Dân đợi an cư, chủ đầu tư chờ đặc cách

GiadinhNet - Gần 1 năm sau vụ nhà số 51 Huỳnh Thúc Kháng (Đống Đa, Hà Nội) đổ sập, người dân mới được bố trí tạm cư tại khu đô thị Đại Kim, quận Hoàng Mai.

15.6051

Quang cảnh hiện trường vụ sập nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng (chụp ngày 31/3/2011). Ảnh: Việt Nguyễn.

Gần 1 năm rưỡi sau khi chủ đầu tư Handico 5 được UBND TP Hà Nội giao xây dựng lại trên nền đất này, tiến độ vẫn đang ở giai đoạn “xin ý kiến”. Vì thế mà, hàng chục hộ dân vẫn phải sống trong thấp thỏm, chưa biết ngày nào được an cư, lạc nghiệp.

Đi, ở đều khổ

Ngày 31/3/2011, nhà cao tầng đầu ngõ 49 Huỳnh Thúc Kháng bất ngờ đổ sập, quật mạnh vào bên sườn khu tập thể Tổng công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam ở số 51 khiến gần một nửa các căn hộ bỗng chốc thành đống đổ nát, phần còn lại tiềm ẩn nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Công trình 51 Huỳnh Thúc Kháng sau đó được đơn vị tư vấn Coninco xác định mức độ nguy hiểm của đơn nguyên 1 (có 19 hộ dân) ở cấp D, đơn nguyên 2 (23 hộ dân) nguy hiểm cấp B, được kiến nghị xây mới lại toàn bộ để đảm bảo an toàn.

Người dân phải ăn nhờ ở đậu khắp nơi vì đến tận ngày 1/3/2012, chính quyền địa phương và chủ đầu tư mới thực hiện việc di chuyển các hộ dân về nơi tạm cư tại nhà 9B KĐT Đại Kim, dù UBND TP Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo vấn đề này từ tháng 5/2011. So sánh với vụ cháy nhà tập thể C8 phường Chương Dương (Hoàn Kiếm) xảy ra hôm 26/8 (người dân gần như ngay lập tức được bố trí tạm cư tại nhà A2, Phú Thượng, Tây Hồ), có thể thấy việc “xử lý khủng hoảng”, chăm lo đời sống người dân ở vụ sập nhà 51 Huỳnh Thúc Kháng ở tốc độ “siêu rùa”. Và thực tế là, 19 hộ dân suốt từ ngày 31/3/2011 đến tháng 3/2012 phải “lang thang mấy chỗ, lúc thì ở nhà con gái, lúc thì về quê” như lời ông Nguyễn Hồng Long – Tổ trưởng tổ 109 phường Láng Hạ, chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng.

Ông Đặng Hồng Quang, từng sống tại phòng 302 của khu nhà bị sập cho biết, trong 19 hộ dân ở đơn nguyên 1, chỉ có 10 gia đình dời đến 9B Đại Kim đã nhận nhà tạm cư từ tháng 3 năm nay, có 5 gia đình nhận tiền để tự bố trí tạm cư, 4 gia đình không đi với lý do “bao giờ có phương án xây dựng rõ ràng thì đi”. Ông Quang, cựu cán bộ ngành Tài nguyên Môi trường chia sẻ: “Hơn một năm chúng tôi mới được bố trí tạm cư. Xuống đây ở cũng thấy rộng rãi, thoải mái, sinh hoạt cũng thuận lợi. Còn chuyện đi lại, làm ăn hay việc học hành của trẻ con thì cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Dù vậy, chúng tôi chưa an tâm được vì vẫn thấp thỏm cuộc sống tạm cư. Nhưng đến giờ này, vẫn chưa có phương án xây dựng cuối cùng”.

Tổ trưởng dân phố Nguyễn Hồng Long thì cho hay, các hộ dân nhận tiền để tự bố trí nơi ăn ở nay khổ sở quá lại đề nghị xin nhà tạm cư vì tiền hỗ trợ 3 triệu đồng/tháng không đủ thuê nhà. Đa số các gia đình không đi tạm cư tại khu đô thị Đại Kim ngay từ đầu phần lớn do vướng mắc công việc, con cái. “Chẳng gì bằng an cư cả. Hơn một năm nay chúng tôi quá khổ rồi. Dù ở Đại Kim nhưng chúng tôi vẫn là công dân ở phường Láng Hạ, vẫn làm mọi thủ tục hành chính, đóng góp nghĩa vụ tại đó”, ông Long nói.
 

