Con số khiến cho người đọc phải “rùng mình”: Có đến 27% số nước tương, tương ớt nhiễm vi sinh, 33,3% số mì, phở, bánh canh và 37,5% số chả các loại nhiễm hàn the, 50% số nước đóng bình nhiễm vi sinh, 33% số bột ớt, hạt dưa nhiễm Rhodamine B, 100% số mứt đóng gói nhiễm hóa chất tẩy trắng công nghiệp, 70,4% số xirô nhiễm DEHP...

Đây là kết quả lấy mẫu ngẫu nhiên trên thị trường chứ không phải nhằm vào một “điểm đen” nào tập trung thực phẩm bẩn. Kết quả kiểm nghiệm khiến cho người dân cảm thấy hoang mang, lo sợ, không biết mình phải lựa chọn ăn gì, uống gì hằng ngày để đảm bảo cho sức khỏean toàn tính mạng.   

Thực phẩm bẩn tràn lan không chỉ riêng ở TPHCM mà trên phạm vi khắp cả nước, không chỉ riêng với thực phẩm chế biến mà với cả các loại thực phẩm tươi sống. Người tiêu dùng không cách nào phân biệt được bằng cảm quan đâu là bẩn, đâu là sạch. Cho dù có chọn những thương hiệu hàng hóa có uy tín cũng chưa hẳn đã an toàn vì hàng giả, hàng nhái bày bán tràn ngập. Điều cay đắng là hằng ngày mỗi người chúng ta phải trả tiền để mua họa vào thân, trong khi những kẻ vô lương tâm cứ thản nhiên kiếm lợi trên tai họa của người khác.

Vấn đề thực phẩm bẩn tràn lan, gây nguy hại cho sức khỏe và tính mạng con người không phải mới phát sinh mà đã có từ nhiều năm trước. Các cơ quan quản lý đã tăng cường các biện pháp kiểm tra, xử lý nhưng tình hình không được cải thiện, thậm chí ngày càng nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân có thể do xử lý chưa nghiêm hoặc các quy định pháp luật chưa đủ mạnh để răn đe.

Mặc dù gây nguy hại như vậy nhưng chưa nghe thấy thủ phạm sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn bị xử lý hình sự. Đã đến lúc phải xem đây là một đại họa đối với xã hội và nhanh chóng tìm phương pháp đối phó hữu hiệu, nếu cần thì phải sửa chữa, bổ sung luật. Bởi lẽ, thực phẩm bẩn đang là mối đe dọa thực sự đối với sức khỏe của mỗi người dân.   

Trung Phương