Cựu SV Stanford Phạm Kim Hùng: “Rời Sillicon Valley về nước khởi nghiệp là quyết định dễ dàng”

Tốt nghiệp đại học Stanford, Hùng quyết định không ở lại Mỹ mà về Việt Nam khởi nghiệp. Hùng tâm sự, những ngày tháng học ở Stanford đã giúp cho anh hiểu thêm rất nhiều điều về ý nghĩa cuộc sống. Có những trải nghiệm đã làm thay đổi toàn bộ những quyết định của anh sau này.

0

Trong ngành toán học Việt Nam, ít ai không biết tới Phạm Kim Hùng, người từng đoạt huy chương vàng và bạc Olympiad Toán học thế giới và là tác giả của một cuốn sách Toán học được xuất bản trên bốn thứ tiếng. Tốt nghiệp đại học Stanford khoa Khoa học máy tính, Hùng không chọn ở lại thung lũng Silicon làm việc mà quyết định trở về Việt Nam thực hiện ước mơ của riêng mình: Xây dựng những sản phẩm công nghệ hữu ích phục vụ cho doanh nghiệp, cho xã hội.

Nổi tiếng với ngành toán và đạt được nhiều thành tích khi còn là học sinh, tại sao anh quyết định rẽ sang ngành máy tính, công nghệ?

Phạm Kim Hùng: Thực ra tôi tốt nghiệp Stanford với hai bằng Toán và Khoa học Máy Tính; hai ngành này có rất nhiều điểm chung, thậm chí không có ranh giới rõ ràng. Hiện nay, ngoài công việc với TechElite tôi cũng dành thời gian đi giảng dậy hai môn này ở một số trường. Đối với tôi khoa học và giáo dục lúc nào cũng là niềm đam mê lớn.

Trở lại câu hỏi của bạn, tôi nghĩ bạn muốn hỏi lý do tôi chọn lựa làm Startup. Quyết định này gắn liền với một câu chuyện của tôi ở đầu năm thứ hai Stanford. Tôi được học bổng toàn phần của Stanford. Khi đi học, tôi luôn tự hỏi sau này sẽ phải ở lại Mỹ bao nhiêu năm để hoàn thành nghĩa vụ của mình với trường.

Tôi nghĩ việc phải ở lại Mỹ làm một thời gian là hoàn toàn công bằng so với những điều tuyệt vời Stanford đã mang lại cho tôi. Sau này tôi cũng biết rất nhiều trường áp dụng những yêu cầu khắt khe cho sinh viên quốc tế sau tốt nghiệp.

Tuy nhiên, khi tôi mang câu hỏi này để hỏi giáo sư Rafe Mazzeo, khi đó là trưởng khoa Toán của Stanford, ông đã nói điều mà tôi sẽ không bao giờ quên: “Không, Stanford không cần em làm một điều gì. Hãy sống một cuộc sống có ý nghĩa và tạo ra nhiều giá trị cho xã hội từ những điều em học được ở đây”.

Đó là thời điểm đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của tôi sau này. Tôi tự hỏi bản thân về tất cả những điều đã làm được: Các giải thưởng, học bổng, du học – tất cả đơn giản là sự ghi nhận của bên ngoài về những thành tích cá nhân nhất định. Tôi đã hiểu rằng thực tế tất cả những sự ghi nhận này là vô giá trị và cuộc sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi chúng ta có sự nhận thức chủ động về việc mình đang làm và giá trị tạo ra đối với mọi người xung quanh. Sau đó tôi quyết định sẽ làm Startup và cũng không học tiếp Tiến sĩ nữa.

Đó là lý do anh quyết định chuyển sang ngành công nghệ?

Đúng vậy. Startup tạo ra những những sản phẩm rất có giá trị trong cuộc sống – nhưng điều quan trọng nhất là founders thực sự hiểu và có nhận thức ngay từ đầu về những giá trị này. Và Stanford quả thật là môi trường hoàn hảo để khởi nghiệp và bắt đầu những ý tưởng công nghệ ý nghĩa.

Vậy tại sao anh lại quyết định về nước? Nếu làm việc trong ngành công nghệ thì ở lại thung lũng Silicon có tốt hơn không?

Khi tôi quyết định sẽ làm Startup thì việc lựa chọn trở về là cũng là một quyết định dễ dàng. Tôi đã có khá nhiều cơ hội làm việc ở Silicon Valley, nhưng quả thật tôi không cảm thấy luyến tiếc chút nào mà ngược lại, những điều đó giúp tôi tin tưởng hơn vào bản thân và sự lựa chọn của mình. Tôi chỉ thực sự luyến tiếc khi được nhận rất nhiều mà chưa đóng góp được gì cho Stanford cả.

