Ngoài việc để cho thỏa cái thú ăn chơi vô độ của mình, những hoạt động nói trên của Ba Huy phần nào cho thấy ông là người “canh tân”, thích đưa cái mới vào cuộc sống. Ông đã làm cho cuộc sống ở một góc đồng bằng trở nên sôi động trong một số khoảnh khắc.

>>

Sôi động một vùng nông thôn

Trong số hàng trăm ngàn mẫu đất của gia tộc Trần Trinh, Bàu Sàng (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) là sở điền lớn nhất với 36.000 mẫu. Tại đây, ông Trần Trinh Trạch cất một ngôi biệt thự kiểu Pháp đồ sộ (về sau bị cháy trong cuộc kháng chiến chống Pháp). Trước đây ông Hội đồng Trạch giao cho cậu Hai Đinh (anh của Ba Huy) trông coi sở điền Bàu Sàng. Thỉnh thoảng, cậu Hai Đinh và ông bà Hội đồng Trạch mới đi ghe bầu từ Bạc Liêu vô Bàu Sàng để thăm ruộng.

Tá điền trong Bàu Sàng mướn ruộng của Hội đồng Trạch còn được cho vay lúa giống và lúa ăn, cho mướn trâu để làm mùa và cho vay tiền để gặt hái, giỗ chạp. Với tất cả các khoản vay nói trên, người tá điền nhận của Hội đồng Trạch 1 đồng vào đầu mùa thì đến cuối mùa phải  trả 1,75 đồng; nếu vay 10 giạ lúa thì trả 15 giạ. Ông Hội đồng cho nuôi  mấy trăm đôi trâu để cho tá điền mướn, một đôi trâu mướn trọn mùa là 70 giạ lúa. Có tá điền làm lụng, thu hoạch mấy trăm giạ lúa nhưng khi đong lúa cho Hội đồng Trạch xong thì không còn đủ lúa ăn đến mùa sau.

Khi hết lúa, tá điền lại đến nhà lầu của Hội đồng Trạch để vay tiền, vay lúa. Cứ vậy, cái nghèo, nợ nần cứ đeo bám đời các tá điền. Ngoài chiếc ghe hầu của cậu Hai Đinh thỉnh thoảng chèo vào thăm ruộng và ngôi biệt thự theo kiểu tây của Hội đồng Trạch, hàng ngàn tá điền ở Bàu Sàng chưa biết tới thú gì khác gọi là văn mình. Giữa cái không gian quê mùa hiu hắt, tăm tối, lạc hậu ấy, cậu Ba Trần Trinh Huy xuất hiện một cách “sáng rực” trong con mắt các tá điền.

Một buổi sáng, tiếng ca nô lướt sóng đã đánh thức dân trong điền Bàu Sàng. Không đi thăm ruộng bằng ghe hầu như ông Hội đồng Trạch và cậu Hai Đinh, công tử Bạc Liêu sắm ca nô đi thăm ruộng ở Bàu Sàng. Ba Huy cũng không vận quần áo bà ba lụa soan trắng như các điền chủ đương thời, mà tươm tất trong quần tây, áo sơ mi, đội nón nỉ, đi giày da, lưng giắt đồng hồ quả mít Ăng-lê. Dân tá điền Bàu Sàng trố mắt, há mồm nhìn ông chủ mới như từ trên trời rơi xuống.

Đến Bàu Sàng, cậu Ba thường chở theo đào hát hoặc tình nhân vào nhà lầu để vui thú vài ba ngày. Ba Huy đi thăm ruộng mà giống như đi chơi. Để cho cuộc chơi thêm thú vị, thỉnh thoảng Ba Huy tổ chức “thí giàn” – bày đồ cúng gồm gạo, bánh, trái cây, gà vịt… đầy sân nhà lầu. Trẻ con, người lớn trong điền Bàu Sàng đi giựt giàn ở nhà lầu như đi hội. Ba Huy chứng tỏ là một người biết tổ chức, làm nên những lễ hội lớn tới chưa từng có ở đây. Đầu tiên là Ba Huy cho mở chợ phiên kéo dài hàng tháng trời, kéo dài suốt mùa cúng Kỳ yên.

