Cữ bệnh lại gặp gió

Một chút tín hiệu lạc quan về số doanh nghiệp (DN) tái hoạt động không át nổi những lo toan về gánh nặng lương thưởng những ngày cuối năm.

0

Đọc E-paper

Những DN thâm dụng lao động như dệt may lo gánh nặng thưởng tết
Theo số liệu thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có gần 42.000 DN ngưng hoạt động trong 10 tháng đầu năm 2013, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2012. Song, với thời gian này, cũng đã có 11.750 DN tái hoạt động, cho thấy những dấu hiệu hồi phục kinh tế.

Riêng tại TP.HCM, báo cáo từ Cục Thuế cho biết, trong 9 tháng đầu năm, có 25.943 DN phát sinh, tăng cao hơn lượng DN giải thể (17.938 DN) là 8.005 DN, trong đó, có 20.731 DN thành lập mới; 5.212 DN tái hoạt động, đưa tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn lên 137.723 DN.

Điều đáng ghi nhận là số DN tái hoạt động cũng đang tăng dần lên qua các tháng. Đây được xem là dấu hiệu tích cực về sự phục hồi kinh doanh của các DN trên địa bàn.

Song, với những thiên tai vừa qua, hoạt động của các DN tại vùng đồng bằng sông Hồng vẫn gặp nhiều khó khăn, với số lượng DN thành lập mới gia tăng không đáng kể, khoảng 0,5%, trong khi lượng DN gặp khó khăn phải dừng hoạt động lại tăng cao, đến 14,4%.

Cùng với việc đi thực tế tại nhiều DN trên địa bàn TP.HCM, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cho rằng, dù có dấu hiệu hồi phục nhưng tình hình DN vẫn còn nhiều khó khăn.

"Liệu họ có kịp hồi phục để có một cái Tết vẹn toàn cho người lao động? Lương, thưởng không chỉ là nỗi lo của DN mà còn của cả người lao động", ông Minh đặt vấn đề.

Với vai trò là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Tân Bình, ông Lê Trung Hoan, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Dệt May Thương mại Tấn Minh, chia sẻ, dù không thể thống kê một cách cụ thể, nhưng theo nhìn nhận từ phía Hội thì "nhiều DN đã rất yếu và gần như đứng yên".

Đặc biệt đối với các DN trong lĩnh vực bất động sản, dệt nhuộm, vật liệu xây dựng... hầu như chưa thấy dấu hiệu hồi phục. Khi bàn đến vấn đề thưởng Tết, ông Hoan cho biết, một DN có lãi khoảng 20% mới có thể chăm lo được việc trả lương tốt cho người lao động.

Mức lợi nhuận này hiện nay đối với nhiều DN là không thể. Bên cạnh đó, DN trong lĩnh vực sản xuất trả lương bằng ngày công. Theo quy định, một tháng có 26 ngày công, nếu người lao động làm việc vào ngày thứ 27 (không trùng ngày nghỉ), DN phải trả lương gấp đôi.

Nhìn từ khó khăn của DN hiện nay, ông Đặng Quốc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Thủ công Mỹ nghệ Kim Bôi, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho rằng, vấn đề lương, thưởng còn là chuyện dài.

Dù muốn hay không muốn, DN cũng phải trả lương cho người lao động đúng với giá thị trường, mặt bằng lương chung của các DN trong ngành.

"Nếu trả lương thấp, người lao động sẽ bỏ đi chỗ khác ngay! Gánh nặng lương, thưởng vì thế càng trở thành áp lực cho các DN ngành gỗ mỹ nghệ, khi hàng hóa chưa giải quyết hết, đơn hàng mới vẫn chưa có”, ông Hùng nhận định.

Đồng thời, ông cũng kiến nghị cần xem xét lại chính sách lương, thưởng cho phù hợp với sự tăng trưởng chung của nền kinh tế, cũng như mức độ lạm phát. Có như vậy thì mới mong cứu sống DN trong giai đoạn hiện nay.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM, Giám đốc Công ty Đức Minh, thị trường trầm lắng nên các DN dừng các dự án đầu tư mở rộng, co cụm sản xuất, không dám để hàng tồn kho.

Ngoài ra, còn một số khó khăn khác ảnh hưởng đến DN như nếu tiếp tục tăng lương tối thiểu thì chỉ có DN gánh phí bảo hiểm xã hội mà người lao động không được hưởng lợi.

PHAN LÊ
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]