“Của cho, không bằng cách cho”

15.6387

“Chúng ta không có văn hóa tặng quà” - câu nói đó của một học giả nghe qua có vẻ hơi cực đoan, nhưng ngẫm kỹ lại, quả là có điều rất đáng suy nghĩ.

Cách cho ở đây bao hàm cả thái độ người tặng quà lẫn bản thân giá trị văn hóa nội hàm của quà tặng.

Một cuộc thi khó khăn

Không ít người tỏ ý bức xúc về sự đơn điệu và thiếu thẩm mỹ ở những món quà được trao tặng trong các buổi tiếp tân ngoại giao được quay trên tivi: Đó thường là những bức tranh sơn mài hoặc đá quý mang tính mỹ nghệ nhiều hơn là mỹ thuật. Do vậy, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL) tổ chức cuộc thi tuyển chọn mẫu thiết kế quà tặng xúc tiến, quảng bá du lịch đối ngoại, với tham vọng sẽ chọn được 2 loại mẫu: Cao cấp (dành cho quà tặng cấp nhà nước) và phổ thông (phục vụ khách du lịch). Cuộc thi được phát động trên toàn quốc dài hơn nửa năm, vậy mà số tác phẩm gửi đến chỉ có 50. Và với ngần ấy tác phẩm gửi dự thi, BTC chỉ có thể chọn được 3 tác phẩm để trao giải, thay vì 20 tác phẩm như dự định.

Các mẫu được trao giải cũng chưa thực xuất sắc. 2 giải cho mẫu quà tặng phổ thông thuộc về tác phẩm “Xíchlô Việt” (của Lý Trần Khánh) và “Mặt dây chuyền 2” (Nguyễn Hương Ly). Xíchlô của Lý Trần Khánh mang tính mỹ thuật cao, nhưng có vẻ bị cách điệu hơi quá nên có cảm giác không giống với xíchlô Việt; còn trong tác phẩm của Hương Ly, văn hóa Việt được nhận diện bởi hình bản đồ trong một khuôn hình chữ nhật - quá thiếu sự lãng mạn. Ở giải cho mẫu thiết kế quà tặng cao cấp có tên “Hà Nội - Văn Miếu”, tác giả Nguyễn Thủy Liên cũng có vẻ quá chú trọng đến yếu tố biểu tượng quốc gia mà “quên” đi tính mỹ thuật, tác phẩm nhìn nhang nhác kỷ niệm chương của ngành hay tỉnh nào đó trong các dịp lễ lạt...

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - thừa nhận, đây là cuộc thi lần đầu nên chưa khích lệ được nhiều tác giả có chuyên môn cao dự thi, các mẫu mã vẫn còn hạn chế về tính ứng dụng, phần lớn mới dừng ở dạng sản phẩm trưng bày.

Rất cần một chiến lược

Theo ông Vi Kiến Thành, chúng ta chưa có một nhà thiết kế (NTK) chuyên nghiệp trong lĩnh vực quà tặng, hoặc cũng có thể họ chưa có một cách nhìn đầy đủ về thị trường tiềm năng này. Và trên hết, chưa có sự liên kết giữa người sáng tạo ra mẫu với dây chuyền công nghệ, điều này dẫn đến tình trạng NTK có thể làm ra mẫu nhưng lại không thiết kế được dây chuyền để sản xuất hàng loạt.

Ông Trần Nhất Hoàng - GĐ Trung tâm Xúc tiến du lịch (Bộ VHTTDL) - cho rằng, một trong những lý do để các NTK ít quan tâm đến lĩnh vực này có thể là vấn đề bản quyền. Thực ra trên thị trường cũng đã từng có những mẫu quà khá tinh tế, thế nhưng chỉ sau một thời gian rất ngắn, hoặc là mẫu đó bị các nhà sản xuất khác copy với chất lượng tồi hơn, hoặc là nó bị chính chủ nhân của nó làm cho xuống cấp khi đã có một thị phần nhất định.

Và điều quan trọng hơn là những mẫu quà tặng ấy vẫn rất ít tính biểu tượng văn hóa quốc gia. Theo ông Hoàng, quà lưu niệm không phụ thuộc vào giá trị lớn nhỏ, mà người nhận phải thấy được sự trân trọng của người tặng qua cách đóng gói, qua những giá trị văn hóa nội hàm mà nó mang lại. Hàn Quốc là một ví dụ điển hình về công nghiệp quà tặng. Với họ, bất cứ vật dụng gì cũng có thể biến thành một món quà tặng có giá trị, mang tính biểu tượng cao, từ đôi đũa ăn đến cái USB cũng được NTK dụng công thiết kế sao cho thông qua món quà tặng đó, có thể quảng bá được hình ảnh đất nước. Ông Hoàng khẳng định, đã đến lúc VN phải có chương trình, đề án nghiêm túc về vấn đề này để nó trở thành một kênh quảng bá hình ảnh đất nước và văn hóa.

Theo Lao Động

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]