Cứng đầu như viêm mũi dị ứng

(SKGĐ) Được xem là một bệnh “xoàng” nhưng ai cũng bị “viếng thăm” và để trị dứt điểm thì lại vô cùng khó khăn.

15.5733

Viêm mũi dị ứng: bệnh nhẹ dễ mắc

Hễ mỗi khi thời tiết chuyển mùa, hay cực chẳng đã phải lục tìm thứ đồ đạc nào đó trong tủ kho bụi bặm là chị Nguyệt (Yên Ninh, Ba Đình, Hà Nội) biết chắc sức khỏe sắp “bất an”. Cảm giác ngứa mũi, hắt hơi sẽ kéo đến khiến chị luôn trong trạng thái “ngất ngứ”, mắt mũi đỏ hoe. Đầu óc rơi vào trạng thái “lơ tơ mơ”, không tập trung được việc gì. Đêm đến thì chị trằn trọc vì chiếc mũi nghẹt, khó thở, không ngủ nổi. Chị đã trở thành khách hàng quen thuộc của hiệu thuốc gần nhà. Mỗi lần thấy chị là cô dược  sẽ hỏi: “Lại viêm mũi dị ứng nữa ha chị?”.

Ảnh minh họa

Chị Nguyệt bảo: “Thà ốm một lần vào viện còn hơn tháng tháng lại bị thế này, vẫn đi, vẫn đứng, vẫn làm việc được nhưng bứt rứt, khó chịu vô cùng”. Trường hợp bị bệnh đeo bám như chị Nguyệt là không hề ít. Việt Nam có khoảng 16-20% người mắc dị ứng đường hô hấp, trong đó phần lớn là viêm mũi dị ứng.

Viêm mũi dị ứng là một bệnh lý di truyền miễn dịch. Có khoảng 20% trẻ có cha hoặc mẹ mắc bệnh viêm mũi dị ứng và 47% trẻ có cả cha lẫn mẹ bị bệnh thì cũng sẽ bị bệnh này.

Khi mắc viêm mũi dị ứng, bệnh nhân thường có triệu chứng là đỏ ngứa, chảy nước mắt, hắt hơi hàng tràng; sổ, nghẹt, chảy nước mũi; ngứa cổ, vướng đờm ở cổ. Những triệu chứng này không dẫn tới nguy hiểm nhưng gây khó chịu, ảnh hưởng tới sinh hoạt thường ngày.

Bệnh không “chê” một đối tượng nào nhưng trẻ nhỏ, người tuổi trung niên, những người thường xuyên tiếp xúc với môi trường có những dị nguyên hoặc có nhiều yếu tố không ổn định (môi trường nhà máy nhiều bụi, ở những nơi thời tiết biến đổi nhanh…) và người có cơ địa dị ứng thì có nguy cơ cao hơn.

Nguyên nhân của viêm mũi dị ứng là cơ thể phản ứng khi gặp phải vật lạ như phấn hoa, lông chó mèo, nấm mốc… hoặc dị ứng với sự thay đổi thời tiết, điều kiện môi trường. Nằm trong nhóm bệnh hô hấp và mang tính chất dị ứng nên viêm mũi dị ứng có hai dạng:

- Dạng thứ nhất là bị theo mùa, nghĩa là nguyên nhân nằm ở sự thay đổi thời tiết, cơ thể phản ứng lại với sự biến đổi bất thường đó.

- Dạng thứ hai là bệnh quanh năm thì nguyên nhân là do các dị nguyên tồn tại trong môi trường sống, mùa nào cũng có như lông động vật, bụi, dị ứng điều hòa…

Viêm mũi dị ứng - bệnh dễ chữa, khó dứt

Viêm mũi dị ứng thường xảy ra rất cấp nhưng không nguy hại đến tính mạng, dễ chữa tức thời. Bệnh nhân chỉ cần dùng các thuốc nhỏ mũi, xịt mũi để vệ sinh đồng thời uống các thuốc kháng histamine (chống dị ứng), thuốc kháng viêm để tránh sưng tấy.

