Đàn trâu nuôi thả độc đáo trên núi Lang Biang

(Dân Việt) Buổi sáng, kỳ thực không có một con trâu nào thấp thoáng ở làng này, nhưng về chiều thì từng đàn trâu ở trong rừng lũ lượt kéo nhau về, bụng no căng. Có đến nơi đây mới tận mắt chứng kiến những điều kỳ thú về đàn trâu nuôi thả độc đáo này.

15.5995

Chúng tôi tìm về Xã Lát, huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) - là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Lạch, nằm ngay dưới chân núi Lang Biang hùng vĩ.

Núi Lang Biang cách thành phố Đà Lạt tầm 12 km, được ví như “nóc nhà” của xứ sở ngàn hoa, là điểm du lịch khá hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Vùng đất này yên bình với những đồi thông xanh thẫm, những vườn rau xanh non tươi tốt... và cả những câu chuyện thú vị trong những ngôi nhà gỗ bên đường của người dân nơi đây.

Đối với chúng tôi - những người lữ khách với sự tò mò vốn có của mình, muốn thả hồn trong không gian xanh mông mênh của đồi thông và những câu chuyện kể đầy bất ngờ, kỳ thú. Trong câu chuyện kể, chúng tôi ấn tượng nhất về đàn trâu nuôi thả độc đáo của đồng bào dân tộc Lạch dưới chân núi Lang Biang.

Con trâu là vật nuôi gắn bó với đồng bào dân tộc Lạch dưới chân núi Lang Biang. (Ảnh: Hoàng Lê)

Buổi sáng chúng tôi đến chân núi Lang Biang, sương mù dày đặc, không gian rộng lớn với cái lạnh se se của tiết trời mùa đông đặc trưng của cao nguyên. Kỳ thực trong làng không có bóng dáng một con trâu nào. Chúng tôi tìm gặp một dân tộc Lạch là anh Cil Sol để tìm hiểu những nét độc đáo về cuộc sống và phong tục của người dân sinh sống ở dưới chân núi này. “Đồng bào tôi làm nghề rẫy, buổi sáng chúng tôi đi làm rồi dắt trâu bò ra thả vào rừng, chiều đến chúng nó tự kéo nhau về rồi tách đàn, trở về với chủ”, anh Cil Sol cho biết.

Sinh ra ở một vùng quê miền Tây, con trâu cũng đã một thời gắn bó, nhưng tôi chưa từng biết được cách nuôi trâu độc đáo như lời của anh Cil Sol đã kể. Được biết, thời gian gần đây, đồng bào dân tộc Lạch đã phá bỏ ruộng lúa để làm nương rẫy trồng rau màu, cà phê, trồng hoa… Con trâu không được người dân trưng dụng để kéo cày như xưa nữa, gần như chúng được đem thả vào trong rừng để “tự sinh” trong các cánh rừng dưới chân núi. Nhưng lạ lùng thay, cả đàn trâu có đến hàng trăm con, vậy mà chúng không bị nhầm lẫn hay thất lạc. Mỗi một con đều có đặc điểm riêng để theo đàn và chúng thường được chủ nhân đặt cho những cái tên khá thú vị để dễ nhớ.

Cảnh đàn trâu lũ lượt kéo nhau về làng. (Ảnh: Hoàng Lê)

Anh Cil Sol cho biết, khi mới làm quen với cuộc sống trở lại rừng núi hoang dã, trâu, bò còn nhút nhát nên chưa dám đi xa. Thỉnh thoảng gia chủ chỉ việc tìm đến chỗ đàn trâu, rắc muối lên cỏ rồi cất tiếng gọi tên con đầu đàn. Vốn thích ăn mặn, nhớ hơi chủ và biết chủ gọi tên mình, con trâu lực lưỡng dẫn cả đàn đến ăn muối. Giai đoạn này, trâu còn thuần tính nên nếu muốn, gia chủ có thể dễ dàng lùa trâu về làng. Người Lạch luôn coi trọng chữ tín, chẳng bao giờ lấy trộm của nhau, các gia đình thường cho trâu nhập thành bầy rồi thả vào rừng sâu để tìm cây cỏ, thức ăn nơi cánh rừng, con suối.

Đang say sưa lắng nghe lời kể của Cil Sol thì đàn trâu làng bỗng lũ lượt kéo nhau về. Con nào con nấy bụng cứ no căng, cặp sừng cong vút, ánh mắt lộ vẻ dữ dằn như một bầy thú hoang đang chuẩn bị bước vào một trận chiến. Nhưng khi chủ nhân đến gần thì chúng lại trở về đúng bản tính của một vật nuôi hiền lành, dễ bảo, ngoan ngoãn.

Ngồi nhìn đàn trâu lũ lượt kéo nhau về ngôi làng dưới chân núi Lang Biang mới thấy được thêm một cách chăn nuôi thả độc đáo, mang đậm nét văn hoá của đồng bào dân tộc Lạch sinh sống ở nơi đây.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]