Cứu sinh mạng trẻ khi sinh bằng cái ôm

SKĐS - Ở Việt Nam, cứ 2 trường hợp tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi thì có một là trẻ sơ sinh. Ước tính ở Việt Nam mỗi năm có 17.500 trẻ sơ sinh tử vong.

15.6023

Có thể ngăn chặn được tình trạng này bằng những biện pháp phòng ngừa đơn giản. Chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm (CSSSTYS) là biện pháp phòng ngừa đơn giản nhất, tiết kiệm chi phí nhất để giảm thiểu số ca tử vong sơ sinh.

Những cách làm thường gây hại cho trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh tử vong do nhiều nguyên nhân trong đó có 3 nguyên nhân quan trọng là vì sinh thiếu tháng (sinh non) hay quá nhỏ (nhẹ cân), vì những nhiễm trùng nặng hoặc do thiếu oxy trong quá trình chuyển dạ và sinh nở (ngạt sơ sinh). TS.BS. Phan Trung Hòa - Bệnh viện Từ Dũ cho biết, có nhiều cách làm thường gây hại cho trẻ sơ sinh và cần phải thay đổi. Cụ thể, hút nhớt khi không cần thiết, kẹp cắt rốn ngay và chậm lau khô trẻ khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng, có vấn đề về hô hấp, hạ thân nhiệt, thiếu máu, toan chuyển hóa, rối loạn đông máu, xuất huyết não và sang chấn.

Trẻ thường bú mẹ muộn do hậu quả của những sai lầm sau sinh. Khi bị tách rời khỏi mẹ trẻ thường bị stress, hạ thân nhiệt và nhiễm những vi khuẩn có hại. Trẻ thường xuyên đối mặt với những nguy hiểm do bị tách rời khỏi mẹ, can thiệp y khoa quá mức và nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Một cách làm nữa thường gây hại cho trẻ sơ sinh là trẻ nhẹ cân thường được cho uống sữa bột làm tăng nguy cơ viêm ruột hoại tử, viêm phổi, tiêu chảy, suy dinh dưỡng và tử vong. Những cách làm gây hại cần được thay đổi. Và chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm là vô cùng cần thiết.

Cái ôm đầu tiên

Theo cử nhân hộ sinh Phan Thị Phương Trinh - Khoa Sanh, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, chăm sóc thiết yếu sơ sinh trong và ngay sau sinh mục tiêu là để bảo đảm duy trì thân nhiệt cho trẻ; thực hiện cắt, kẹp rốn và chăm sóc rốn đúng quy trình; thực hiện đúng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn tránh gây uốn ván rốn, nhiễm khuẩn rốn; bú mẹ sớm. Mỗi năm CSSSTYS có thể cứu được sinh mạng của ít nhất là 50.000 trẻ sơ sinh ở khu vực Tây Thái Bình Dương. CSSSTYS giải quyết những nguyên nhân quan trọng nhất gây tử vong cho trẻ sơ sinh qua sáng kiến “Cái ôm đầu tiên”, chủ yếu bằng cách loại bỏ những thực hành chăm sóc sơ sinh có hại và lỗi thời.

Cái ôm đầu tiên là sự tiếp xúc trực tiếp da-kề-da giữa người mẹ và bé ngay khi lọt lòng. Cử chỉ yêu thương đơn giản này truyền hơi ấm cho trẻ, chuyển máu từ bánh nhau và những vi khuẩn có lợi từ người mẹ sang con, đem lại sự bảo vệ trẻ. Tiếp xúc da-kề-da sớm sau sinh còn có thêm lợi ích nữa là thúc đẩy mối tương tác tự nhiên giữa mẹ và con, giúp cải thiện tình trạng của tất cả trẻ sơ sinh, kể cả những trường hợp sinh non, yếu hoặc sinh mổ.

Qua sữa non, là sữa tiết ra từ vú mẹ, trẻ sơ sinh được cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu, kháng thể và tế bào miễn dịch để bảo vệ trẻ kháng lại bệnh tật. Các bà mẹ có thể bắt đầu cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ khi thấy trẻ có những dấu hiệu đòi ăn như chảy dãi, lia lưỡi, ngọ nguậy tìm vú mẹ và gặm nắm tay hay ngón tay. Chăm sóc thường quy cho trẻ như: bổ sung vitamin K, nhỏ thuốc mắt, tiêm phòng, kiểm tra sức khỏe và cân nặng cần thực hiện sau bữa bú đầu tiên. Việc tắm cho trẻ cần chờ đến 24 giờ sau sinh. Chăm sóc trẻ sơ sinh cần thực hiện theo trình tự thích hợp do tình trạng còn mong manh của trẻ.

CNHS Phan Thị Phương Trinh cho biết, sáng kiến “Cái ôm đầu tiên” của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)có mục đích làm giảm tỉ lệ tử vong sơ sinh và cải thiện sức khỏe bà mẹ. Cái ôm Đầu tiên là sự tiếp xúc da-kề-da giữa mẹ và bé ngay sau khi lọt lòng, có thể cứu tính mạng bé, một hành động đơn giản và cơ bản mang lại lợi ích cho cả mẹ và con. Từ ngày 12 - 17/5/2014, WHO đã tập huấn CSTYSSS cho 11 nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Việt Nam, và Bệnh viện Từ Dũ đã được chọn là nơi tham quan cho các nước trong khu vực.

NGUYỄN HUYỀN

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]