Phần còn lại của công trình 51 Huỳnh Thúc Kháng sau vụ sập nhà ngày 31/3/2011.

 
Lại chuyện “cao, thấp”
 

“Tâm nguyện chung của bà con lúc này là mong Thành phố sớm có một quyết định dứt khoát về phương án xây dựng lại chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng để chúng tôi sớm lại có một ngôi nhà ổn định”, ông Nguyễn Hồng Long – Tổ trưởng tổ 109, chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng, phường Láng Hạ.

Các hộ dân đã được bố trí tạm cư và các hộ đang sống ở phần còn lại của chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng mấy hôm nay được nghe phong thanh rằng Công ty CP Đầu tư phát triển nhà 5 (Handico 5) xin thành phố cho xây cao ốc 17 tầng, trong đó sẽ giành khoảng 7 tầng cho các hộ về ở tái định cư (căn hộ mới có diện tích gấp rưỡi diện tích hợp pháp cũ, mà không phải trả tiền). Nhưng, mọi chuyện có vẻ không đơn giản như thế, dù người dân không quan tâm cao, thấp thế nào mà chỉ muốn sớm được an cư.

Tại công văn gửi UBND TP Hà Nội và Sở Xây dựng ngày 8/8, Giám đốc Handico 5 Trần Văn Can dẫn ý kiến của Sở Quy hoạch Kiến trúc hồi tháng 6/2012 cho rằng phương án xây dựng lại chung cư 51 Huỳnh Thúc Kháng cần được xem xét theo quy chế quản lý công trình cao tầng trong khu vực trung tâm thành phố, đề nghị Handico 5 cân nhắc phương án chỉ xây tòa nhà cao tối đa 8 tầng. Thế nên, chủ đầu tư này “kêu” với Thành phố: “Trong điều kiện quản lý quy hoạch kiến trúc như vậy, sau khi xem xét lại phương án kinh tế của Dự án với yêu cầu chỉ được phép xây dựng 8 tầng trong đó đã phải tái định cư hết 7 tầng, Handico 5 xét thấy không đủ chi phí bù đắp cho Dự án”.

Với một số lý do như “để thu hồi được nguồn vốn, có một phần lãi kinh doanh”, “đáp ứng được nguyện vọng của người dân sớm được trở lại nơi ở cũ”, “tuyến phố Huỳnh Thúc Kháng đã có một số công trình cao từ 17 đến 25 tầng”… lãnh đạo Handico 5 đã đề nghị UBND TP Hà Nội “đặc cách” cho xây dựng lại công trình 51 Huỳnh Thúc Kháng với chiều cao 17 tầng. Ý kiến của phía Handico được người dân mô tả là “cũng có cái lý của họ” đã tới tay Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi. Ông Khôi đã chỉ đạo các cơ quan liên quan “tổ chức nghiên cứu đề nghị của Handico 5”.

Mất gần 1 năm mới bố trí cho dân mất nhà được tạm cư, nên chưa thể biết khi nào các ngành chức năng về xây dựng, kiến trúc, quy hoạch mới giải quyết vướng mắc “8 tầng hay 17 tầng” ở 51 Huỳnh Thúc Kháng. Trong khi đó, theo ghi nhận ngày 30/8, phần còn lại của công trình này vẫn như ngàn cân treo sợi tóc với vài chiếc chống sắt tạm bợ, người dân thì vẫn vô tư sinh sống ở nửa còn lại của khu nhà với lủng lẳng ba lô, chuồng cọp, phía dưới là hàng rào bảo vệ và tấm biển “Khu vực nguy hiểm”.
 
Việt Nguyễn - Lê Minh

Báo Gia đình và Xã hội cập nhật tin tức trong ngày liên tục, mới nhất

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]