Củ cải, phòng chữa bệnh hô hấp

Củ cải có nhiều tính năng, công dụng. Có thể thâu tóm như sau: Tập trung nhất vào nhóm chữa bệnh hô hấp (ho, hen, đàm, suyễn, tức ngực, khản tiếng, mất tiếng, ho ra máu, lao) và bệnh ở bộ máy tiêu hóa (như đau vùng thượng vị, ợ chua, nôn, ăn không tiêu, trướng bụng, táo bón, lòi dom, trĩ.

15.6121

Củ cải có nhiều tính năng, công dụng. Có thể thâu tóm như sau: Tập trung nhất vào nhóm chữa bệnh hô hấp (ho, hen, đàm, suyễn, tức ngực, khản tiếng, mất tiếng, ho ra máu, lao) và bệnh ở bộ máy tiêu hóa (như đau vùng thượng vị, ợ chua, nôn, ăn không tiêu, trướng bụng, táo bón, lòi dom, trĩ. Ngoài ra còn chữa một số bệnh bộ máy tiết niệu do thấp nhiệt (đái ít, đái dắt, buốt, đái đục, có sỏi) chữa một số bệnh chuyển hóa (béo, trệ, đái tháo đường...) bệnh về máu (hoạt huyết, chỉ huyết chống chảy máu khi đại tiểu tiện, lao) còn có công dụng đặc biệt giải độc nói chung như khi bị ngộ độc khí độc do than, độc của rượu, cà, hàn the và ngộ độc nhân sâm do dùng sai quy cách.

Củ cải trắng.

Theo Đông y, củ cải tươi có vị cay tính mát (có tài liệu ghi lạnh), dẫn khí đi lên. Củ cải nấu chín vị ngọt, tính bình (có tài liệu ghi ôn) dẫn khí đi xuống. Quy kinh phế và vị.

Theo Tây y, củ cải có tác dụng khai vị, giúp ăn ngon miệng, chống hoại huyết (chảy máu chân răng do thiếu vitamin C) chống còi xương, sát khuẩn nói chung kể cả trùng roi âm đạo, làm long đờm giảm ho, giảm mỡ, đường máu, giảm huyết áp.

Sau đây là một số kinh nghiệm dùng củ cải làm thức ăn và thuốc phòng chữa bệnh.

Bánh củ cải: Hóa đờm, lợi khí giảm ho, bổ tỳ.

Bài 1: Củ cải trắng 500g, bột mỳ 500g, bột ngọt 2g, tiêu bột 1g, dầu cải 50g, muối 5g. Dầu vừng 15g, thịt 300g. Củ cải rửa sạch bào sợi, xào sơ qua bằng dầu cải rồi cho bột ngọt, muối, tiêu, thịt trộn để làm nhân bánh.

Bài 2: Củ cải trắng 250g, gừng tươi 15g, dầu cải 50g, bột mỳ 250g, hành 15g, thịt heo nạc 100g, muối 3g. Làm như trên.

Bài 3: Củ cải trắng 125g, hành trắng (bỏ lá xanh) 50g, trứng gà 60g, vừng 5g, bột mỳ 500g. Đường 50g, muối 60g, bột ngọt 5g, dầu vừng 25g, mỡ. Làm như trên.

Bài 4: Kiện tỳ, điều khí, tiêu đờm. Củ cải trắng 250g, thịt lợn nạc 100g. Bột gạo hoặc mỳ 250g, gừng, hành, muối, dầu vừa đủ. củ cải thái chỉ xào tái cùng thịt lợn, thái sợi trộn làm nhân bánh, làm chín bánh bằng cách hấp hoặc rán.

Trứng xào củ cải: Bổ tỳ dưỡng vị nhuận phế. Đây là món ăn rất quen thuộc. Một sự phối hợp để giúp phát huy tác dụng tốt và khắc phục nhược điểm đầy và lạnh.

Ngoài ra, còn có các công thức cá bống kho củ cải đặc biệt tốt cho sản phụ sau khi sinh, hoặc người ốm dậy khi “bụng dạ còn yếu”.

Cao ngũ trấp: Chữa ho nhiều, suy nhược. Củ cải trắng 1kg, lê 1kg, gừng tươi 250g, sữa 250g, mật ong 250g. Lê gọt vỏ bỏ hạt, củ cải, gừng tươi rửa sạch thái nhỏ. Cho từng thứ riêng vào vải xô vắt nước để riêng. Để nước củ cải, lê đun to lửa cho sôi bớt lửa cho đến khi đặc dính thì cho nước gừng, sữa, mật ong vào quấy đều đun sôi lại. Khi nguội cho vào lọ đậy kín dùng dần mỗi lần 1 thìa canh pha vào nước nóng để uống. Ngày 2 lần.