Ba Huy bảo: “Tháng giêng là tháng ăn chơi”. Ba Huy rước về ba gánh hát gồm có hát Việt, hát Khmer và hát Tàu. Tiếng nhạc ngũ âm, tiếng trống chầu, tiếng đàn nhị cứ réo rắt, ò e vang động một góc trời. Dân ở nhiều làng lân cận ùn ùn kéo đến đông nghịt, làm cho sân lễ như nứt ra. Chợ phiên lại có nhiều hàng quán mở ra bày bán thức ăn, vải vóc, hàng xén… lẫn các sòng bài cào, hốt me, xí ngầu…

Mở màn buổi lễ, nhà lầu làm heo nấu cỗ dọn lên rất nhiều mâm rượu thịt, Ba Huy đứng làm chánh chủ lễ cúng “đất đai dương trạch”, “sơn thần thổ địa”, “cô hồn các đảng”… theo thông lệ của lễ cúng Kỳ yên để tạ ơn việc phù hộ cho quốc thái dân an. Cúng xong, nhà lầu mời hết thảy tá điền ăn nhậu… Những trò chơi dân gian cũng được tổ chức như nhảy cà ròn (nhảy bao bây giờ), lội ao bắt vịt, thi trèo cột mỡ…

Sau lễ cúng Kỳ yên với những trò chơi nửa Tây nửa ta, tá điền nghèo lại nghèo thêm và người ngợm thêm đổ đốn. Những thú vui chưa từng biết đã kích động họ, xui khiến họ lao vào ăn nhậu, cờ bạc. Có người làm mướn suốt năm tích lũy bỗng trắng tay khi lễ Kỳ yên kết thúc. Thế là lại đi vay tiền của nhà lầu để rồi nợ nần chồng chất. Nói cho công bằng, do tính ham vui, phóng khoáng nên Ba Huy rất rộng rãi. Tá điền không nghe thấy ông đòi nợ ai bao giờ. Ai nghèo quá, năn nỉ, ông còn bớt lúa ruộng. Cho nên tá điền Bàu Sàng ít ai oán ghét Ba Huy…

Mê đánh bạc rồi mở sòng bạc

Thỉnh thoảng Công tử Bạc Liêu đi Sài Gòn để “đổi gió” với những cuộc ăn chơi nổ trời, làm cho dân Sài thành phải nể. Trần Trinh Huy lặn ngụp trong những bàn tiệc với rượu sâm banh và sau đó thì nhảy đầm, rồi tỉ tê mây gió với gái nhảy, gái điếm hạng sang trong khách sạn hoặc dẫn nhau đi Đà Lạt, Vũng Tàu…

Một thú vui khác không thể thiếu là đánh bài. Cái máu mê cờ bạc của Ba Huy cũng khá đậm đặc. Có lần Công tử Bạc Liêu dám đánh 1 cây bài 30.000 đồng, tương đương hơn 4 tỉ đồng bây giờ. Đó là cái dạo Ba Huy vào Đại thế giới đánh bài, hôm đó, trên chiếu bạc có một người đàn bà trẻ, cực kỳ sang trọng và xinh đẹp. Cô Ba Trà là Hoa khôi Nam kỳ, Công tử Bạc Liêu mê mẩn người đàn bà này.

Để gây ấn tượng cho người đàn bà đẹp, Công tử Bạc Liêu quyết định đánh 1 ván bài 30.000 đồng. Nên nhớ hồi đó lúa chỉ 1,7 đồng/giạ, lương Thống đốc Nam kỳ chưa tới 3.000 đồng/tháng. Khi Công tử Bạc Liêu đập xấp tiền xuống chiếu bạc, các con bạc lẫn tài phán đều sững sờ. Cái “đập tay” ấy còn nặng hơn búa tạ, nó lập kỷ lục trong nghề cờ bạc ở Chợ Lớn, làm chấn động giới cờ bạc Sài Gòn. Dù thua cây bài “khủng”, Ba Huy vẫn điềm nhiên mời cô Ba Trà đi ăn nhà hàng...

