng”.

Dù là trường dân lập nhưng vẫn không thiếu những thành tích cao

Chắc chắn teen chúng ta đều biết ngôi trường THPT dân lập nổi tiếng Lương Thế Vinh? Không chỉ vì ấn tượng với thầy hiệu trưởng - GS Văn Như Cương. Mà đó còn bởi vì THPT dân lập Lương Thế Vinh là một trong những ngôi trường có tỉ lệ học sinh đậu đại học cao nhất nước ta. Chính điều đó đã làm nên thương hiệu của ngôi trường dân lập thực thụ. Và cũng còn không ít các giải quốc gia, giải quốc tế được teen “rinh” về mà bản thân các bạn đã và đang học tập tại những ngôi trường THPT dân lập trên mọi miền Tổ quốc.


GS Văn Như Cương

Lời kết

Cả nước vừa trải qua một kì thi đại học và kì thi tuyển sinh vào THPT khá căng thẳng và quyết liệt. Bố mẹ cũng như các thí sinh ai cũng muốn đậu vào ngôi trường mà mình mong muốn. Nhưng học ở đâu, học trường nào cũng vậy? Ngôi trường nào cũng có những học sinh ưu tú và những người thầy người cô đáng kính. Điều quan trọng nhất là ở bản thân mỗi chúng ta, nếu không chịu khó học tập thì dù bạn có ngồi ở trường chuyên lớp chọn thì cũng thế mà thôi. Đừng đổ lỗi cho rằng mình học trường công hay trường tư. Trường công có cái hay của công lập, trường dân lập có điểm thú vị riêng của trường dân lập. Một năm học mới đang đến gần, hi vọng rằng không phải vì mình sẽ học trường gì mà làm nản chí các bạn. 

Chúc teen nhà mình có một năm học mới tốt đẹp và đạt được thành tích cao!

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]