Corticoid trị bệnh hô hấp, dùng thế nào?

Với những ưu điểm vượt trội mà corticoid đem lại, cũng như những tác dụng phụ nghiêm trọng mà nó gây ra, việc dùng đúng corticoid là hết sức cần thiết trong thực hành điều trị và kiểm soát các bệnh đường hô hấp...

15.5981

Với những ưu điểm vượt trội mà corticoid đem lại, cũng như những tác dụng phụ nghiêm trọng mà nó gây ra, việc dùng đúng corticoid là hết sức cần thiết trong thực hành điều trị và kiểm soát các bệnh đường hô hấp...

Thế mạnh của corticoid với các bệnh đường hô hấp

Đứng trước các phản ứng viêm quá mức, các corticoid tỏ ra có những ưu thế vượt trội, hơn hẳn những thuốc chống viêm không steroid như paracetmol, diclophenac... Được sinh ra với bản chất hormon steroid, các corticoid được ưa chuộng trong phối hợp điều trị bệnh hen và các bệnh hô hấp khác bởi những đặc tính sau:

- Ức chế tổng hợp các cytokin, chất trung gian hoá học của viêm được cho là có vai trò quan trọng trong cơ chế gây ra các bệnh hô hấp.

- Ức chế sản xuất các axit arachidonic, một chất trung gian hoá học của viêm được sản xuất hàng loạt trong bệnh sinh hen và viêm đường hô hấp. Nhờ giảm nồng độ các chất này mà phản ứng viêm bị chặn đứng, giảm các triệu chứng như chảy dịch, giảm xung huyết, giảm đau, giảm sưng, giảm co thắt khí phế quản.

- Ức chế giải phóng các histamin. Về ý nghĩa này, các corticoid có tác dụng chống dị ứng còn mạnh hơn cả các thuốc chống dị ứng thông thường tác động trực tiếp vào các thụ thể histamin H1 như chlopheniramin. Nó có tác dụng mạnh trên tất cả các bệnh đường hô hấp do cơ chế dị ứng gây ra.

- Giảm tính thấm thành mạch, các corticoid có tác dụng giảm nồng độ các chất trung gian hóa học của viêm, giảm số lượng các tế bào chịu trách nhiệm trong viêm và có tác dụng giảm dịch thoát ra từ lòng mạch. Vì thế mà tính năng giảm tính thấm thành mạch của corticoid có tác dụng mạnh mẽ trong việc giảm mức độ viêm trên đường hô hấp.

- Làm tăng độ nhạy và tính nhạy cảm của các thụ thể catecholamin ß2. Những thụ thể này có tác dụng tiếp nhận các catecholamin làm giãn đường thở. Sử dụng corticoid người ta thấy các thụ thể catecholamin ß2 tăng độ nhạy lên rõ ràng.

Hình ảnh co thắt đường thở trong bệnh lý hô hấp.

Và những tác dụng không mong muốn

Tuy tác dụng chống viêm, chống dị ứng trong bệnh hô hấp của corticoid khá công hiệu nhưng thực sự đó không phải là một giải pháp toàn năng bởi nó luôn kèm theo những tác dụng phụ vô cùng nguy hiểm. Các vấn đề như nặng mặt, tăng cân và phù chỉ là những biểu hiện thông thường. Nghiêm trọng hơn đó là vấn đề loãng xương, hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi do giảm tạo xương, tăng huỷ xương, giảm lắng đọng canxi vào xương, có thể mất tới 30% xương trong tổng khối lượng xương sau 3 tháng điều trị. Người ta cũng thấy hiện tượng đứt gân gót không mà do corticoid.

Nếu sử dụng corticoid kéo dài thì chỉ sau một vận động bình thường như lên xuống ôtô, đi bộ nhanh, lên xuống cầu thang gân gót (gân Achilles) cũngcó thể bị tổn thương. Loét và chảy máu dạ dày là những biến chứng đáng ngại trên đường tiêu hoá do nó làm giảm tổng hợp chất nhày bảo vệ trên bề mặt đường tiêu hoá. Trên hệ thống cơ quan thị giác, các coritcoid làm đục thuỷ tinh thể, gây bệnh thiên đầu thống, làm tăng áp lực nội sọ. Đặc biệt ở những bệnh nhân bị suy dinh dưỡng, người già, người bị suy giảm chức năng hô hấp thì vấn đề teo cơ, yếu cơ là một một vấn đề cần quan tâm khi sử dụng corticoid trong điều trị kéo dài hoặc sử dụng corticoid với nồng độ cao, đặc biệt khi dùng triamcinolone, betamethasone, dexamethasone.

