Cũng là cách nói với người!

Đọc câu thơ in ngay ở bìa 1: Thơ ta viết cháy lòng người viết/ Người ngồi nghe cau mặt người nghe, tôi hơi bị sốc vì nghe thơ chứ có phải cãi nhau, tranh luận hay đánh lộn đâu mà phải “cau mặt”.

15.5939

(Đọc “Tự nói với mình”, thơ Phi Long, NXB Văn hóa - Thông tin, 2010)

Đọc câu thơ in ngay ở bìa 1: Thơ ta viết cháy lòng người viết/ Người ngồi nghe cau mặt người nghe, tôi hơi bị sốc vì nghe thơ chứ có phải cãi nhau, tranh luận hay đánh lộn đâu mà phải “cau mặt”. Quả thế thật thì hãi quá! Từ thiên cổ, người ta đã gọi là “nàng thơ” và trong thần thoại Hy Lạp có hẳn một vị nữ thần chuyên cai quản thơ ca, mà người ta quen gọi là nữ thần Thi Ca cơ mà.

Nhưng sau khi đọc hết 50 bài trong Tự nói với mình của Phi Long, tôi cảm thấy không phải hoàn toàn như vậy. Đây là thơ của một người cương trực, thẳng tính, nhưng rất nặng tình với quê hương, đất nước và người thân. Hơn thế, thơ anh còn phát lộ khá rõ nỗi lòng của một người con xa xứ, luôn khắc khoải, cô đơn và đồng vọng về một miền quê yêu dấu xứ Thanh: Giếng làng giấu mảnh trăng trôi/ Cây rau sam đất mất rồi còn đâu/ Chè xanh bốc khói mời nhau/ Người mời khuất lấp phía sau hàng rào... (Về làng). Thế rồi đến ngày trở lại thăm quê thì chao ôi: Tuổi thơ... năm tháng lùi xa/ Bước chân tấp tểnh đi ra xứ người/ Bây giờ về lại... trời ơi/ Người quê mà chẳng thành người... làng quê (Về làng).

Những vần thơ viết về mẹ của Phi Long là những tâm sự khá xúc động: ...Con về giấu nỗi buồn riêng/ Bước chân phiêu bạt, khắp miền quê xa/ Sống nơi đô thị phồn hoa/ Vẫn không qua được... quả cà vại dưa/... Mưa chiều cắt mặt làng quê/ Con đang rẽ ngược lối về ngày xưa (Mẹ). Rõ ràng đối với Phi Long, mẹ cũng chính là quê hương, nguồn cội, dù đi đâu, ở đâu anh cũng không thể nào nguôi ngoai nỗi nhớ và thầm biết ơn công sinh thành dưỡng dục thuở ấu thơ.

Có thể nói Phi Long khá thành công trong mảng thơ tình về quê hương xứ sở, bất luận đấy là vùng sông nước Cửu Long hay làng quê bên dòng sông Mã, xứ Thanh. Đây là cảm nhận của anh khi về Đồng Tháp: Anh về vùng đất quê em/ Ở đây cái nắng vàng hơn mọi miền/ Nắng chiều bóng xế chếch nghiêng/ Hàng cây chao động trời riêng... một vùng (Vô đề 1).

Nếu ở mảng thơ tình, anh trải lòng bao nhiêu thì ở mảng đề tài chính luận, thơ Phi Long giàu chất suy tưởng, sắc và quyết liệt bấy nhiêu: Có một thời ta mải miết ra đi/ Chẳng kịp nghĩ những gì được mất/ Ta cứ tin vào những điều... không có thật/ Để tự mình đánh mất... chính mình đi/... Dễ gì quên những vết thương đau/ Mất mát quá nhiều chẳng có gì đền trả/ Đời dài rộng mà vòng tay mình ngắn quá/ Ta nhỏ nhoi như dấu chấm giữa mây trời... (Tự nói với mình). Nhưng đến trường ca Ta đi tìm ta thì Phi Long thật sự giật mình, thảng thốt khi tự nhận ra chính mình: Ta ngập chìm trong hào quang bóng tối/ Gào thật to những lời vô nghĩa... chẳng nội dung/ Nhắm mắt đi chẳng cần biết gai chông/ Manh áo mỏng ta treo cao phẩm giá/ Lòng chật hẹp ta khép tội những ai xa lạ/ Nghĩ khác ta, kẻ đó... chính là thù... Ta trả giá cho một thời ngộ nhận/ Vũ khí diệt thù, ta nhằm bắn... vào ta.

Viết được những câu thơ như vậy, tác giả không chỉ là người dũng cảm, mà hơn thế còn là người đã từng trải nếm đủ mọi dư vị của cuộc đời, nhất là ở vào thời kỳ tiền đổi mới, khi Phi Long mới 30 tuổi và cuộc sống người dân đất Việt ta còn nhiều khó khăn gian khổ, thiếu thốn trăm bề.

Tôi có cảm giác rằng, ở mảng đề tài xã hội, Phi Long viết lúc nào cũng được,  nhưng ở mảng thơ tình yêu quê hương, xứ sở và mảng thơ chính luận, anh chỉ viết thơ khi không viết không thể được. Cũng vì thế, mạch cảm xúc ở hai mảng thơ nói trên thường trào sôi đến quặn đau, làm cho người đọc đôi khi bị sốc. Ở hai mảng đề tài này, ít nhiều Phi Long đã để lại được ấn tượng trong lòng người đọc. Thế nhưng, nếu cảm xúc thơ không được dồn nén đến mức vượt quá ngưỡng say chuyển sang trạng thái tỉnh thì thơ dễ gượng ép, nhiều câu chữ có tính đại ngôn theo kiểu nói cho đã đời, thỏa chí. Những bài, câu thơ được viết ra như vậy thường rơi vào tình trạng mạch lộ, ý nông, ít có sức sống lâu bền trong lòng người đọc.

Với tập sách dày chưa đến 140 trang, nhưng lại trải dài đường thơ trên dưới 40 năm cầm bút của Phi Long, quả đây là một sự cố gắng lớn, rất cần được ghi nhận. Tôi chỉ hơi băn khoăn một điều là thời buổi thơ vừa bị “rớt giá” (chữ của Lê Thiều Nhơn) lại vừa được coi như một món hàng “xa xỉ” mà vẫn có một người con xứ Thanh ở tít tận cuối trời cực Nam của Tổ quốc yêu và say thơ đến thế là cùng. Chỉ riêng điều này cũng làm tôi xúc động và trân trọng người thơ. Nhưng như vậy, thành thử tôi càng lo cho sức khỏe của người có tới năm cùng với tôi (đồng tuế, đồng hương, đồng môn, đồng nghiệp, đồng ngũ). Xin chúc cho người thơ Phi Long chân cứng, đá mềm còn về thăm quê chứ!.

Đỗ Ngọc Yên

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]