Đặc sản Sóc Trăng

Sóc Trăng có đến 2/3 diện tích đất tự nhiên nhiễm phèn, nhiễm mặn và đó cũng chính là tiềm năng cho sự phát triển những vùng chuyên canh nông sản đặc sản, như lúa thơm, hành tím, bưởi Năm Roi…

0

Lúa ST: Thử là mê

Đây là một loại lúa cho cơm thơm, mềm, dẽo, để lâu không khô, do kỹ sư Hồ Quang Cua - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng và các cộng sự lai tạo. Trong bộ sưu tập hơn 20 giống ST, giống ST3 đỏ giàu dinh dưỡng và hàm lượng sắt đã được GS.TS Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đánh giá cao: “Phải nói đây là giống gạo thơm, ngon trong số những loại gạo ngon trên thế giới mà tôi đã được ăn”.

Hiện nay, diện tích sản xuất giống lúa thơm ST của Sóc Trăng đã lên đến hàng chục ngàn ha, nhưng chủ yếu tập trung ở vùng nhiễm phèn, mặn và vùng sản xuất hai vụ/năm. Kỹ sư Hồ Quang Cua giải thích: “Cây lúa thơm có thể phát triển trên mọi vùng đất lúa, nhưng để có chất lượng thơm ngon thì vùng đất nhiễm phèn, mặn là thích hợp nhất. Đây là nét đặc thù và cũng là lợi thế của nghề trồng lúa Sóc Trăng, trong đó mô hình tôm-lúa là một điển hình”.

Với bộ sưu tập hơn 20 giống ST đạt tiêu chuẩn gạo thơm, chỉ sau hơn một thập niên, kỹ sư Cua và các cộng sự đã làm ngỡ ngàng những chuyên gia lúa thơm hàng đầu của Thái Lan. Đây cũng chính là lý do để lúa thơm ST giữ vững ngôi đầu về giá tiêu thụ, kể cả trong thời điểm khó khăn nhất về thị trường. Anh Trần Nhanh, một nông dân ở xã Viên Bình, huyện Mỹ Xuyên cho biết: “Hồi vụ hè-thu 2008, khi các giống lúa thường xuất khẩu thường xuống giá, chỉ còn hơn 2 ngàn đồng/kg thì tôi làm lúa thơm ST5 bán được 5.500 đồng/kg”.

Việc sản xuất lúa thơm ở Sóc Trăng hiện đã được áp dụng qui trình Golbal GAP và được quy hoạch thành những vùng chuyên canh hàng ngàn, đến hàng chục ngàn hécta, như vùng tôm-lúa Mỹ Xuyên, vùng chuyên canh lúa đặc sản xuất khẩu Ngã Năm, Long Phú, Mỹ Tú...

Tại các vùng chuyên canh này, chế phẩm sinh học trong cải tạo đất, phòng trừ dịch hại, phân hữu cơ vi sinh… đã được người dân áp dụng rộng rãi. Đặc biệt, lúa thơm ST trồng trên vùng đất nuôi tôm có chất lượng và độ an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao do ít sử dụng phân hoá học và thuốc trừ sâu rầy. Kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết: “Chúng tôi đã chuyển giao toàn bộ qui trình nhân nấm vi sinh phòng trừ rầy nâu và ủ phân hữu cơ vi sinh từ rơm rạ nên nông dân có thể tự sản xuất hai loại này để sử dụng trong suốt mùa vụ sản xuất”.

Cay nồng hành tím Vĩnh Châu

Nhắc đến Vĩnh Châu là phải nhắc đến đặc sản hành tím. Cây hành củ tím có mặt trên đồng đất giồng cát này đã hơn 100 năm nay, nhưng vẫn giữ được hương vị cay nồng đặc trung của nó. Diện tích trồng hành củ tím ở Vĩnh Châu hằng năm bình quân khoảng 4 ngàn ha với sản lượng 70-80 ngàn tấn, chủ yếu để xuất khẩu sang Indonesia, Malaysia, Philippines, rất được ưa chuộng tại các thị trường này.

Anh Trịnh Đức Vinh, chủ doanh nghiệp Đức Vinh chuyên xuất khẩu hành củ tím khẳng định: “Chỉ có hành củ tím Vĩnh Châu mới đủ sức cạnh tranh về chất lượng và giá cả với các nước trong khu vực, bởi có màu sắc đẹp, vị cay nồng cao, bảo quản tự nhiên được lâu và giá thành hợp lý”.

Ngay từ lúc còn làm Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, ông Nguyễn Chí Công (nay là Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Châu) đã xây dựng chỉ dẫn địa lý cho hành củ tím Vĩnh Châu và hiện nay Đức Vinh đã đăng ký thương hiệu sản phẩm này. Qui trình sản xuất, bảo quản củ hành tím đã được cải thiện rất nhiều để sản phẩm vừa đạt năng suất, chất lượng cao, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm: Các loại thuốc trừ sâu độc hại bị loại trừ, hoá chất DDT không còn được sử dụng trong bảo quản, Chính điều này đã thu hút nhiều DN đến Vĩnh Châu thu mua, xuất khẩu hành tím, như Công ty Thái Bình Dương, Công ty rau quả Lâm Đồng, DN tư nhân Đức Vinh…
Để đặc sản Sóc Trăng vươn xa

Kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết, cuối năm 2003, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã xuất ngân sách để dự trữ 600 tấn giống lúa thơm KMD105. Điều đó cho thấy, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến chương trình phát triển lúa thơm, nên sau này các chương trình giống và chuyển dịch cơ cấu hay từ các dự án Danida, dự án nâng cao đồi sống nông thôn, dự án nâng cao chất lượng cây trồng, vật nuôi do CIDA (Canada) tài trợ đều có hợp phần lúa thơm.

Từ đây, chi phí cho việc lai tạo, chọn lọc lúa thơm được đầu tư thoả đáng hơn, công nghệ hạt giống phát triển, các vùng được quy hoạch, hỗ trợ lên đến hàng ngàn ha cho từng khu vực. Riêng giống lúa Tài Nguyên đã hình thành vùng chuyên canh tại huyện Thạnh Trị trên diện tích 10 ngàn ha và đã được DN tư nhân Châu Hưng đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu hàng hoá.

Riêng đối với hành củ tím, ông Nguyễn Chí Công cho biết: “Trong quy hoạch phát triển nông nghiệp của huyện, cây hành củ tím vẫn đóng vai trò quan trọng. Không dừng lại ở diện tích 4 ngàn ha như hiện nay, diện tích trồng hành có khả năng mở rộng thêm nếu có được hợp đồng thu mua ổn định”.
 

XUÂN TRƯỜNG
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]