Nhưng nhiều người chủ quan cho rằng, bệnh “xoàng” thì cứ để vài ngày tự khỏi. Thực chất nếu không chữa thì lâu ngày nó có thể biến chứng tích mủ trong mũi tạo nên viêm xoang, polyp mũi, polyp xoang…

Các phương pháp chữa bằng thuốc như trên rất hiệu quả và dễ dứt các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống nhưng lại dễ tái phát, không khỏi tận gốc. Bởi khi cơ thể dễ dị ứng thì chỉ cần gặp một dị nguyên là có thể sinh bệnh. Thế nên khi chưa thay đổi được cơ chế mẫn cảm của cơ thể thì người bệnh hoàn toàn dễ mắc lại, có khi vừa khỏi được 1-2 hôm nhưng gặp yếu tố gây dị ứng thì bệnh trở lại.

Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng. (Ảnh minh họa)

Viêm mũi dị ứng có nên trông chờ vào “vaccine”?

Về lý thuyết, bệnh viêm mũi dị ứng sẽ không tái phát nếu như cơ thể luôn duy trì kháng thể chống lại các yếu tố dị ứng. Do đó ở thập niên 1970, tại Việt Nam nhiều bác sĩ Tai - Mũi - Họng đã nghiên cứu tiêm vào cơ thể một loại thuốc dạng như vaccine để chống bệnh này. Hiện nay bệnh nhân có thể áp dụng phương pháp này mang tên miễn dịch liệu pháp (MDLP) để hy vọng chữa dứt điểm bệnh. Bác sỹ sẽ tiêm dưới da hoặc nhỏ thuốc dưới lưỡi người bệnh để duy trì kháng thể trong máu bệnh nhân.

Tại bệnh viện Tai Mũi Họng Trung Ương, các bác sĩ khẳng định hiệu quả đạt 60-80%. Tuy nhiên tiến hành phương pháp này khá phức tạp. Bệnh nhân cần kiên trì 6 tháng - 5 năm để tiêm hoặc nhỏ thuốc định kỳ: 2 lần/tuần rồi 1 lần/ tuần và hạ dần 1 lần /2-3 tuần.

Trước khi xác định được loại kháng nguyên tiêm (uống) vào thì bệnh nhân cần trải qua quá trình kiểm tra tìm ra yếu tố gây dị ứng. Đây là một quá trình không đơn giản, ở nước ta, dị nguyên có rất nhiều dạng nên khó có thể test đầy đủ. Vì vậy kết quả không phải đã trọn vẹn cho tất cả mọi người.

Phòng hơn chữa viêm mũi dị ứng

- Tránh xa dị nguyên như nấm mốc, lông động vật. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, không gian sống để tránh các yếu tố gây hại.

- Chú ý khi thay đổi thời tiết: thường xuyên mang khẩu trang khi ra đường.

- Vệ sinh mũi bằng cách rửa nước ấm hoặc nước muối sinh lý.

- Không ngoáy mũi để tránh rách niêm mạc.

Đừng nhầm viêm mũi dị ứng và viêm xoang

Những triệu chứng của viêm mũi dị ứng khá giống với viêm xoang nhưng thực chất nó chỉ có thể là điểm khởi đầu dẫn tới viêm xoang chứ hoàn toàn khác nhau. Viêm xoang là có mủ trong xoang, hoặc do vách ngăn xoang vẹo, cuống mũi giữa phì đại.

Nguyên nhân viêm xoang do vi khuẩn, viêm nhiễm… Do vậy cần phải chữa trị bằng cách súc xoang, rửa xoang, làm sạch mủ hoặc phẫu thuật nội soi, nạo vét mủ đọng, chống viêm nhiễm lan tỏa.

Minh Nghĩa

Bài viết có sự tư vấn của Ths. Trịnh Thị Thanh Hương

Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung Ương

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]