Cúm A/H1N1 - 10 câu hỏi đáng quan tâm

Rất nhiều câu hỏi xung quanh căn bệnh đang lan tràn gây hoang mang trong cộng đồng. Webtretho tổng hợp 10 câu hỏi để bạn đọc có thể trang bị cho mình kiến thức tốt hơn về căn bệnh này.

15.4749

1. Cúm A/H1N1 nguy hiểm như thế nào?

Cúm A/H1N1 có nguồn gốc từ lợn, bắt đầu lan truyền ở Mexico và được phát hiện vào tháng 4-2009. Tuy bệnh có các triệu chứng thông thường như các loại cúm khác, nhưng những diễn biến phức tạp vẫn chưa thể lường hết được. Nhiều trường hợp bệnh đã có biểu hiện viêm phổi nặng, thậm chí suy hô hấp cấp và suy đa tạng. Các nước là vùng cúm đầu tiên như Mỹ, Mexico, Anh… đều có số người tử vong rất cao. Vì thế cảnh giác, đề phòng là biện pháp tốt nhất.

Cũng giống nhiều các loại cúm thông thường khác nhưng H1N1 có tốc độ lây lan rất nhanh, đây chính là sự nguy hiểm của nó. Vì thế, nếu không phòng tránh và kịp thời ngăn chặn, H1N1 sẽ dễ dàng trở thành đại dịch cho cộng đồng.

2. Cúm thông thường và cúm A/H1N1 khác nhau như thế nào?

Hiện nay cúm A/H1N1 chưa có triệu chứng đặc trưng. Các triệu chứng nhìn chung đều giống với cúm mùa thông thường: sốt cao, đau nhức khắp người, đau đầu, mệt mỏi, ho khan, chảy nước mũi, đau họng.

Một số người đã mắc cúm còn có thêm triệu chứng tiêu chảy và nôn ói.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm chuyên môn, những người bị cúm A/H1N1 có thân nhiệt tăng rất nhanh, chỉ cần vài tiếng là từ thân nhiệt bình thường đã lên tới trên 38oC.

3. Điều trị H1N1 khác với cúm thông thường thế nào? Người dân có thể tự mua thuốc uống được không?

Giống như đa số các bệnh cúm khác, nếu bị sốt nhưng không quá nghiêm trọng, người bệnh có thể dùng Paracetamol để hạ sốt. Khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng, kéo dài, bạn hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ theo dõi và điều trị. Không nên tự ý mua và sử dụng thuốc kháng virus (Tamiflu) khi chưa có chỉ định của cán bộ y tế để tránh tình trạng kháng thuốc cũng như bệnh chuyển biến nặng.

Dù chưa mắc bệnh, mỗi ngày bạn cũng có thể bổ sung thêm các viên uống vitamin, đặc biệt là vitamin C. Cần chú ý bổ sung dinh dưỡng qua ăn uống để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

4. Dấu hiệu nào cho thấy người bệnh đã trở nặng

- Thở nông khi ngủ, khó thở, đau khi thở hoặc thở khò khè.

- Ho ra máu.

- Người còn sốt sau 5 ngày.

- Người cảm thấy khá hơn nhưng sau đó bị sốt mới hoặc ho tồi tệ hơn.

- Người cực kỳ uể oải, mơ hồ, hoặc bị đau đầu nặng.

5. Nếu đã nhiễm bệnh 1 lần, có khả năng mắc trở lại không?

Theo BS. Đinh Thị Hải Yến (Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khỏe TP. HCM), virus cúm A/H1N1 mang đặc điểm chung của virus cúm: tính biến đổi gene (đột biến gene) cao. Đặc tính này khiến virus liên tục biến đổi thành những chủng virus mới. Do đó, người bị bệnh cúm A/H1N1 sau khi được điều trị lành có thể không bị tái nhiễm virus trong thời gian ngắn, nhưng không có miễn dịch lâu dài và suốt đời đối với bệnh nên có thể mắc bệnh trở lại.

