Cung ứng 100% dùng thuốc Methadone

15.5762
Theo lộ trình của Đề án sản xuất và sử dụng thuốc Methadone tại Việt Nam giai đoạn 2010 - 2015, trong giai đoạn từ nay đến 2012, Việt Nam sẽ cung ứng 100% thuốc Methadone thành phẩm (gồm thuốc sản xuất trong nước và thuốc nhập khẩu), trong đó thuốc sản xuất trong nước đáp ứng ít nhất 50% tổng nhu cầu điều trị cho khoảng 15.600 người bệnh tại 11 tỉnh, thành phố như: Điện Biên, Sơn La, Đà Nẵng, Nam Định, Hải Dương, Tuyên Quang…
“Đến năm 2015, tổng số cơ sở điều trị Methadone dự kiến là 245 cơ sở, tổng số bệnh nhân được điều trị là khoảng 80.000 người tại 30 tỉnh, thành (bao phủ được 73% số người nghiện chích ma túy tại các tỉnh này), ông Chu Quốc Ân, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết.
Dự kiến trong quý 2/2011, Bộ Y tế sẽ chọn xong các cơ sở đủ điều kiện, bắt đầu sản xuất Methadone tại Việt Nam. Như vậy, Việt Nam sẽ chủ động hơn trong việc cung ứng thuốc, điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cho những bệnh nhân nghiện ma túy, nhiễm HIV.
Về nguyên tắc, để đảm bảo hiệu quả điều trị, những bệnh nhân tham gia chương trình điều trị Methadone phải cam kết thực hiện những quy định mà Bộ Y tế đã đề ra, nhất là phải cam kết đảm bảo việc uống thuốc hằng ngày tại cơ sở điều trị Methadone.

Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone được triển khai thí điểm tại Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh từ tháng 4/2008. Ngày 1/12/2009, Hà Nội cũng đã khai trương cơ sở điều trị Methadone đầu tiên. Từ khi bắt đầu điều trị đến nay, chưa có bệnh nhân nào xuất hiện những tác dụng phụ nghiêm trọng. Tỷ lệ bệnh nhân tham gia điều trị sau 9 tháng là 96,4%. Không có bệnh nhân nào tử vong do quá liều hoặc do tác dụng phụ của thuốc, đa số bệnh nhân có cải thiện về sức khỏe. Trong số 1.735 người nghiện tham gia điều trị, sau 9 tháng, chỉ còn 12,5% trong số này sử dụng hêrôin, số còn lại tần suất tiêm chích ma túy cũng giảm. Tỷ lệ bệnh nhân có việc làm sau 9 tháng điều trị là 53%. 40% bệnh nhân có hành vi vi phạm pháp luật trước điều trị giảm xuống còn 1,39% sau 9 tháng điều trị.

“Chúng tôi đang xem xét quy định về việc từ nơi cư trú của người bệnh đến nơi uống thuốc của người bệnh cho phù hợp. Bởi, nếu quãng đường quá xa, người bệnh không thể tuân thủ được việc tới cơ sở y tế để uống thuốc Methadone hàng ngày. Bộ Y tế cũng đang nghiên cứu việc xây dựng các trạm cung cấp thuốc Methadone vệ tinh xung quanh cơ sở khám chữa bệnh chính. Ví dụ, ngoài một phòng khám, cung cấp thuốc Methadone tại TP Thanh Hóa, trong vòng 60-70 km có thể lập thêm các trạm cấp phát thuốc Methadone khác. Hàng ngày, người bệnh có thể đến đây lấy thuốc, nhưng trong một thời gian nhất định vẫn phải quay về phòng khám chính tại TP Thanh Hóa để khám và tư vấn”, ông Chu Quốc Ân “bật mí”.

Theo ông Hoàng Thanh Hải, cán bộ truyền thông của Tổ chức PEPFAR Việt Nam: Kinh nghiệm điều trị Methadone tại một số nước cho thấy, phác đồ điều trị giảm liều có thể giúp người bệnh không bị phụ thuộc vào Methadone nữa. Có người bệnh sau 1 năm đã từ bỏ hẳn được cả ma túy và Methadone nhưng cũng có người phải dùng Methadone từ 5 - 20 năm hoặc thậm chí suốt cuộc đời.

Do đó, bên cạnh việc mở rộng các cơ sở điều trị, giúp thêm nhiều người bệnh được sử dụng Methadone, thì các cơ quan chức năng cũng cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ liệu pháp điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone thực ra là một phương pháp “lấy độc trị độc”, lấy chất ma túy này thay cho chất ma túy kia để giảm nhẹ tác hại của ma túy, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ra cộng đồng từ những bệnh nhân nghiện nhiễm HIV. Việc lựa chọn bệnh nhân tham gia chương trình điều trị Methadone cũng phải cẩn thận và có sự kiểm tra, giám sát nhằm tránh tình trạng “đi cửa sau” để được tham gia. Bởi lẽ, Methadone có hiệu quả tốt đối với những bệnh nhân nghiện nặng, lâu ngày và nhiễm HIV. Trái lại, người mới nghiện mà dùng Methadone thì chẳng khác nào vô tình làm cho người đó phụ thuộc Methadone có thể đến hết đời.

Đặc biệt, cần chú trọng tới công tác tư vấn, hỗ trợ tìm việc làm có thu nhập ổn định cho người bệnh nghiện ma túy tham gia điều trị bằng Methadone. Có như vậy, hiệu quả của chương trình mới thực sự bền vững, bệnh nhân nghiện ma túy nhiễm HIV được điều trị bằng Methadone mới có thể ổn định cuộc sống, không bị chán nản và tìm đến những loại ma túy khác.

Phương Liên thực hiện
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]