Để so sánh Silicon Valley và Việt Nam thì chúng ta cũng nên nhìn nhận thực tế. Trong lĩnh vực công nghệ, Silicon Valley hoàn toàn tốt hơn Việt Nam trên mọi khía cạnh. Đối với Startup thì Silicon Valley là thiên đường, còn môi trường ở Việt Nam thậm chí mới chỉ bắt đầu. Nhưng điều này cũng có hai mặt - Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển những sản phẩm có giá trị lớn hơn vì mọi thứ của chúng ta còn rất mới và rất nhiều thứ chưa được khai phá.

Hơn 3 năm thực hiện các dự án startup tại Việt Nam, anh có cảm thấy quyết định của mình là đúng đắn?

Tôi chưa từng hối tiếc về quyết định của mình. Còn nhiều khó khăn phải vượt qua, nhưng TechElite vẫn đang phát triển hàng ngày.

Thử thách tại TechElite

Startup hiện tại của anh, TechElite đã gọi vốn Serie A thành công và được định giá 1,8 triệu USD. Anh có thể chia sẻ qua về dự án này?

TechEite được định hình ngay từ những ngày đầu là một công ty SAAS (Software as a services – phần mềm dịch vụ), và sản phẩm chiến lược nhất của chúng tôi là Enterprise 2.0 – hệ thống phầm mềm trực tuyến cho các doanh nghiệp giải quyết các bài toán cụ thể trong quá trình vận hành, quản lý và kinh doanh. Các doanh nghiệp nói chung đều có rất nhiều vấn đề giống nhau và hàng ngày họ đang gặp rất nhiều khó khăn vì những vấn đề này. Sản phẩm này được gọi là WorkTime và chúng tôi sẽ sớm ra mắt trong vài tháng tới.

Các trường học cũng như vậy và chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ giúp họ giải quyết tốt rất nhiều vấn đề. Đây sẽ là một sản phẩm khác và sẽ ra mắt muộn hơn.

Tại sao với TechElite anh lại chọn hướng làm việc với doanh nghiệp (B2B) thay vì với khách hàng (B2C) như nhiều startup thường chọn?

Bài toán đối với các doanh nghiệp nói chung là một bài toán rất cụ thể - có những vấn đề cụ thể cần giải quyết, có những con người cụ thể luôn sẵn sàng nói chuyện với chúng tôi về những khó khăn hàng ngày. Việc cần làm là tìm ra lời giải, cách giải quyết vấn đề, và đối với TechElite, đây là một sự lựa chọn phù hợp nhất. Aaron Levie, CEO của Box.com từng nói, “Nếu như mọi người hỏi rằng ai là người cần công nghệ nhất, tôi có thể khẳng định ngay đó là các DN. Bởi DN là người hiểu nhất những bài toán của mình và luôn mong muốn phát triển tốt hơn”.

Các sản phẩm đối với người dùng cuối (B2C) thì khác, bài toán cần giải quyết là thứ phải dự đoán, và có những thời điểm mà chúng ta phải tự hỏi rằng chúng ta đang cố gắng tạo ra giá trị cho họ, hay đơn giản đang tìm cách khai thác họ. Chúng tôi đã từng thử nghiệm B2C và nhận thấy rằng B2B phù hợp hơn với quan điểm phát triển lâu dài của chúng tôi.

Một sản phẩm B2C trước đây là BigTime sẽ được chuyển hẳn sang mô hình B2B và phát triển ở cả thị trường quốc tế. TechElite cũng đã từng làm B2G (business-to-government) với sản phẩm thi công chức trực tuyến - đây là sản phẩm thành công và mang lại nhiều tác động xã hội tích cực, nhưng quả thật B2G đối với các Startup tiềm ẩn quá nhiều rủi ro.

Phạm Kim Hùng cùng các đồng nghiệp tai TechElite

Sau khi gọi vốn vòng đầu tiên thành công vào năm ngoái, anh có chuẩn bị cho vòng gọi vốn tiếp theo?

TechElite đã có những sự chuẩn bị nhất định cho việc này, nhưng sự ưu tiên hàng đầu hiện nay của chúng tôi là các sản phẩm hiện tại. Có hai lý do: Sự phát triển nội tại của các sản phẩm mới đảm bảo sự phát triển bền vứng; và việc gọi vốn là để làm nhanh quy trình phát triển này chứ nhất định không phải là một sự “ghi nhận”.