6. Phải làm gì nếu phải chăm sóc người nhà bị cúm?

Nếu có chăm sóc người nhà bị cúm, cả bạn và người bệnh đều phải mang khẩu trang khi tiếp xúc gần. Rửa tay với xà phòng và nước sạch một cách kỹ lưỡng sau mỗi lần tiếp xúc. Giữ môi trường sạch sẽ với những chất tẩy rửa nhà cửa sẵn có. Giữ phòng ốc nhà cửa thông thoáng. Tránh ngủ chung giường và sử dụng chung các vật dụng cá nhân như khăn, bàn chải, ly, chén…

7. Khẩu trang đóng vai trò như thế nào trong phòng chống cúm A/H1N1? Có phải mua những loại xịn thì sẽ không mắc bệnh?

Sử dụng khẩu trang là biện pháp để giảm khả năng vi rút đi vào đường hô hấp, ngăn ngừa bệnh chứ không có nghĩa là tránh được bệnh. Vấn đề phòng bệnh không phải do khẩu trang xịn hay không xịn mà do người sự sử dụng khẩu trang đúng cách.

Với khẩu trang dùng 1 lần thì luôn thay cái mới sau mỗi lần sử dụng. Nếu là khẩu trang vải, dùng được nhiều lần, nên giặt, ủi kỹ, sau mỗi lần sử dụng. Sử dụng khẩu trang không đúng cách sẽ làm tăng cơ hội lây lan vi rút cúm.

8. Đi ngang qua hay ở gần khu vực đang bị cúm, có dễ bị lây không? Khoảng cách bao nhiêu là an toàn?

Vi rút cúm A/H1N1 lây lan từ người này sang người khác chủ yếu qua tiếp xúc gần (thường là trong vòng một cánh tay) khi người đó nói chuyện, ho, hay hắt hơi. Hay qua việc tiếp xúc với những đồ vật bị các chất dịch trong cơ thể người người bị nhiễm dây vào.

9. H1N1 nguy hiểm như thế nào với phụ nữ mang thai?

Theo PGS.TS. Vương Tiến Hòa: “Phụ nữ mang thai cần phải chú ý nhiều hơn vì khi có thai, hệ miễn dịch bị suy giảm, khả năng chống đỡ với bệnh tật bị giảm nên dễ mắc bệnh hơn, nếu bị nhiễm virut cúm A (H1N1) thì càng nguy hiểm hơn, khó điều trị và không chỉ ảnh hưởng đơn thuần đến thai phụ mà còn dẫn đến kết quả xấu cho thai nhi”

Ngày 27-7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ghi nhận trường hợp lây virus cúm A/H1N1 từ mẹ sang con đầu tiên tại Thái Lan.

Để tránh những hậu quả đáng tiếc, thai phụ nên tránh tiếp xúc với người đang hoặc nghi ngờ bị cúm, thường xuyên mang khẩu trang. Nếu có dấu hiệu cúm, cần phải mang khẩu trang, đến khám tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe sinh sản hoặc khoa truyền nhiễm để được khám và tư vấn cũng như có biện pháp can thiệp thích hợp vừa hạn chế ảnh hưởng cho thai phụ và thai nhi cũng như cho cộng đồng.

10. Trẻ em khi bị H1N1 có nguy cơ bị nặng hơn người lớn không?

Theo bác sĩ Trịnh Hữu Tùng (bệnh viện Nhi Đồng): “Thông thường trẻ bị bệnh trong vòng một tuần sẽ khỏi nếu được điều trị thuốc kháng vi rút đặc hiệu là Oseltamivir phospate (Tamiflu) hoặc Zanamivir (Relenza), hoặc đôi khi không cần điều trị đặc hiệu mà chỉ cần điều trị triệu chứng cũng sẽ tự khỏi.

Tuy nhiên, trên cơ địa suy giảm miễn dịch như mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, tim bẩm sinh, bệnh phổi mạn tính … sẽ dễ bị biến chứng viêm phổi nặng dẫn đến suy hô hấp và tử vong.”

Phải đưa trẻ em đến bệnh viện ngay lập tức nếu trẻ:

- Có bệnh mãn tính.

- Thở nông trong khi nghỉ, khó thở, đau khi thở hoặc thở khò khè.

- Có thân nhiệt trên 39°C.

- Bị nôn hơn bốn giờ.

- Rất khó đánh thức, im lặng bất thường, hoặc không phản ứng gì.



0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]