“Công nghiệp” lễ hội

Hôm qua xem tivi, thấy việc phát ấn ở đền Trần Nam Định lắng dịu hơn nhiều ông ạ. Không còn thấy cảnh dẫm đạp lên nhau.

15.5897

CôngThương - Cũng mới chỉ là được một phần thôi.

- Ông nói vậy là sao?

- Hàng xóm nhà tôi có người đi từ đêm hôm trước kể, người ta trèo qua cả hàng rào vào cướp “lộc thánh”. Họ giật đủ mọi thứ trên kệ thờ, nào hoa nào cành phất lộc, rồi tiền kể cả tiền lẻ...

- Khiếp nhỉ?

- Rồi chuyện hội Lim mới đây cũng ghê chứ. Cả dàn mấy nghìn người đồng tấu các làn điệu “liền anh liền chị”. Họ bảo thế mới xứng danh di sản phi vật thể.

- Lễ hội mình giờ khác xưa nhiều quá! Nhẹ phần lễ mà nặng phần hội.

- Mà này không biết ông nghĩ thế nào chứ, tôi thì thấy nước mình giờ đã hình thành cả một nền “công nghiệp” mới thì phải!

- Công nghiệp gì vậy?

- “Công nghiệp” lễ hội chứ sao?

- Ông nói thế liệu có quá không? Nhu cầu thăm viếng, du lịch là tự thân mà. Mới lại, kinh tế khá giả, dân mình người người nhà nhà đi lễ lạt thì cũng nên mừng chứ?

- Đấy là ông nghĩ thế, chứ như tôi thì thấy, cả nước mình có đến gần 8.000 lễ hội lớn, nhỏ. Lễ hội to thì càng phình ra càng lắm bất cập, lễ hội nhỏ thì cũng cố đua cho bằng chị bằng em để được “xếp hạng”.

- Cũng có phần đúng. Xưa ở làng anh em mình hội làng nào biết làng ấy. Giờ đi lại, thông tin thuận tiện nên cũng khó cấm...

- Vấn đề chẳng phải là cấm. Mà là quản thế nào. Lễ hội tổ chức rầm rộ, khách thập phương đến nườm nượp, từ tỉnh đến xã “hái” khối tiền. Nhưng chẳng lẽ chỉ có thế thôi sao?

- Tôi  thấy kể cũng lạ, giờ dân mình nô nức đi chùa, ai cũng xem như thần phật là nguồn ban phát. Mà triết lý nhà Phật đâu phải vậy.

- Cái “công nghiệp” lễ hội nước mình xem ra càng phát triển thì tuy đem lại doanh thu nhiều đấy nhưng liệu có bền vững không? Tiền tiêu mãi cũng phải hết. Thử hỏi đọng lại điều gì nếu không phải là những đám đông chen lấn nhau, cảnh quan nhếch nhác còn lại nơi di tích, đình chùa?

- Trên tivi hôm trước có phỏng vấn một ông quan chức về văn hóa cơ sở. Ông này khuyên mọi người nhìn lễ hội bằng con mắt bình tĩnh.

- Anh em mình trò chuyện với nhau cũng còn là bình tĩnh. Trộm nghĩ, “công nghiệp” lễ hội phải được nâng tầm con người, xa hơn là nâng tầm đất nước. Du lịch Việt Nam nếu muốn lan tỏa “vẻ đẹp bất tận” phải dựa vào cái nâng tầm ấy.

- Hay! Hôm nào tôi viết thư tiến cử ông để đài truyền hình đến phỏng vấn nhé!        

CHÍNH NHÂN

baocongthuong.com.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]