Cuộc sống của người bệnh phong nay đã khác

Mảnh đất cọc cằn sỏi đá nay đã được phủ màu xanh của nhãn, vải thiều và ngô. Nơi ấy là làng phong thuộc Trung tâm điều trị bệnh phong ở xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

15.6004

Trung tâm điều trị bệnh phong Hà Nam được thành lập năm 1967. Lúc đó, số bệnh nhân có gần 300 người đến từ 3 tỉnh Nam Định, Ninh Bình và Hà Nam. Cả trung tâm chỉ có 3 dãy nhà cấp 4, lọt thỏm giữa đồi núi bao bọc. Ông Trần Văn Song, một trong những bệnh nhân đầu tiên của Trung tâm, kể: Ngày ấy rất sợ nghĩ đến chuyện về gia đình. Thân thể không còn lành lặn, người thân trông còn thấy sợ nói chi đến việc làm ăn, sinh sống với cộng đồng. Thế rồi, muốn tồn tại thì phải tự mình làm tất cả mọi việc. Những bệnh nhân nhẹ cùng với các y bác sĩ của trung tâm cày cuốc, xới đất trồng cây, dựng nhà. Những cặp trai gái gặp nhau, cảm thông số phận đã nên vợ thành chồng. Cả trung tâm có 25 cặp vợ chồng. Họ đã cùng nhau khai phá đất hoang để lập nghiệp.

Đến nay, diện tích của làng phong là hơn 100 ha trong vùng đồi núi. Cả làng chỉ còn 100 bệnh nhân phong, chủ yếu là bệnh nhân có tuổi hoặc bệnh quá nặng. Một số người được gia đình đón về quê sinh sống bởi họ đã hoàn toàn khỏi bệnh, một số ở lại với làng phong vì có gia đình ở đây, có con cái, cháu nội, cháu ngoại.

Làng phong giờ khác xưa nhiều lắm. Lớp con cháu của những người bệnh đầu tiên lớn lên, trưởng thành và xây dựng làng phong với những ngôi nhà mái bằng. Các em bé được tới trường trong sự đón nhận của bạn bè và mọi người xung quanh. Nói như thế vì bởi chỉ cách đây 15 năm, con của những bệnh nhân phong khó có thể được đi học hòa nhập với các học sinh ngoài làng, mặc dù các em không hề bị bệnh bởi bệnh phong không lây nhiễm sang thế hệ con, cháu.

Anh Trần Văn Sơn, con một bệnh nhân phong kể: Ngày ấy muốn con được đi học, bố mẹ phải gửi anh qua người quen nhận làm con nuôi mới không bị bạn bè cùng lớp xa lánh. Nhưng rồi anh vẫn phải bỏ học dở chừng vì cha mẹ bệnh làm gì có tiền để chu cấp con ăn học. Bây giờ thì 100% số trẻ em làng phong đều được đến trường.

Gia đình ông Đinh Sơn Khỉnh là một trong những bệnh nhân nặng của Trung tâm điều trị bệnh phong. Ông bà Khỉnh gá nghĩa với nhau từ ngay sau khi trung tâm thành lập. Họ có 3 người con, nay cả 3 đã lập gia đình và ông bà đã có 6 đứa cháu nội, cháu ngoại chăm ngoan. Ông Khỉnh tự hào khoe với tôi những bài kiểm tra văn, toán điểm 8, điểm 10 và rồi những tấm giấy khen… Đôi bàn tay không còn lành lặn của ông cứ run lên vì hạnh phúc.

Gia đình ông Khỉnh cũng là một trong những hộ sản xuất giỏi của Trung tâm. Khu vườn nhỏ của ông bà có đến 60 gốc nhãn. Năm được mùa, trừ tất cả chi phí, ông bà được lãi mỗi gốc nhãn khoảng 3 triệu đồng. Ông bảo, nếu khoẻ thì có lẽ ông đã trồng trọt được nhiều hơn nữa. Cùng cây nhãn ông bà còn trồng na trên sườn núi.

Thế hệ những người con của bệnh nhân phong còn làm giàu mạnh hơn. Phát triển mô hình kinh tế vườn đồi, họ chăn thả dê, nuôi bò và trồng các loại cây. Anh Trần Văn Dũng được bà con đánh giá là người biết làm giàu nhất làng, mỗi năm thu hoạch từ vườn cây, ao cá đến cả trăm triệu đồng. Gia đình đã mua sắm đầy đủ tivi, tủ lạnh, xe máy...

Cuộc sống kinh tế khá hơn, bệnh nhân phong được chăm sóc y tế tốt hơn và người làng phong cũng bớt đi những mặc cảm. Bên cạnh đó, sự quan tâm của các cấp chính quyền cũng là nguồn động viên đối với họ. 62 bệnh nhân nặng không thể lao động được trợ cấp 210.000/tháng. Họ cũng được các y tá, bác sĩ của Trung tâm điều trị thăm hỏi, chăm sóc thường xuyên. Ông Đỗ Trung Phúc, gần 80 tuổi, quê ở Bình Lục là bệnh nhân nặng của Trung tâm. Ông lập gia đình được hơn 30 năm, không có con. Các bác sĩ vẫn hàng ngày đến thăm sức khoẻ, động viên ông bà.

Khó khăn lớn nhất của bà con trước đây là nước sinh hoạt. Vừa qua một tổ chức từ thiện ở TP. Hồ Chí Minh đã về làm giếng nước sạch cho bà con. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Khang, Phó giám đốc Trung tâm lạc quan cho biết: “Cuộc sống của người dân làng phong hôm nay đang đổi thay từng ngày”./.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]