Đa đa - Cây thuốc mới chữa kiết lỵ

Đa đa (Harrisonia perforata (Blanco) Merr.) thuộc họ thanh thất (Simaroubaceae), tên khác là dây hải sơn, dây xân, dây săng, cò cưa, mắt mèo gai, là một cây bụi mọc sum suê. Thân cành có gai cong và phủ lông mịn như len, cành non màu nâu tím.

15.5935
Cây đa đa

Đa đa (Harrisonia perforata (Blanco) Merr.) thuộc họ thanh thất (Simaroubaceae), tên khác là dây hải sơn, dây xân, dây săng, cò cưa, mắt mèo gai, là một cây bụi mọc sum suê. Thân cành có gai cong và phủ lông mịn như len, cành non màu nâu tím. Lá kép lông chim, mọc so le, mép nguyên hoặc khía răng, hai mặt nhẵn, mặt trên bóng màu lục sẫm, mặt dưới nhạt. Cụm hoa mọc ở đầu cành hoặc kẽ lá thành xim; hoa màu trắng. Quả hạch, hình cầu, hơi dẹt, thịt màu đỏ đen, hạt cứng.

Theo kinh nghiệm dân gian của Việt Nam và một số  nước Đông Nam Á khác như Campuchia, Philippines, Thái Lan, cây đa đa được dùng làm thuốc chữa đau bụng, kiết lỵ, tiêu chảy, kinh nguyệt không đều. Bộ phận dùng  chủ yếu là vỏ thân, thu hái quanh năm, thái mỏng, phơi khô, không phải chế biến. Khi dùng, lấy 6 - 12g dược liệu, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống làm một lần, ngày hai lần. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc  khác theo công thức sau: Đa đa 100g, củ riềng 50g, vỏ quýt (trần bì) 25g, hạt đậu ván 50g. Vỏ đa đa nấu với nước rồi cô thành cao lỏng. Củ riềng, vỏ quýt, hạt đậu ván đều sao, tán rây thành bột mịn. Trộn cao với bột (có thể thêm bột nếp) thành một khối dẻo không dính tay, xát qua rây thưa để được cốm, rồi phơi khô hoặc sấy khô. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 10 - 20g.

Cũng dùng vỏ thân đa đa, Xí nghiệp liên hợp dược tỉnh Đăk Lăk đã tận dụng nguồn dược liệu phong phú của địa phương để sản xuất viên H2 gồm đa đa và mức hoa trắng.

Hiện nay trên thị trường có loại thuốc viên để chữa kiết lỵ được sản xuất từ vỏ thân đa đa và vỏ thân mức hoa trắng. Vỏ thân đa đa phơi khô, 1.000g; lấy 500g thái nhỏ, nấu với hai lần nước, lọc, rồi cô lại thành 0,5 l cao lỏng. Lấy nốt 500g dược liệu tán nhỏ, rây bột mịn. Đồng thời, lấy vỏ thân mức hoa trắng đã phơi khô 1.000g và cũng chế biến như vỏ đa đa. Trộn đều cao lỏng và bột đa đa với cao lỏng và bột mức hoa trắng, rồi thêm bột nếp để làm viên. Ngày uống hai lần, mỗi lần 4 - 5 viên.

Ngoài ra, vỏ thân đa đa phối hợp với gỗ cây bách bệnh và vỏ, thân cây dền, lượng mỗi thứ 10g, thái nhỏ, phơi khô, sắc với 400ml còn 100ml, uống chữa sốt rét.

Theo Suckhoedoisong

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]