Ngoài ra, ta có thể gặp các biến chứng khác như làm nặng thêm bệnh đái tháo đường, gây rối loạn trục dưới đồi - tuyến yên - tuyến thượng thân, làm suy giảm chức năng tuyến thượng thận, làm xuất hiện các nhiễm trùng cơ hội như nhiễm nấm, nhiễm vi khuẩn, nhiễm virut, lao tái nhiễm.

Dùng thế nào cho đúng?

Trước hết trong lâm sàng hô hấp, corticoid được bào chế dưới 3 dạng: viên uống, dung dịch tiêm và dạng xịt. Về thời gian tác dụng thuốc được chia thành loại có tác dụng ngắn, trung bình và dài. Các hydrocortisone, cortisone, prednisolone, prednisone và methylprednisolone được cho là các corticoid có thời gian tác dụng ngắn. Triamcinolone là corticoid có thời gian tác dụng trung bình. Còn betamethasone, dexamethasone là những cortioid có tác dụng dài. Betamethasone, dexamethasone cũng là những corticoid có tác dụng mạnh nhất.

Tuỳ thuộc vào loại coritcoid mà liều lượng dùng khác nhau để có được tác dụng chống viêm phù hợp. Nếu sử dụng quá liều chống viêm thì các corticoid lại có thêm các tác dụng khác nữa. Bên cạnh đó, cần chú ý thời gian sử dụng corticoid nếu sử dụng theo đường uống. Nên uống corticioid vào buổi sáng vì: thứ nhất nó trùng với thời gian chế tiết ACTH của tuyến yên nên sẽ không làm suy tuyến thượng thận, thứ hai là các corticoid ít bị gắn kết với các protein của huyết tương nên sẽ có tác dụng cao hơn.

Tác dụng phụ của corticoid phụ thuộc vào liều sử dụng và thời gian điều trị. Nếu điều trị với liều lượng thấp và thời gian ngắn (trong vòng 2 tuần) thì có thể coi là tương đối an toàn, ngoại trừ những người có độ nhạy cảm bệnh lý do họ đã mắc một số bệnh từ trước đó. Khi chúng ta điều trị vượt ra ngoài thời gian này thì nhất định cần chú ý tới những tác dụng phụ đáng ngại của nó. Và trước khi ngừng thuốc cần phải tiến hành giảm liều từ từ, nếu không phản ứng bệnh lý sẽ tồi tệ hơn và có thể gây phụ thuộc thuốc.

Khi sử dụng corticoid, cần hết sức chú ý với những người bị bệnh viêm loét dạ vì nó có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh đến mức gây xuất huyết tiêu hoá và thủng dạ dày bất cứ lúc nào. Cũng cần hết sức lưu ý với những trẻ em vị thành niên vì chúng gây ra rối loạn nội tiết làm nam hoá nữ và nữ hoá nam. Trong điều trị bệnh lý nhiễm khuẩn hô hấp, đặc biệt là bệnh lao, việc sử dụng corticoid có tác dụng làm giảm tổn thương mô lành nhưng cũng cần đề phòng tác dụng gây nhiễm trùng lan tràn và kéo theo những nhiễm trùng cơ hội khác. Vì vậy, khi người bệnh có dấu hiệu nhiễm khuẩn, việc lựa chọn corticoid cần hết sức thận trọng, nếu không, tình trạng nhiễm khuẩn sẽ nặng thêm.

Việc sử dụng corticoid với người già nên kết thúc càng sớm càng tốt để tránh biến chứng teo cơ, yếu cơ dẫn đến liệt cơ, biến chứng thưa xương, loãng xương dẫn đến gãy xương do dùng thuốc.           

 

  BS. Yên Lâm Phúc

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]