Đại biểu ngồi suốt ngày trên ghế làm sao đại diện cho dân?

Đó là một số góp ý được các đại biểu đưa ra tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách sáng 8/9 thảo luận và cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi).

15.5963

 

ĐBQH Trần Du Lịch (Tp. Hồ Chí Minh)

Đề cập về đại biểu Quốc hội, Đại biểu Đỗ Văn Đương (Tp. Hồ Chí Minh) cho rằng, quy định hiện tại không khác nhiều tiêu chuẩn của công chức, cán bộ Nhà nước. Theo ông Đương, là người đại diện cho nhân dân, cho cử tri thì không có lý do gì mà phần lớn thời gian làm việc lại như công chức.

“Đại biểu Quốc hội là phải tận tụy và gắn với tâm tư nguyện vọng của cử tri, có tư duy phản biện độc lập, vô tư để tránh khỏi tác động bên ngoài, tránh lợi ích nhóm, hoặc trong phản biện giám sát phải mạnh mẽ đi đến cùng vấn đề. Đại biểu phải có năng lực nhất định về lập pháp, giám sát, đặc biệt là đại biểu chuyên trách”, ông Đương nêu ý kiến.

Vị đại biểu Tp. Hồ Chí Minh này cũng mạnh dạn đề xuất: “Để có năng lực nhất định về giám sát và lập pháp, nhất là đại biểu chuyên trách, cần thiết kế lại theo hướng đại biểu chuyên trách ít nhất phải là chuyên viên cao cấp và có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động chuyên trách. Phải quy định đại biểu chuyên trách dành ít nhất là 1/3 thời gian làm công tác tiếp dân và tiếp xúc cử tri, chứ suốt ngày ngồi trên cao thế này làm sao mà đại diện cho nhân dân được”, ông Đương nói.

Cho rằng việc chọn đại biểu đủ năng lực là vấn đề cần phải xem xét kỹ vì đây là trung tâm của Quốc hội, bà Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng, ĐBQH phải có trình độ và năng lực nhất định mới đảm bảo chất lượng. Nếu cứ chung chung như hiện nay thì khó chọn được đại biểu đáp ứng nguyện vọng của cử tri. Do đó quy định cần cụ thể hóa, theo hướng đáp ứng thực hiện nhiệm vụ đặc trưng của đại biểu, ở đây cần quan tâm phẩm chất năng lực, trình độ.

Cùng nội dung này, Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nhấn mạnh, ĐBQH phải ưu tiên liên hệ chặt chẽ với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. “ĐBQH phải có bản lĩnh. Không bản lĩnh thì không đấu tranh được gì. Còn những tiêu chuẩn về trung thành với Tổ quốc, phấn đấu vì sự ngiệp dân giàu nước mạnh... thì không cần ghi trong luật, vì điều đó là đương nhiên", ông Vinh cho hay.

Trong khi đó, ông Trần Du Lịch (Tp. Hồ Chí Minh) lại lo ngại, ĐBQH hiện nay đang bị cán bộ, công chức hóa. “Cần quy định rõ bao nhiêu phần trăm đại biểu phải ngồi ở địa phương, giải quyết bức xúc của người dân, tránh trường hợp đại biểu QH không có thời gian tiếp xúc, giải quyết kiến nghị của cử tri. Đừng làm ĐBQH cho oai, không có thời gian tiếp dân vì thời gian làm chuyên môn đã choán hết”, ông Lịch nói.

Một nội dung cũng được nhiều đại biểu quan tâm là số lượng đại biểu chuyên trách. Số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách được thảo luận nhưng chưa đi đến thống nhất. Đa số ý kiến tán thành việc tăng số lượng hoạt động chuyên trách để nâng cao hiệu quả hoạt động của QH, các cơ quan của QH. Dự thảo Luật quy định số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số ĐBQH nhưng nhiều ý kiến đề nghị tăng lên ít nhất 40%. Thậm chí có đại biểu còn đề nghị nâng lên 50% mới đáp ứng được yêu cầu.

Theo Báo Giao thông


 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]