Đái buốt, đái rắt là biểu hiện của bệnh gì?

"Tôi bị đái rắt, đái buốt. Xin cho biết đó là bệnh gì?".Nguyễn Cung (Bình Chánh).

15.6009
Chào bạn,
 
Thư bạn quá sơ sài nên tôi không thể nói bạn mắc bệnh gì. Xin nêu ra một số thông tin để bạn tham khảo.

Trước hết không nên ghép 2 dấu hiệu này lại với nhau. Lý do là có khi đái rắt mà không đái buốt, và có khi đái buốt mà không đái rắt.

 
 
1. Đái buốt mà không đái rắt

- Đôi khi đái rất buốt: Nên nghĩ đến viêm niệu đạo, viêm miệng sáo, có thể do nhiễm trùng thông thường hay do lậu. Nam giới sau khi đi lại với một phụ nữ được mấy ngày nếu bị đái buốt thì nên nghĩ đến bệnh lậu cấp; nếu có mấy giọt mủ ở đầu lỗ sáo thì càng chắc chắn.

- Sỏi bàng quang: Thường là sỏi bằng trứng chim cút, chim câu hay trứng gà so... Khi còn nước tiểu trong bàng quang, hòn sỏi không trực tiếp chạm vào thành bàng quang nên không buốt; nhưng khi tiểu hết hay gần hết, bệnh nhân thấy rất buốt vì hòn sỏi trực tiếp cọ xát vào niêm mạc bàng quang.

2. Đái rắt mà không đái buốt

- U xơ tuyến tiền liệt: Thường xuất hiện lúc nửa đêm về sáng; nếu nặng hơn có thể đái rắt cả đêm và ngày.

- Có u vùng tiểu khung (u nang buồng trứng, u xơ tử cung), có thai mấy tháng đầu.

- Rối loạn nội tiết: Thường xảy ra trong chu kỳ kinh nguyệt ở người bị rối loạn chức năng buồng trứng. Tình trạng thai nghén cũng có thể gây ra đái rắt vì có thay đổi về nội tiết.

- Cổ bàng quang mở không tốt: Người bệnh nhận thấy nếu thỉnh thoảng tiểu khoảng 50 ml thì dễ chịu hơn là đợi bàng quang đầy (đến 300 ml) mới đi.

- Có bệnh ở thận, tụy (tiểu đường) hoặc ở hệ thần kinh.

3. Vừa đái buốt vừa đái rắt: Có thể do nhiệt, do viêm bàng quang hoặc vô số nguyên nhân khác.

Để biết mình bị bệnh gì, bạn cần đến bác sĩ chuyên khoa tiết niệu để khám và làm các xét nghiệm.

AloBacsi.vn
Theo BS Nguyễn Bá Phiên - Sức Khoẻ & Đời Sống
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]