Cuộc đời thăng trầm của thiên tài Steve Jobs

(Dân Việt) (Dân Việt) - “Gã khổng lồ” của công nghệ điện toán thế giới ra đi, nhưng câu chuyện về những thăng trầm trong cuộc đời, ý chí, trí tuệ của Steve vẫn còn mãi...

15.5776

“Sống khát khao, sống dại khờ” - phương châm sống này đã theo Steve Jobs đến khi trút hơi thở cuối cùng ngày 6.10.

Tuổi thơ không được thừa nhận

Jobs là con trai ngoài giá thú của một phụ nữ Mỹ và một người đàn ông mang gốc gác Hồi giáo. Mẹ Jobs là bà Joanne Simpson lúc sinh ra Jobs khi đang là một sinh viên. Không bước qua được những định kiến của gia đình, người phụ nữ này đã không thể sống với người đàn ông mình yêu và càng không thể nuôi con một mình.

“Gã khổng lồ” công nghệ điện toán Steve Jobs từ giã cuộc đời ở tuổi 56.

Bà Joanne đành lòng cho đi đứa con trai của mình cho một cặp vợ chồng ở San Francisco nhận nuôi. Steve Jobs đã sống những năm tháng tuổi thơ như vậy cho đến khi năm 27 tuổi, ông mới biết thông tin về cha mẹ đẻ của mình.

Steve Jobs luôn tin rằng, số phận của ông được định sẵn từ khi mới sinh ra. Vì mẹ của Jobs là một sinh viên, nên dù không nuôi được con trai của mình, nhưng bà vẫn muốn gửi con cho một gia đình mà có vợ hoặc chồng đã tốt nghiệp đại học để mong Jobs sẽ được hưởng một nền giáo dục tốt từ họ.

Cuộc gặp đầu tiên để cho con nuôi của bà Joanne là với một cặp vợ chồng luật sư, ngay trong ngày bà sinh ra Jobs. Tuy nhiên, mọi chuyện lại thay đổi vào phút chót vì vợ chồng này đang mong mỏi một đứa con gái nuôi, thay vì một cậu bé như Jobs.

Không gửi được con cho vợ chồng người luật sư, nửa đêm hôm đó, bà Joanne đã gọi đến địa chỉ của một cặp vợ chồng khác nằm trong danh sách xin nhận con nuôi, đó cũng là bố mẹ nuôi của Jobs sau này. Bà Joanne nói: Chúng tôi có một đứa con trai không mong đợi, ông bà có muốn chăm sóc nó không?”, cặp vợ chồng nọ trả lời: “Tất nhiên rồi”.

Tuy nhiên, sau đó bà Joanne phát hiện, cặp vợ chồng này chưa hề tốt nghiệp đại học, thậm chí người cha còn chưa tốt nghiệp phổ thông trung học. Bà Joanne đã từ chối ký vào giấy tờ trao nhận con nuôi, chỉ đến khi cặp vợ chồng này hứa một ngày nào đó, Steve Jobs sẽ được học đại học.

17 năm sau ngày trở thành con của cặp vợ chồng ở San Fransisco, Steve Jobs cũng có ngày được bước chân vào giảng đường đại học. Nhưng may mắn không mỉm cười với Steve Jobs vì anh đã chọn đúng ngôi trường đắt đỏ gần như Đại học Stanford.

Toàn bộ số tiền tiết kiệm của bố mẹ nuôi đã dồn vào trả học phí cho Jobs và 6 tháng sau đó, ông bắt đầu nhận thấy, việc học không hiệu quả khi những khoản tiền tích cóp cả đời của bố mẹ phải trang trải cho mình ở ngôi trường này.

Steve bắt đầu bỏ những môn học bắt buộc mà ông không hứng thú và chỉ đăng ký môn học mà ông quan tâm. Jobs không có suất trong ký túc, nên ông ngủ trên sàn nhà cùng bạn bè, đem đổi vỏ chai nước ngọt để lấy 5 cent mua đồ ăn, thậm chí phải đi bộ vài km vào tối chủ nhật để có một bữa ăn ngon mỗi tuần tại trại Hare Krishna…

Jobs đã phải trải qua những ngày cơ cực đó chỉ để đổi lấy niềm đam mê vô tận của mình. Khi bỏ học, Jobs quyết định chỉ đăng ký vào lớp dạy viết chữ nghệ thuật, bởi Trường Reed lúc đó, nổi tiếng nước Mỹ về dạy viết chữ đẹp.

Jobs học cách biến hóa với nét bút, về khoảng cách giữa các chữ, về nét nghiêng, nét đậm. Khi Jobs và những đồng sự thiết kế máy Macintosh, những kiểu viết chữ nghệ thuật này đã được đưa vào và đó là máy tính đầu tiên có các font chữ đẹp mà sau này window đã sao chép lại.

