Cử chỉ tay ảnh hưởng như thế nào đến trí thông minh?

Cử chỉ ảnh hưởng rất lớn đến việc học. Cử chỉ có thể tiết lộ những gì chúng ta biết mà chưa kịp nhận ra. Qua việc sử dụng cử chỉ, bạn cũng có thể tiếp thu kiến thức nhanh hơn.

15.5692

Nội dung nổi bật:

- Nhiều nghiên cứu chứng minh, cử chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc truyền đạt, thậm chí thực hiện suy nghĩ của con người.

- Cử chỉ ảnh hưởng rất lớn đến việc học. Cử chỉ có thể tiết lộ những gì chúng ta biết mà chưa kịp nhận ra. Qua việc sử dụng cử chỉ, bạn cũng có thể tiếp thu kiến thức nhanh hơn.


Annie Murphy Paul, tác giả cuốn sách “Brilliant” cho biết, gần đây, một khái niệm mới về trí thông minh đang hình thành trong lĩnh vực khoa học xã hội và sinh học. Khái niệm này gồm nhiều vấn đề có thể tạm gọi chung là “thuyết nhận thức dựa trên tình huống”.

Thuyết này cho rằng ý nghĩ không diễn ra ở một nơi trừu tượng, ngoài cơ thể vật chất mà luôn diễn ra tại một vùng não cụ thể, một bộ phận riêng, nằm ở một thế giới vật chất và xã hội cụ thể. Những trạng thái tức thời chiếm ưu thế ở vùng não, bộ phận và thế giới đó có tác động mạnh mẽ đến cách suy nghĩ và hành động của con người.

Một trong những vấn đề thú vị nhất theo quan điểm này được gọi là “nhận thức biểu hiện”. “Nhận thức biểu hiện” thừa nhận cơ thể đóng vai trò quan trọng trong cách chúng ta suy nghĩ.

Ví dụ, các cử chỉ cấu thành một phương thức khác để truyền đạt, thậm chí thực hiện suy nghĩ của chúng ta. Nghiên cứu đã chứng minh rằng chuyển động tay khi nói chuyện tạo nên một loại ngôn ngữ thứ hai, bổ sung thêm thông tin mà từ ngữ còn thiếu.

Cử chỉ tiết lộ những gì chúng ta biết, những gì ta không biết và cả những thứ chúng ta biết mà không nhận ra. Đó chính là mật mã của việc học. Hơn nữa, sự tương thích hoặc thiếu tương thích giữa lời nói và chuyển động tay sẽ thể hiện mức độ sẵn sàng tiếp thu kiến thức.

Susan Goldin-Meadow, giáo sư môn tâm lý học tại Đại học Chicago đã tổ chức nhiều nghiên cứu nhằm xác lập tầm quan trọng của cử chỉ đến việc học. Bà nhận định: “Chúng ta thay đổi suy nghĩ bằng cách chuyển động tay”.

Bà coi những “sự không tương thích” giữa biểu hiện bằng lời nói và cử chỉ vật lý là vô cùng quan trọng. Chẳng hạn như một học sinh nói rằng quả bóng nặng rơi nhanh hơn quả bóng nhẹ, nhưng cử chỉ của học sinh đó lại cho thấy phương án đúng là chúng rơi cùng vận tốc. Những điều thiếu nhất quán như vậy chỉ ra chúng ta đang ở trong trạng thái chuyển tiếp, từ cấp độ hiểu biết này sang cấp độ hiểu biết khác.

Những suy nghĩ được truyền tải bằng động tác tay thường là suy nghĩ mới và tiến bộ nhất về một vấn đề nào đó. Dù chưa thể đồng hóa những nhận thức mới mẻ này thành ngôn ngữ nhưng chúng ta có thể nắm được chúng qua cử chỉ.