Học võ và tổ chức đấu võ đài

Ba Huy rất mê nghề võ. Vào nửa đầu thế kỷ XX, học võ là một cái mốt với nhận thức: Học võ để nâng cao khí phách thượng võ của kẻ anh hào. Công tử Bạc Liêu không học võ Tây hay võ ta mà học võ Xiêm (Thái Lan). Ông đã cất công qua Xiêm mướn một ông thầy thượng hạng tên gọi là Si-cô-la  về dạy cho mình và Tám Bò (em út Ba Huy).

Có một câu chuyện do ông Tạ Việt Hoa, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Minh Hải, kể: “Nghe người ta kể lại: Để chứng minh thầy võ của mình là “độc chiêu”, Công tử Bạc Liêu đã tổ chức một võ đài tại Bạc Liêu rồi cho thầy mình thách đấu với Sáu Cường - một người rất to con, đặc biệt cặp chân rất dài. Bộ đá của Sáu Cường đã vang danh khắp Nam kỳ và Campuchia, không ai đỡ nổi. Khi thượng đài, Sáu Cường khiêm tốn bái tổ theo nguyên tắc nhà võ, còn Si-cô-la thì ngông nghênh, không bái tổ gì cả. Sáu Cường ra đòn đầu tiên bằng thế đá “danh bất hư truyền” khiến Si-cô-la phải hạ đài sau đó. Tức khí vì nhục, Công tử Bạc Liêu đã cho đàn em vây đánh Sáu Cường. Thế nhưng, một nhóm người Bạc Liêu chuộng nghĩa đã đứng ra bênh vực, giải vây cho Sáu Cường”.

Có một chuyện buồn cười: Công tử Bạc Liêu biết võ nhưng lại bị người khác đánh bể mặt. Câu chuyện này được nhà báo Hồng Hạnh viết như sau: Chuyện xảy ra vào lối thập niên 1930… Công tử Bạc Liêu với thói phong lưu nhất hạng mà khi ra đường chỉ biết ngửa mặt nhìn trời mà bước, không thèm để ý tới ai. Chính vì thế nên xảy ra một vụ đụng độ…

Số là ở Cần Thơ cũng có một Công tử Cần Thơ tên gọi là Dương Văn Quảng. Đây cũng là một tay tứ đổ tường, ăn chơi có hạng. Ông này đã bỏ ra bạc ngàn Đông Dương để mua chiếc xe Renault. Tình cờ, Công tử Bạc Liêu và Công tử Cần Thơ đụng độ nhau giữa ban ngày. Số là hồi đó, cầu Cái Răng chưa to lớn như bây giờ. Nó chỉ là một chiếc cầu sắt đủ cho một làn xe chạy. Theo thông lệ, mỗi lần xe hai bên khi qua cầu phải nhìn trước ngó sau rồi mới qua. Đàng này cả hai chiếc xe của hai Công tử cứ thế mà bon bon chẳng ai thèm ngó ai, đến khi lên giữa cầu mới chực nhìn ngó nhau. (Nghe nói xe của Công tử Cần Thơ đã lên 7 phần cầu còn xe của Công tử Bạc Liêu mới lên 3 phần). Thế nên Công tử Cần Thơ mới hầm hầm mở cửa xe đòi đánh kẻ dám không nhường đường.

Nói là làm, Công tử Quảng đã thoi vào mặt Công tử Bạc Liêu một phát. Là người có võ nhưng không biết căn cớ nào mà Ba Huy lãnh nguyên một nắm đấm. Nắm đấm ấy lại có chiếc cà rá hột xoàn nên nó ấn vào mặt Ba Huy đến tóe máu. Sau đó thì trở nên lớn chuyện, cò bót phải lập biên bản và chẳng ai chịu quay lui xe, khiến cho ùn tắc giao thông nguyên một ngày trời. Công tử Bạc Liêu đã kiện và Tòa xét xử kéo dài cả năm trời. Cuối cùng, Công tử Cần Thơ phải nhờ người thân của mình có quen biết mang trầu rượu xuống tận Bạc Liêu xin lỗi Trần gia nhờ xí xóa, với một câu: Nếu biết đó là Công tử Bạc Liêu, ông nội tôi còn không dám đánh!

(Còn tiếp)