Dân khổ với làng nghề

Hơn chục năm qua, người dân tại 2 làng Linh Chiểu và Thượng Trạch (xã Triệu Sơn, H.Triệu Phong, Quảng Trị) chịu hết xiết vì ô nhiễm nước, không khí do các hộ làm nghề bún gây ra.

15.5878
Mùi hôi tanh tưởi bốc lên từ các mương nước là nỗi ám ảnh của người dân 2 làng Thượng Trạch và Linh Chiểu - Ảnh: Nguyễn Phúc

Làng nghề bốc mùi

Làng Linh Chiểu và Thượng Trạch lâu nay nổi tiếng về nghề làm bún truyền thống. Vào “thăm” 2 làng nghề này mới thông cảm cho sự bực bội mà dân làng phải chịu. Bởi chỉ cần bước qua cái cổng làng hoàng tráng, người ta đã nghe thấy cái mùi... là lạ. “Mùi lạ gì chứ, đó là mùi hôi thối. Cái mùi này chắc chỉ có ở làng Linh Chiểu và Thượng Trạch”, anh Nguyễn Ngọc Phong, người làng Linh Chiểu nói giọng chua chát. Tạt vào một tiệm tạp hóa ở đầu làng Linh Chiểu hỏi chuyện và như “gãi đúng chỗ ngứa”, chị Nguyễn Thị Hoa (40 tuổi, chủ quán) tố: “Ngay trước quán có 2 lò bún, ngày nào cũng thải nước và bốc mùi. Tôi buôn bán ngày càng ế ẩm vì ai thèm vào quán này mà ăn, mà uống. Họ làm bún, có thu nhập thì họ cắn răng chịu được. Chứ chúng tôi, con cái chúng tôi tại sao phải chịu khổ chịu cực thế này. Nói thật với anh, mùa nắng, gió nồm khô khốc thế này lại còn thêm cái mùi thối đó sộc vào mũi, người làng chúng tôi đố ai mà nâng chén cơm lên được”.

Trong khi người dân 2 làng ở Triệu Sơn đang khổ sở vì hôi thối hằng ngày thì chính quyền sở tại tỏ ra không lấy gì làm vội. Trao đổi với PV, ông Hồ Viết Hy, Chủ tịch UBND H.Triệu Phong cho biết: “Ô nhiễm ở đó tôi biết rồi, vốn liếng đang tắc, trở ngại như thế nào chị Thương nắm rất rõ. Tôi sẽ bảo chị ấy trả lời anh”. Dù được phân công phụ trách mảng tiểu thủ công nghiệp, làng nghề..., nhưng khi PV liên lạc bà Nguyễn Triều Thương, Phó chủ tịch huyện lại... tìm mọi cách né tránh.

Theo tìm hiểu của Thanh Niên thì nguyên liệu làm bún là gạo và bột sắn, nước thải của các lò bún chủ yếu là nước ngâm rửa 2 loại nguyên liệu này. Nghe qua tưởng đơn giản, nhưng các cơ sở làm bún đều không xử lý nước thải này trước khi xả thẳng ra mương của làng. Và thứ nước ấy ứ lại trong mương, hết ngày này qua ngày khác, kết tủa thành bọt bèo đen sì đặc quánh, nổi lềnh bềnh và bốc mùi tanh tưởi. Tình hình ngày càng nghiêm trọng khi trước đây người dân chỉ làm bún thủ công còn bây giờ làm bằng máy, có thể hoạt động liên tục và công suất đạt 6 tạ bún/ngày/máy, lượng nước thải ra ngoài cũng tăng chóng mặt. “Có 1 điều chua chát rằng nghề làm bún càng phát triển, dân làng tôi càng... khốn khổ. Chúng tôi đã chịu đựng nhiều năm và đã đi kêu cứu chừng ấy năm nhưng hôi vẫn hoàn hôi”, một người dân làng Thượng Trạch bày tỏ.

Ông Phan Vọng, Chủ tịch UBND xã Triệu Sơn thừa nhận tình trạng ô nhiễm do các cơ sở làm bún cho người dân 2 làng Thượng Trạch và Linh Chiểu là đáng quan ngại, kéo dài nhiều năm chưa thể giải quyết. “Cứ tính một hộ làm bún thì làm khổ 5 hộ lân cận, nhưng cả 2 làng này có đến 159 hộ bún, trong đó có 25 máy lớn. Các hộ này mỗi ngày thải ra ngoài từ 100 đến 200m3 nước thải. Trước đây, nhà nước có hỗ trợ các hộ này xây bể lắng, thậm chí các hộ này tự bỏ tiền tìm cách xử lý nước thải nhưng không ăn thua. Giờ nói chung là vẫn hôi chịu không nổi”, ông Vọng nói. Ông Vọng còn giải bày cái khó của chính quyền rằng: “Chúng tôi không thể cấm người dân làm bún vì họ cần mưu sinh. Chúng tôi không thể ép họ xây dựng hệ thống xử lý nước thải và không thể xử phạt họ về hành vi gây ô nhiễm môi trường vì biết họ... không có tiền. Nhưng nếu để mãi như thế này cũng không được, oan cho nhiều hộ dân còn lại quá”.

Đầu tiên là.... tiền đâu?

Qua trò chuyện, ông Vọng cho biết phần vì dân kêu dữ quá, phần vì thấy sự bức thiết trong thực tế hoạt động của nghề sản xuất bún tại địa phương, dự án xây dựng “Điểm công nghiệp làng nghề sản xuất bún làng Thượng Trạch” đã được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt gần 2 năm. Theo đó, dự án có tổng đầu tư gần 7 tỉ đồng này sẽ kéo toàn bộ gần 30 cơ sở sản xuất bún lớn trong làng Thượng Trạch về một khu đất, tách biệt với khu dân cư. “Chúng tôi rất mừng bởi dự án này sẽ giải quyết một cách dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trong làng nghề bởi khi được quy về một mối, nước thải của các cơ sở này sẽ dễ dàng được xử lý hơn. Vì thế nên xã đã trích quỹ đất để thực hiện dự án. Nhưng từ khi được phê duyệt đến nay, H.Triệu Phong mới bỏ ra 900 triệu đồng để... san ủi mặt bằng, làm đường bê tông. Năm nay HĐND tỉnh đã không đưa dự án này vào danh mục đầu tư nữa”, ông Vọng thở dài. Liên quan đến câu chuyện này, phía Sở TN-MT tỉnh Quảng Trị đã đưa 2 làng Linh Chiểu và Thượng Trạch vào danh mục ô nhiễm môi trường cần khắc phục của tỉnh. Còn Văn phòng chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục, cải thiện môi trường tỉnh Quảng Trị cũng đang lập dự án, tìm nguồn đầu tư... nhằm tìm lối thoát cho 2 làng nghề nhưng chưa có kết quả. Biết vậy nên ông Vọng thở dài: “Bây giờ thì phải chờ thôi. Nguồn địa phương không có, dân càng không. Không tiền... lấy gì triển khai”.

Nguyễn Phúc





0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]