Theo giáo sư Goldin-Meadow, khi một đứa trẻ sử dụng cử chỉ, thông tin về tình trạng nhận thức của nó đang được bí mật chuyển đi, không qua trò chuyện thông thường. Các nhà khoa học cũng phát hiện những biểu hiện thiếu nhất quán giữa cử chỉ và lời nói như vậy ở trẻ nhỏ khi mới tập nói. Học sinh tiểu học khi được yêu cầu giải thích về sự thay đổi mùa và người lớn khi giải thích về cách hoạt động của máy móc cũng có những biểu hiện tương tự.

Nghiên cứu gần đây của giáo sư Goldin-Meadow cho thấy, cử chỉ không những là chỉ số thể hiện mức độ sẵn sàng học hỏi mà còn tạo điều kiện cho quá trình học diễn ra qua 2 con đường.

Thứ nhất, cử chỉ giúp mọi người xung quanh bộc lộ những hành vi hữu ích. Bà Goldin-Meadow phát hiện, người lớn sẽ tự động đáp lại sự thiếu nhất quán giữa cử chỉ và lời nói ở trẻ nhỏ bằng việc điều chỉnh phương pháp dạy. Dường như phụ huynh và giáo viên nhận được dấu hiệu trẻ sẵn sàng học, do đó, họ cung cấp nhiều cách giải bài tập hơn.

Ngoài ra, chính việc thực hiện các cử chỉ dường như cũng góp phần đẩy nhanh quá trình học, tiếp nhận kiến thức và bổ sung hiểu biết về những khái niệm mới. Trong nghiên cứu năm 2007 do Susan Wagner Cook, giảng viên tâm lý học tại Đại học Iowa thực hiện, các học sinh lớp 3 được yêu cầu sử dụng cử chỉ khi học đại số. Nhóm học sinh này nhớ nhanh hơn những học sinh không dùng cử chỉ tới gần 3 lần.

Một thí nghiệm khác cũng do Susan Wagner Cook tiến hành cho thấy, học sinh trung học nếu sử dụng cử chỉ khi kể chuyện sẽ nhớ lại các chi tiết của câu chuyện tốt hơn. Điều này gợi ra rằng sử dụng cử chỉ khi đang cần nhớ lại sẽ giúp chúng ta lấy thông tin từ ký ức nhanh hơn.

Vậy làm thế nào để nắm được cách học tốt thông qua cử chỉ? Tác giả Annie Murphy Paul đưa ra một vài lời khuyên như sau.

Thứ nhất, hãy chú ý những cử chỉ của mình.

Nghiên cứu cho thấy, quan sát cử chỉ của giáo viên sẽ thôi thúc học sinh tự tạo các cử chỉ riêng. Kể cả khi được cung cấp một cử chỉ cụ thể từ người khác mà không phải tự mình tạo ra, học sinh cũng vẫn tiến bộ.

Trong một thí nghiệm năm 2009, Goldin-Meadow chứng minh rằng học sinh lớp 4 khi học toán trả lời đúng nhiều hơn nếu bắt chước một hành động được người lớn hướng dẫn, chứ không phải chỉ bắt chước lời nói.

Thứ hai, tập chú ý đến những cử chỉ của người khác.

Hãy đặc biệt chú ý tới những cử chỉ khác với lời nói, nói thế này nhưng cử chỉ lại thế kia. Chúng là yếu tố quan trọng để bạn tận dụng được những gì người khác dạy bảo và hướng dẫn. Hãy khuyến khích con cái bạn chuyển động tay khi nói chuyện. Các nghiên cứu cho thấy, trẻ em được hướng dẫn sử dụng cử chỉ sẽ tăng mức độ sẵn sàng học tập.

Nghiên cứu về cử chỉ giúp con người có thêm hiểu biết về cách hình thành và truyền đạt ý nghĩ. Qua đó, chúng ta có thể bổ sung phương pháp giúp bản thân học hỏi nhanh hơn và trở nên thông minh hơn.

Thu Thảo

Theo Trí Thức Trẻ/BI

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]