Cao củ cải tươi: Chữa lao phổi (kèm tức ngực, ho ra máu). Củ cải tươi 1kg, lê tươi 1kg, sinh địa tươi 500g, ngó sen tươi 1kg, mạch môn tươi 500g, rễ tranh tươi 1kg, gừng tươi 100g. Tất cả nấu sôi 30 phút vắt lấy nước nấu lại lần 2 rồi nhập lại cô thành cao rồi cho các vị sau đây: A giao 500g, đường phèn 500g, mật ong 500g, nấu thành cao đặc, cho vào lọ. Ngày uống 2 lần sáng chiều. Mỗi lần 2 muỗng canh (30ml) hòa nước ấm hoặc ngậm nuốt dần.

Công thức đơn giản hơn: Củ cải 300g nấu với 400ml nước còn 100ml bỏ bã. Thêm 10g phèn chua, 150g mật ong quấy đều, đun lên. Ngày uống 3 lần mỗi lần 30ml lúc đói.

Trị suyễn (nhiều đờm, khó thở) củ cải trắng thái nhỏ, xào giòn, tán nhỏ mịn ngào mật mía, viên bằng hạt ngô. Cho vào lọ dùng dần. Mỗi lần uống 30 viên, chiêu với nước ấm.

Viêm phế quản, viêm họng: Củ cải 500 – 1.000g, quả trám 250g sắc uống hoặc ngậm nuốt dần.

Ngạt vì khói độc (của than) nước cốt củ cải tươi đổ ngay vào miệng người bệnh (Nam dược thần liệu).

Bệnh phổi nhiễm silic (bệnh bụi phổi).

- Nước củ cải tươi 5ml, nước rễ tranh 5ml, nước ép củ năng (mã thầy) 5ml, thạch hộc tươi 12g ép nước. Nước ép này để riêng.

- Lấy các vị: Vừng trắng 12g, xuyên bối mẫu 3g, ngưu bàng 9g, cát cánh 9g, lá tỳ bà 9g, kê nội kim (màng mề gà) 6g, chỉ xác 9g. Nấu với 150-200ml nước còn 1/3 lọc nước, bỏ bã cô lại còn 100g. Lấy nước này trộn với nước ép tươi nói trên, chia ngày uống 3 lần. Mỗi liệu trình 15 ngày.

Ung thư phổi ho ra máu: Nước củ cải 50ml, đường phèn 15g, chưng cách thủy. Hoặc nước củ cải 50ml, hạch đào nhân 30g, hạch nhân 15g, đường phèn 15g, ngày 1 thang.

Chống rét cóng: Lấy củ cải hoặc hạt cải củ phơi sấy khô, tán bột mịn cho vào tất tay chân.

Ghi chú: Theo tài liệu Trung Quốc còn có loại củ cải xanh. Thành phần dinh dưỡng tương tự củ cải trắng, công dụng còn tốt hơn củ cải trắng. Ăn củ cải nên ăn cả vỏ (trừ khi già xơ) rửa sạch, vì vỏ chiếm 90% thành phần dinh dưỡng (muối khoáng canxi, phospho, sắt...). Hạt cây củ cải (lai bạc tử) tính năng công dụng như củ cải nhưng thường dùng dưới dạng thuốc và thường có mặt trong các bài thuốc bí truyền của Trung Quốc. Theo Lý Thời Trân, hạt cải củ có tác dụng hạ khí, định suyễn, hóa đàm, tiêu thực, lợi đại tiểu tiện. Dùng sống thời thăng thổ phong đờm, dùng chín thì giáng, định ho suyễn, lợi khí, chỉ thống. Chu đan khê nói lai bạc tử trị đờm mạch như “đổ tường, phá vách”. Khi không có củ cải trắng và xanh dùng cải bẹ trắng cũng được.

Cần cảnh giác củ cải trắng thái chỉ phơi khô làm giả kim ngân hoa, hoặc ép nhuộm màu làm giả nhân sâm. Nếu dùng nhân sâm thật lẫn nhân sâm giả (bằng củ cải) thì sẽ mất tác dụng vì củ cải giải độc nhân sâm.

Theo Suckhoedoisong

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]