Cúm A/H1N1 trước những nguy cơ mới

Một phần ba dân số thế giới có thể bị nhiễm loại virus cúm gây chết người này, nếu đợt dịch hiện nay bùng phát thành đại dịch...

15.5832

Kiểm tra phương tiện phòng chống dịch cúm tại Việt Nam.

Dịch cúm A/H1N1 vẫn tiếp tục lây lan đến các khu vực khác trên thế giới và nếu bùng phát thành đại dịch, có thể khiến khoảng 2 tỷ người mắc bệnh. Các ngành dịch vụ, thương mại của Mexico và nhiều nước khác cũng đang phải gánh chịu những tác động tiêu cực.

Những thống kê đến cuối tuần qua cho thấy, số nạn nhân của dịch cúm A/H1N1 vẫn tiếp tục tăng, trong đó có gần 50 người tử vong, chủ yếu ở Mexico và 2.384 trường hợp nghi nhiễm ở 24 nước trên thế giới.

Khả năng xuất hiện chủng virus mới nguy hiểm hơn

Tại châu Á, các ca nhiễm và nghi nhiễm cúm đã xuất hiện ở Hồng Kông, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đang theo dõi sát sao một ca nghi nhiễm virus cúm A/H1N1 ở Benin. Nếu được xác nhận, đây sẽ là trường hợp mắc bệnh cúm này đầu tiên tại châu Phi.

Trong bối cảnh virus cúm A/H1N1 đã "gõ cửa" châu Á, nơi virus cúm gia cầm H5N1 từng hoành hành và hiện vẫn tồn tại, nhiều nhà khoa học lo ngại về nguy cơ xảy ra kịch bản hai loại virus này "kết hợp" thành một chủng virus mới nguy hiểm hơn.

Cả hai loại đều có khả năng đặc biệt là "chộp" gien biến đổi từ các chủng virus khác. Nếu kịch bản tổ hợp gien xảy ra, "con lai" của virus A/H1N1 và H5N1 sẽ có khả năng lây lan nhanh trên diện rộng và gây tỉ lệ chết người cao.

Tiến sĩ Robert Webster, chuyên gia virus hàng đầu của Mỹ cảnh báo, thế giới có thể sẽ phải đối mặt với một "vấn đề thực sự" khi virus cúm A/H1N1 lan đến các tâm điểm có dịch cúm gia cầm H5N1 như Indonesia, Ai Cập và Trung Quốc. Các chuyên gia ước tính, một phần ba dân số thế giới có thể bị nhiễm loại virus cúm gây chết người này, nếu đợt dịch hiện nay bùng phát thành đại dịch.

Ông Keiji Fukuda, quyền Trợ lý Tổng giám đốc WHO cho rằng, hiện vẫn "còn quá sớm" để dự báo số người tử vong trong đại dịch. Căn cứ vào số liệu của những đợt dịch trước đây và những thống kê trước khi đợt dịch hiện nay bùng phát, WHO dự đoán số người tử vong trên toàn thế giới trong một đại dịch có thể từ 2 - 7,4 triệu người.

Virus cúm A/H1N1 cho đến nay chưa lây lan ra ngoài khu vực Bắc Mỹ, nên cấp độ báo động về đại dịch toàn cầu vẫn được duy trì ở mức 5 trên 6.

Dịch vụ, thương mại thiệt hại nặng


Nhiều chuyên gia nhận định, do dịch cúm, du lịch - ngành kinh tế quan trọng của nhiều nước châu Á sẽ không thể phục hồi cuối năm nay như các dự đoán trước đây.

Việc thực hiện biện pháp phòng ngừa  cúm A/H1N1, như hạn chế đi lại giữa các nước, cách ly người nghi nhiễm bệnh và cấm nhập khẩu thịt lợn từ vùng dịch, cũng đang gây nên những tranh cãi và tác động xấu đến ngành du lịch, thương mại. Giới chức ngoại giao Mexico đã lên tiếng phàn nàn về việc Trung Quốc cách ly công dân của họ có mặt tại nước này. Trong khi Canada dọa kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới vì Bắc Kinh cấm nhật khẩu thịt lợn từ nước này.

Trước tình trạng nêu trên, WHO vừa yêu cầu những nước áp dụng các biện pháp phòng dịch phải báo cáo với tổ chức này về tình hình sức khỏe của người dân và lý do khoa học buộc họ phải áp dụng các biện pháp như vậy.

Trong khi đó, tại Mexico, dịch cúm A/H1N1 đã tác động tiêu cực rõ rệt đến hàng loạt các ngành dịch vụ, thương mại. Theo thống kê của Liên hiệp các phòng thương mại, dịch vụ và du lịch quốc gia Mexico (Concanaco), trong gần một tuần đóng cửa các cơ sở thương mại, nhà hàng, trung tâm giải trí... trên toàn quốc để phòng chống virus cúm A/H1N1 phát tán, Mexico đã thiệt hại gần 1 tỷ USD, tương đương 0,7% tổng thu nhập của các ngành thương mại, dịch vụ và du lịch.

Concanaco cho biết các cơ sở thương mại đã bị sụt giảm 60% sức bán, thiệt hại xấp xỉ 623 triệu USD, trong khi doanh số ngành dịch vụ và du lịch cũng giảm tới 80%, thất thu hơn 335 triệu USD. Hiệp hội khách sạn Mexico cho biết,  doanh thu của ngành công nghiệp khách sạn nước này giảm 40%, từ mức dự kiến 13 tỷ USD đầu năm 2009, xuống còn 8 tỷ USD.

Trong nỗ lực đối phó với nguy cơ cúm A/H1N1, các nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc vừa tổ chức hội nghị đặc biệt tại Thái Lan. Hội nghị ra tuyên bố chung nhất trí thiết lập hệ thống chia sẻ thông tin và chia sẻ kho thuốc dự trữ giữa các nước trong khu vực nhằm đối phó với dịch cúm A/H1N1.

Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) vừa cấp phép cho công ty dược Sanofi Pasteur của Pháp đặt một phòng thí nghiệm mới ở Mỹ để sản xuất vaccine phòng cúm theo mùa và cúm A/H1N1.
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]