Trong năm nay, TechElite cũng sẽ mở văn phòng ở thung lũng Silicon để phát triển trên thị trường quốc tế. ‘Go Global’ sẽ là chiến lược quan trọng của chúng tôi trong tương lai.

Mở ra tại thung lũng Silicon, anh có lo sợ không cạnh tranh được với các đối thủ quốc tế?

Lợi thế của mô hình B2B là sự không phụ thuộc vào nội địa hóa và điều này là lợi thế của chúng tôi. Cạnh tranh ở thị trường quốc tế sòng phẳng và công bằng cũng là một sự thử thách ý nghĩa.

Nếu chính bản thân các Founders nhận thức và tự thuyết phục được bản thân về những sự khác biệt về mặt giá trị mà sản phẩm của họ tạo ra, thì quyết định ‘Go global’ hay không không phải là một quyết định khó khăn.

Nghe anh chia sẻ, có cảm giác anh giống một chuyên gia xây dựng sản phẩm hơn là một doanh nhân. Liệu việc chỉ tập trung xây dựng sản phẩm mà không quan tâm những vấn đề khác có khiến DN gặp khó khăn không?

Hiện tại tôi là CEO và cũng là Product Manager, với trách nhiệm quan trọng là xây dựng và lập trình sản phẩm. Thật may mắn là WorkTime đang giúp chúng tôi rất nhiều trong công việc hàng ngày và cũng thật may mắn là TechElite có những co-founders (đồng sáng lập) và nhân sự rất tuyệt để phát triển các sản phẩm một cách hài hoà. Khó khăn thì có, nhưng tất cả mọi người có chung niềm tin.

Vậy làm sao để thuyết phục nhà đầu tư có cùng niềm tin giống anh?

Đam mê và dám chấp nhận rủi ro. Nếu không có đam mê thì trước sau cũng sẽ từ bỏ vì quá nhiều khó khăn phía trước. Nếu không có đam mê thì câu chuyện với nhà đầu tư sẽ rất sáo rỗng và thiếu thuyết phục. Tất nhiên phải là đam mê “có hiểu biết” và rủi ro “có tính toán”.

Để có được đam mê thì phải thuyết phục được chính bản thân về những giá trị sản phẩm mình tạo ra. Nghe có vẻ lạ lùng nhưng điều này quả thật không đơn giản. Trước vô số những khó khăn và rủi ro, điều duy nhất giữ được sự nhiệt huyết và đam mê là niềm tin rằng ta đang làm những sản phẩm tốt, rất tốt cho tương lai.

Đam mê có bao giờ khiến anh măc sai lầm?

Rất nhiều. Và tôi luôn biết ơn những người đã cho tôi cơ hội được mắc sai lầm để vượt qua. Có những sai lầm buộc phải trải qua, chứ không tránh được bằng những lời khuyên.

Nếu tôi là nhà đầu tư, có lẽ tôi sẽ quan tâm đến tiền của mình nhiều hơn?

Đúng vậy. Nhưng những nhà đầu tư thực sự có kinh nghiệm sẽ kỳ vọng vào tương lai lâu dài hơn. Thực tế đã có quá nhiều ví dụ về việc đầu tư thất bại vào một trào lưu ngắn hạn không mang lại nhiều giá trị thực sự.

Hầu hết các startup sau khi phát triển đến một giai đoạn nhất định thì đều bị bán đi. Điều này có mâu thuẫn với những gì anh vừa nói không?

Nếu sản phẩm của bạn mới bắt đầu phát triển và bạn nói “Sẽ không bao giờ bán sản phẩm của mình” thì 99% là đang nói dối. Không, có lẽ phải là 100%! Nếu bạn trả lời một nhà đầu tư như vậy thì may mắn hơn bạn sẽ được coi là chưa có kinh nghiệm. Nếu coi IPO cũng là việc bán đi cho công chúng, thì tất cả các doanh nghiệp thành công nhất hiện nay cũng phải bán đi ít nhất một vài lần.

Thực tế thì việc thoái vốn (exit) hay không không quan trọng bằng việc sau khi thoái vốn , công ty có tiếp tục sứ mệnh đã có trong suốt thời gian trước đó hay không. Công bằng mà nói, nếu đảm bảo được điều này đây sẽ là kết quả win-win. Nhưng thực sự thì tôi chưa từng nghĩ đến việc này.

Xin cảm ơn anh!

Trang Lam

Theo Trí Thức Trẻ

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]