Đặc sản người Nghệ

(TT&VH) - Cú đi bóng từ cánh rồi bất ngờ đổi hướng vào trong rồi cứa lòng vào góc xa khung thành cũng tựa như món quà cu đơ, đặc sản của người Nghệ Tĩnh vậy, không bao giờ thất truyền, dù cho Văn Quyến vẫn rất béo và Công Vinh đã ra Thủ đô chơi bóng.

15.6019

Sân Vinh chiều ngày 8-3, phút 66, hơn 1 vạn khán giả chen vai thích cánh trên 4 phía khán đài đã may mắn trở thành nhân chứng của một siêu phẩm: một cái bóng áo vàng lướt vào trong vòng cấm địa của Thể Công ở tốc độ cao với quả bóng như dính trong chân, đâm thẳng vào hàng thủ của đối phương rồi dùng má ngoài chân phải liếc quả bóng vào trong cho góc rộng hơn một chút và cũng là để loại bỏ rào cản phía trước mặt, chân phải gần như không cần lấy nhịp, lập tức cứa lòng, quả bóng cong cong bay, găm thẳng vào góc chết. Cả hàng thủ của đối phương sững sờ, thủ môn đứng như tượng chỉ kịp ngoái đầu.

Tác giả của pha bóng đó không phải Văn Quyến. Quyến “béo” đá đến phút đó chỉ còn biết đứng thở. Quyến từ ngày phải xa rời sân cỏ, trở lại, không còn đủ khả năng để thực hiện pha bóng được coi là sở trường, là chỉ có anh mới làm được cách đây độ 5 năm.

Cũng không phải Công Vinh vẽ nên đường bóng đặc biệt đó. Vinh từ đầu mùa đã chơi cho T&T HN, cũng từng cố thực hiện vài lần nhưng đều thất bại. Đá ở Hàng Đẫy, đi Long An đá sân khách, Vinh đều được xếp chơi chêch sang bên phía cánh trái, cầm bóng, đột phá rồi cứa lòng. Nhưng tất thảy những pha bóng ấy đều qua xà hoặc chệch cột dọc phía xa.
 
Ngọc Anh (trái) là một sản phẩm đặc trưng của lò đào tạo bóng đá Sông Lam

Chủ nhân của nó là Nguyễn Ngọc Anh, một cầu thủ trẻ mà người viết đồ rằng, rất nhiều người hâm mộ trung lập còn chưa nhớ tên và cũng chưa nhớ mặt. Ngọc Anh, người dong dỏng cao, đá tiền vệ trái, chơi chân phải tốt hơn kèo trái. Ngọc Anh thuộc lứa của Trọng Hoàng, Văn Bình, Đình Đồng, Đắc Khánh... Nhưng Ngọc Anh mải mê với những thú vui ngoài sân cỏ nên “ra ràng” muộn hơn.

Trận đấu ấy, Ngọc Anh cũng không phải là cầu thủ chơi tốt nhất, nếu không muốn nói ngược lại. Sông Lam hôm đó cũng không phải cửa trên, họ khá tự ti trước Thể Công, chỉ tấn công được trong khoảng 15 phút đầu của hiệp hai. Ngọc Anh thực sự chỉ có pha bóng ấy đáng nhớ. Một tình huống xuất thần. Một pha bóng thăng hoa. Sau khi ghi bàn, Ngọc Anh cởi phăng chiếc áo đấu, phấn khích ăn mừng bàn thắng.

Ngọc Anh cũng không phải là một thần đồng trong lứa trẻ thuộc thế hệ Sông Lam 88’-89’, dù ở cầu thủ này, có những nét tính cách và chơi bóng khá “dị thường”.

Nhưng, không ai có thể ngẫu nhiên thực hiện được pha bóng ấy. Ngay như Quyến hay Vinh sau khi chỉnh bóng bằng má ngoài, co chân sút cũng phải lấy thế và nhịp. Đằng này, nó là một động tác liền nhịp mà người ta khó có thể tách kỹ năng ấy ra làm 2 động tác. Phải có kỹ năng, phải có tố chất và cả sự tập luyện để rồi trong một thời điểm nào đó, nó tự nhiên bộc lộ như hơi thở vậy.

Trận đấu giữa Sông Lam với Thể Công là một cuộc "tỉ thí" giữa 2 lò đào tạo cầu thủ đã trở thành thương hiệu. Nhẩm tính, những cầu thủ trẻ của cả 2 đội được đăng ký trong trận đấu đó đủ để xây dựng đội U23 VN đá SEA Games 2009. Thế hệ Thể Công 87’ chín hơn và nổi tiếng hơn với những Công Huy, Ngọc Duy, Quốc Long, Duy Linh, Minh Đức, Quang Vinh... Nhưng không ai trong số đó có thể thực hiện được kỹ năng đi bóng và ghi bàn như vậy.

Cũng phải, lò Sông Lam đã và luôn rất đặc biệt. Nó luôn sản sinh ra những tài năng đặc biệt cho bóng đá Việt Nam. Và đôi khi, dù chưa đạt tới đẳng cấp ấy thì các cầu thủ Sông Lam cũng vẫn thực hiện được những kỹ năng đủ để người ta không cần nhìn tên, nhìn áo mà chỉ cần xem cách đi bóng, cách sút, cũng nhận ra đấy là quân Sông Lam rồi.
 
Phạm Tấn
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]