Dãi nắng, coi chừng mắc bệnh

Nắng nóng và độ ẩm là hai yếu tố làm cho thân nhiệt tăng cao. Nắng càng gắt, thân nhiệt càng cao; độ ẩm càng cao, chúng ta càng cảm thấy nóng hơn, khó chịu hơn. Dãi nắng lâu, bạn có thể bị đỏ da, chuột rút, ngất, kiệt sức, say nắng.

15.6065

Nắng nóng và độ ẩm là hai yếu tố làm cho thân nhiệt tăng cao. Nắng càng gắt, thân nhiệt càng cao; độ ẩm càng cao, chúng ta càng cảm thấy nóng hơn, khó chịu hơn. Dãi nắng lâu, bạn có thể bị đỏ da, chuột rút, ngất, kiệt sức, say nắng.

Yếu thì đừng ra nắng   
 
Với một người khỏe mạnh, gặp khi trời nắng, phản ứng của cơ thể để giảm bớt thân nhiệt là: giãn nở mạch máu, máu dồn nhiều tới da để thoát nhiệt; các tuyến mồ hôi hoạt động mạnh, tiết ra nhiều mồ hôi để bay hơi làm giảm thân nhiệt. Những người sau đây được khuyên là “yếu thì đừng ra nắng”: người khỏe nhưng đã hoạt động lâu ngoài nắng, đã mất nhiều sức, đã đói, khát, yếu đi rồi, khi đó bạn hãy nghi ngơi, đừng tiếp tục làm việc ngoài nắng nữa; người bị sốt do nhiễm khuẩn; người đang dùng thuốc tâm thần, thuốc tim mạch, thuốc lợi tiểu…; người cao tuổi; người quá béo; người bị thiếu nước do tiêu chảy, do ra nhiều mồ hôi trước đó; người mắc bệnh ngoài da…   
 Cấp cứu người bị say nắng: chườm mát các vùng: nách, bẹn, cổ để hạ thân nhiệt nhanh.
Dãi nắng lâu sẽ mắc bệnh

Sơ cứu người bị say nắng

Gặp một người bị say nắng, chúng ta cần nhanh chóng cấp cứu hạ thân nhiệt cho nạn nhân bằng các việc làm sau đây: chuyển nạn nhân vào nơi râm mát, cởi bớt quần áo để cơ thể thoáng mát. Dùng khăn thấm nước mát lau hoặc phủ lên người nạn nhân. Dùng quạt tay hay quạt điện quạt vào người nạn nhân, chườm mát ở các vùng dễ thoát nhiệt như: nách, bẹn, cổ để hạ thân nhiệt nhanh. Cho nạn nhân uống nước mát, tốt nhất là dung dịch oresol để bù nước và chất điện giải cho nạn nhân. Không nên cho uống thuốc hạ nhiệt như paracetamol, aspirin vì không có tác dụng mà còn gây độc cho gan. Chuyển nạn nhân đến bệnh viện để điều trị. Khi vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.
Những ngày nắng to và độ ẩm cao, khả năng bay hơi của mồ hôi giảm, làm cho thân nhiệt tăng cao, nếu ở lâu ngoài nắng mà không có các biện pháp phòng tránh, bạn rất dễ mắc các bệnh sau đây.                                                                                                                      

Bỏng nắng hay ban đỏ da: da nổi mẩn đỏ, ngứa. Tuyến mồ hôi bị tắc, nở to rồi vỡ tạo ra những mụn nước nhỏ trên da. Nếu tiếp tục phơi nắng lâu hơn bạn sẽ bị viêm da, nhiễm độc.                                                                                                                                            

Chuột rút (hay vọp bẻ) thường xảy ra khi hoạt động mạnh ngoài trời nắng, đổ mồ hôi nhiều làm cho cơ thể vừa mất nước vừa mất muối. Các cơ bắp lớn như cơ bắp chân, cơ đùi, cơ bụng dễ bị chuột rút rất đau đớn.

Ngất xảy ra do thân nhiệt tăng, mồ hôi ra nhiều làm cho cơ thể  thiếu nước; đồng thời mạch máu ngoại vi giãn nở làm máu dồn ra ngoại biên, giảm lượng máu nuôi tim và não. Phơi nắng lâu như luyện tập quân sự, làm đồng, người già và những người thích nghi kém với khí hậu dễ bị ngất. Kiệt sức là tình trạng nặng hơn, do mất nước và mất muối bởi đổ nhiều mồ hôi. Biểu hiện gồm: nôn mửa, chóng mặt, tăng thân nhiệt. Kiệt sức do mất muối xảy ra khi dịch bị mất chỉ được bù bằng uống nước, không bù muối. Kiệt sức loại mất nước nguy hiểm hơn, tiến triển nhanh chóng đến tình trạng mất nước và say nóng. Nếu được điều trị kịp thời, cả hai trường hợp đều nhanh hồi phục. 

