Đặc sản Việt lép vế trước trái cây ngoại

(PLO) - So với những đặc sản vùng miền của Việt Nam như quả bòn bon, mãng cầu, sầu riêng hay măng cụt thì trái cây ngoại cùng loại đang thể hiện “phong độ” lấn lướt về giá cả lẫn thái độ từ người tiêu dùng.

0
Hoa quả Thái, Hàn tràn đường phố Hà Nội. (Ảnh minh họa)
Phần lớn người tiêu dùng thích thương hiệu quả ngoại như Thái Lan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ thay vì hoa quả nội. Họ cho rằng hoa quả nội kém chất lượng hơn, một phần muốn thử hoa quả ngoại vì lòng hiếu kỳ, tò mò. Người dân muốn thử xem quả ở những vùng đất trên có gì khác so với hoa quả nội không. 
Chị Nguyễn Thu Phương, người dân ở phường Đống Mác (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: Trái cây ngoại được chăm trồng theo quy trình chuẩn, trên mỗi loại quả đều được dán tem, ghi rõ nguồn gốc khiến người dân an tâm hơn. Tuy nhiên, chị Phương cũng ngỏ ý rằng, nếu phải chọn giữa trái cây Việt được trồng bởi những nông dân chính gốc và trái cây ngoại, chị vẫn chọn trái cây Việt. Bởi lẽ, từ nhiều năm nay gia đình chị vẫn thường nhận trái cây từ bà cô ở Nam Định gửi lên đều mỗi tháng. 
“Trái cây do dân mình chăm trồng tự nhiên, không bỏ thuốc thì không có gì sánh bằng. Trái cây “nội” được thương lái bán buôn, bán lẻ ở vỉa hè là trái cây Trung Quốc đội lốt. Một bộ phận chủ vườn dùng thuốc để kích thích quả chín nhằm rút ngắn thời gian thu hoạch thay vì tuân thủ đúng quy trình chăm trồng đã được đưa ra” – chị Phương nói. 
Anh Lê Hoàng Anh (Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội) cho rằng: Cách đây hơn ba năm, gia đình anh luôn trữ trong nhà hoa quả nội, lúc bấy giờ chưa có tin về hoa quả phun thuốc hay dùng thuốc kích thích để quả chín sớm. Tuy nhiên, từ ba năm nay anh đã chuyển dần sang dùng hoa quả ngoại vì sợ mua phải trái cây nội dính thuốc. 
“Từ ngày vợ mang bầu cách đây mấy năm về trước, gia đình tôi chuyển sang dùng trái cây Thái Lan, Hàn Quốc. Thời gian vợ tôi mang bầu bé thứ hai suýt  bị ngộ độc vì ăn chuối rấm thuốc kích thích chín sớm. Con trai đầu cũng có dấu hiệu đau bụng, đi ngoài vì ăn nhiều chuối. Đi khám bác sĩ cho biết do ăn phải nhiều chất gây ảnh hưởng xấu đến đường ruột nên gây ra hiện tượng rối loạn tiêu hóa” – anh Hoàng Anh phân trần.
Chị Nguyễn Thị Hoàng (55 tuổi, quê Vụ Bản, Nam Định) chủ buôn hoa quả có thâm niên 10 năm trong nghề cho biết, nguyên do dẫn đến người tiêu dùng Việt quay lưng với trái cây nội không chỉ vì tin đồn bỏ thuốc mà một phần vì những lời mào đầu, quảng cáo về sản phẩm từ những chủ buôn hoa quả. Phần lớn các chủ buôn chiều theo ý khách hàng nên không ngần ngại lấy hoa quả Việt đội lốt hoa quả ngoại để bán với giá cao. 
Là một trong những đầu nậu nhập, xuất hoa quả về các mối tại chợ Long Biên, chị Hoàng khẳng định không có nhiều hoa quả Thái Lan hay Hàn Quốc để nhập vào thị trường nội đến như vậy. Một nửa số sạp hoa quả được quảng cáo là hàng ngoại nhập chẳng qua là được thương lái sử dụng hoa quả nội tân trang lại để thay tên mới nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng để bán hàng./.
Anh Quang
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]