Thiên tài nhận lương 1 USD

Năm 1976, Steve Jobs cùng người bạn thân là Steve Wozniak sáng lập Hãng Apple Computer tại gara nhà bố mẹ mình. Khi đó, ông chưa đầy 20 tuổi và khởi nghiệp với vài trăm USD. Apple lần lượt tung ra các sản phẩm máy tính Apple I, Apple II và sau đó là Macintosh. Trong vòng 10 năm, Apple trở thành một tập đoàn trị giá 2 tỷ USD với hơn 4.000 nhân viên.

Năm 1983, ông lôi kéo John Sculley, khi đó là Giám đốc điều hành Hãng Pepsi, về đầu quân cho Apple bằng câu hỏi nổi tiếng: "Anh muốn cả đời đi bán thứ nước ngọt có gas ấy hay muốn có cơ hội để thay đổi thế giới?". Thế nhưng một năm sau, chính Sculley đã khiến Jobs bị Apple sa thải vì bất đồng quan điểm.

Quãng thời gian bị Apple sa thải, đã cho Jobs nhiều kinh nghiệm và thành công hơn bằng chính sự sáng tạo của ông. Jobs đã sáng lập Hãng máy tính NeXT, mua lại Công ty Pixar từ Hãng Lucasfilm với giá 10 triệu USD. Cho đến khi Apple không thể “chịu nổi” sự thiếu vắng Jobs, năm 1997, hãng mời Jobs trở lại với vai trò là Giám đốc điều hành (CEO).

Jobs thực sự biết cách làm thay đổi mọi thứ. Apple không tạo ra thị trường mới, họ "định hình" lại chúng. iPod và iPhone xuất hiện khi máy nghe nhạc và điện thoại đã thịnh hành trên khắp thế giới. Tỷ phú Bill Gates nói về máy tính bảng từ năm 2001 trong khi mãi đến năm 2010, Apple mới giới thiệu iPad. Nhưng họ vẫn thành công hơn bất cứ công ty điện tử tiêu dùng nào trên toàn cầu.

Steve Jobs không chỉ có tầm nhìn về công nghệ, mà còn có tầm nhìn trong thiết kế. Điều đó gói gọn trong triết lý xây dựng sản phẩm của ông: "Trong rất nhiều trường hợp, người dùng không biết họ muốn gì cho đến khi bạn chỉ cho họ thấy".

Steve Jobs: The book of Jobs (Steve Jobs: Cuốn sách về Jobs), cuốn tiểu sử chính thức đầu tiên và duy nhất về thầy phù thủy tin học Steve Jobs, sẽ ra mắt độc giả vào ngày 24.10 tới, sớm hơn một tháng so với dự định. Walter Isaacson, người nổi tiếng với các tác phẩm tiểu sử về Benjamin Franklin hay Albert Einstein, sẽ chấp bút cho cuốn sách này dựa trên hơn 40 cuộc phỏng vấn Jobs cũng như hàng trăm đối thoại khác với người thân, bạn bè, đồng nghiệp và cả đối thủ của ông.

Với niềm đam mê và khát khao thay đổi, tiền bạc không phải thứ mà Steve Jobs hướng đến. Jobs không nhận bất cứ khoản tiền thưởng, phụ cấp hay cổ phiếu nào trong năm 2010 trừ mức lương tượng trưng 1 USD. Ông nắm trong tay 5,5 triệu cổ phiếu Apple nhưng cũng chưa bao giờ bán chúng từ khi trở lại công ty năm 1997.

"Trở thành người giàu nhất nhưng như đang sống trong nghĩa địa chẳng có ý nghĩa gì với tôi. Mỗi tối trước khi đi ngủ và thấy rằng mình vừa làm được điều gì đó tuyệt vời mới thực sự quan trọng".

Jobs đã làm thay đổi cả thế giới nhờ vào tài năng và sự sáng tạo của mình trong lĩnh vực điện toán. Thế nhưng, Jobs lại không thể thay đổi được chính số phận của mình và suốt cuộc đời ông, khái niệm về “cái chết” đã luôn ám ảnh.

Jobs nhớ lại, khi 17 tuổi, ông đã đọc được ở đâu đó rằng: "Nếu sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng, một ngày nào đó bạn sẽ đúng". Cứ như vậy, Jobs đã “sống khát khao, sống dại khờ” cho đến ngày trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay của vợ và 3 người con - ngày 6.10 sau một năm chống chọi với căn bệnh ung thư tuyến tụy.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]