Xử lý: các trường hợp trên cần đưa ngay bệnh nhân vào nơi râm mát, chườm khăn lạnh lên da để hạ nhiệt, làm mát bằng quạt máy hay quạt tay. Cho bệnh nhân uống nhiều nước, tốt nhất là uống dung dịch oresol để bù cả nước điện giải, hoặc uống các loại nước chanh đường, nước trà đường… để vừa bồi phụ khối lượng tuần hoàn, vừa cung cấp năng lượng cho não và tim. Bỏng nắng làm giảm ngứa rát bằng cách thoa các loại kem chống dị ứng như flucinar, caladryl, panthenol và uống thuốc chống dị ứng như telfat, xyzal… Chuột rút dùng thuốc giảm đau, uống thuốc Canci-C để phòng chống các cơn chuột rút. Bệnh nhân bị ngất cần đặt ở tư thế nằm.

Ai dễ bị say nắng?

Say nắng và say nóng xảy ra khi một người ở trong môi trường nắng nóng quá lâu. Những trường hợp sau đây có nguy cơ say nắng cao: người cao tuổi, suy nhược cơ thể, người béo phì, trẻ em ngồi trong xe hơi đậu ngoài nắng, người uống nhiều rượu, người có bệnh tim, người đang dùng thuốc: chống dị ứng, thuốc ngủ... Dấu hiệu của bệnh say nắng gồm: đổ mồ hôi rất nhiều, sau đó lại ngưng không đổ mồ hôi nữa; thân nhiệt độ tăng cao có khi tới 410C, da nóng và khô; khó thở, tim đập nhanh, huyết áp tụt, bệnh nhân cáu kỉnh, gây gổ, có ảo giác nghe hay nhìn thấy các sự vật không có thật. Nếu nặng có thể bị tổn thương não, động kinh, liệt nửa người, hôn mê, tử vong.                                         

Biết chống nắng, không mắc bệnh

 

Do yêu cầu của sản xuất, người nông dân vẫn phải làm việc ngoài đồng; bộ đội, dân quân, học sinh vẫn phải tập luyện ngoài trời nắng; công nhân xây dựng vẫn phải thi công trên công trường… Vì không thể tránh ra ngoài nắng, nên chúng ta phải biết cách chống nắng sẽ không mắc bệnh. Trước hết các bạn cần hiểu rõ rằng: các bệnh do nắng nóng hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng các biện pháp chống nắng. Các biện pháp đó là: đối với người ít ra nắng, khi biết sẽ phải làm việc ngoài trời  nắng thì trước đó vài ngày cần tập ra nắng với thời gian tăng dần, chẳng hạn ngày đầu 15 phút, mỗi ngày sau tăng thêm 15 phút để cơ thể quen dần với nắng. Bạn cần chuẩn bị nước uống đầy đủ cho một buổi làm việc, tốt nhất là dung dịch oresol, nước chanh đường muối, nước trà đường, nước dừa, nước sấu, nước mơ hay nước khoáng… Mặc quần áo rộng rãi thoải mái, vải coton, sáng màu để tránh hấp thu nhiệt và thấm mồ hôi. Đầu đội nón mũ rộng vành, mắt đeo kính râm. Bôi kem chống nắng. Linh hoạt thay đổi thời gian làm việc: buổi sáng nên đi làm sớm, nghỉ sớm trước 11 giờ, buổi chiều nên đi làm muộn sau 15 giờ. Làm việc dưới nắng gắt, cứ khoảng 45 phút đến một giờ nên dừng tay vào bóng mát nghỉ ngơi uống nước khoảng 10 - 15 phút.  Bạn luôn nhớ: phải uống nhiều nước trước, trong và sau khi lao động, tập luyện, chứ đừng đợi tới khi khát mới uống. Không bao giờ làm việc quá sức ngoài trời nắng, khi cảm thấy hơi khó chịu hay mệt, bạn nên ngưng công việc ngay, vào chỗ bóng mát nghỉ ngơi uống nước cho khỏe rồi mới tiếp tục trở ra làm việc. Tránh uống nhiều nước chè đặc, cà phê, rượu, bia vì những thứ này rất lợi tiểu, làm cho cơ thể mất nhiều nước.

ThS.Nguyễn Hoàng Lan

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]