Của cho không bằng cách cho

“Gia đình bà có muốn nghỉ giải lao khỏi bệnh ung thư?”, câu hỏi của vị bác sĩ điều trị khiến Aileen Schissel tròn xoe mắt. Sau những năm ròng rã chiến đấu với bệnh ung thư vú, một kỳ nghỉ giải lao khỏi bệnh ung thư là một giấc mơ.

15.6159

Kỳ nghỉ 5 sao miễn phí

“Tôi đã quá mệt mỏi vì bệnh tật. Cả nhà tôi đang cần kinh khủng một thời gian nghỉ ngơi. Nhưng không có tiền, chúng tôi không bao giờ dám mơ đến một kỳ nghỉ như thế này”, Schissel, cư dân Glendora (bang California, Mỹ), thốt lên đầy mãn nguyện với tờ USA Today.

Wal-Mart góp 288,1 triệu USD cho hoạt động từ thiện năm 2009
Cái “kỳ nghỉ như thế này” mà bà vừa đề cập là chuyến đi thoải mái trên máy bay của Continental đến tận đảo Hawaii xinh đẹp, nơi cả gia đình bà được ở trong khu nghỉ dưỡng 5 sao sang trọng Four Season Resort Maui bốn đêm năm ngày.

Tất cả đều được miễn phí. Không phải lo lắng chuyện tiền bạc, được thư giãn với những dịch vụ sang trọng nhất, tránh xa bác sĩ, xa bệnh viện, xa luôn các lo toan thường nhật..., Schissel cùng những người thân yêu có nhiều lý do để tạm thời quên đi căn bệnh ung thư.

Chuyến đi nghỉ của gia đình Schissel là một trong những cách mà các công ty thời nay trích lợi nhuận để phục vụ cộng đồng. Thông qua tổ chức ung thư giai đoạn cuối mang tên Jack and Jill, nhiều công ty đã đóng góp tiền bạc hoặc sản phẩm để các bệnh nhân ung thư cùng gia đình của họ được có cơ hội “thoát khỏi bệnh ung thư” bằng những kỳ nghỉ sang trọng.

Các hãng hàng không tầm cỡ như Continental, AirTran, Southwest... tặng vé máy bay, còn những khách sạn sang trọng như Starwood Resorts, Marriott hay Ritz-Carlton thì tặng phòng nghỉ. Tính ra, hơn 300 gia đình đã được tham gia những chuyến đi như của gia đình Schissel.

Ông Jon Albert, vốn cùng với người vợ bị ung thư là Jill Albert sáng lập ra tổ chức Jack and Jill, cho biết đã quyên góp được các sản phẩm hỗ trợ kiểu như nói ở trên trị giá khoảng 4 triệu USD trong ba năm qua.

“Anh nhà nghèo” hào phóng

Báo Chronicle of Philanthropy cùng với USA Today đã tiến hành một cuộc thăm dò về hoạt động từ thiện của khoảng 162 công ty lớn nhất nước Mỹ trong năm 2009. Không nằm ngoài dự đoán, cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến cho các ông chủ doanh nghiệp phải thắt chặt hầu bao.

Đối với 68 công ty cung cấp số liệu làm từ thiện trong hai năm liên tiếp (2008 và 2009), khoản tiền mặt đóng góp cho cộng đồng đã giảm 7,5%, xuống mức 3,9 tỷ USD.

Nhưng cũng không thiếu những gương mặt hào phóng, sẵn sàng chi tiền mạnh tay để giúp đỡ những người đang gặp khó khăn, trong đó đầu tiên phải kể đến ông trùm bán lẻ Wal-Mart với 288,1 triệu USD tiền mặt đóng góp cho công tác từ thiện trong năm 2009.

Hồi tháng Năm vừa qua, Wal-Mart còn tuyên bố một chương trình trị giá đến 2 tỷ USD để chống đói nghèo trong khoảng thời gian năm năm. Trong khi đó, Oracle là một ví dụ điển hình của hình thức đóng góp từ thiện bằng sản phẩm. Trong năm qua, công ty này làm từ thiện hầu như hoàn toàn bằng sản phẩm của mình: phần mềm máy tính, chiếm đến 99,6% trong 2,1 tỷ USD chia sẻ với cộng đồng.

Vượt trên nồi cháo

Trong thời buổi không có nhiều tiền để cho đi dễ dàng như trước, có đến 54% các công ty trong cuộc khảo sát cho biết họ khuyến khích nhân viên tham gia các hoạt động tình nguyện.

Thậm chí, Microsoft xem hoạt động tình nguyện là một trong những tiêu chí để đánh giá nhân viên. Các tình nguyên viên này tham gia đủ các chương trình từ thiện đòi hỏi kỹ năng cao, trao tặng cho cộng đồng tài năng của họ.

Chẳng hạn, GE Foundation đã công bố một chương trình ba năm, trị giá đến 25 triệu USD nhằm giúp những người nghèo không có điều kiện mua bảo hiểm được tiếp cận các dịch vụ y tế - điều mà công ty này cho là quan trọng trong thời điểm trước khi chính sách cải cách y tế của Mỹ có hiệu lực.

Đại gia đầu tư và chứng khoán Goldman Sachs thì có sáng kiến đưa nhân viên đi tư vấn cho 10.000 doanh nghiệp nhỏ trên khắp nước Mỹ. Trong khi đó, Bank of America thì góp phần bằng một triệu giờ làm việc của nhân viên để phục vụ cộng đồng cho đến cuối năm nay, vượt qua con số 800.000 giờ làm việc tình nguyện của năm ngoái.

“Điều này có lợi cho tinh thần mọi người và giúp họ cân bằng hơn giữa công việc và cuộc sống. Các tình nguyện viên trở thành những nhân viên tốt hơn với các kỹ năng được mài giũa sắc bén hơn.

Điều này cũng có lợi cho các công ty trong công tác tuyển dụng, bởi ngày càng có nhiều nhân viên trẻ mong đợi công ty cho họ thời gian để làm việc từ thiện”, Malessa Brown, người phụ trách nội dung của Giving USA, đưa ra nhận xét về xu hướng các công ty dùng thời gian của nhân viên để làm từ thiện.  

MINH KHA
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]