Trong buổi giám sát về thực hiện năm văn minh đô thị tại phường 12, quận 3 sáng qua (22-9), ông Nguyễn Văn Min - Phó ban Văn hóa-Xã hội cho rằng phường đã chưa làm tốt công tác xử phạt vi phạm hành chính. “Phường chỉ mới xử phạt buôn bán lấn chiếm lề đường, vỉa hè với số tiền phạt hơn 1,6 triệu đồng. Còn xử phạt trong vi phạm xả rác, đổ nước và tiểu tiện bừa bãi thì chưa thấy. Như vậy là do phường đã làm tốt rồi nên không cần phải phạt hay phạt không được?” - ông Minh chất vấn. Theo ông Nguyễn Phương Nam - Chủ tịch UBND phường 12, quận 3, các trường hợp tiểu tiện và đổ rác bừa bãi, phường chỉ mới lập biên bản chứ không phạt được. Ông Nam nói: “Hầu hết người vi phạm đều là dân vãng lai, họ quá nghèo nên không có tiền nộp phạt. Phường chỉ có thể buộc họ khắc phục bằng cách mang nước ra dội chỗ đã làm bậy”. Tuy nhiên, ông Tăng Cẩm Vinh - Phó ban Văn hóa-Xã hội không đồng tình với cách giải thích trên. Ông nói: “Không lẽ ai nghèo đi đường cũng tạt vô làm ẩu sao?”. Ông Nguyễn Hữu Sáu - tổ trưởng tổ 8, khu phố 1 dẫn chứng: “Cả hai đường chính của phường là Lê Văn Sĩ và bờ kè Thị Nghè không hề có một nhà vệ sinh công cộng nào thì làm sao mà xử phạt người ta? Không lẽ bắt người ta nhịn mà chết à?”. Lý giải cho việc cả phường không có một nhà vệ sinh công cộng nào, bà Nguyễn Thị Lợi - Chủ tịch UBMT TQ phường nói: “Mấy năm trước, phường cũng có nhà vệ sinh công cộng nhưng không có người quản lý nên trở thành mất vệ sinh. Nhiều khi dân nghiện còn lợi dụng vô nhà vệ sinh để chích. Hơn nữa, phường không làm nữa vì hầu hết người dân trong phường đều có ý thức tốt.”. Đáp lại, ông Vinh cho rằng: “Phường làm như vậy là chủ quan. Nhà vệ sinh công cộng đâu chỉ dành cho dân ở phường, nếu vậy người vãng lai có nhu cầu vệ sinh thì sao?”.

Tại buổi giám sát, nhiều người dân cũng cho rằng phường cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền và vận động. Bà Nguyễn Thị Thêm - tổ phó tổ 33, khu phố 3 dẫn một trường hợp điển hình: “Ở khu phố tôi có anh Mai Thúc Tuyền sáng nào cũng dậy sớm quét dọn sạch sẽ cả một con đường trước nhà. Tôi nghĩ những tấm gương như thế phường nên biểu dương và nhân rộng”. Bà Thêm cũng đề nghị cuộc vận động này không thể bỏ qua đối tượng là các em học sinh. “Tôi nhiều lần thấy các em vừa đi vừa uống nước, uống xong là quăng cái bịch ngay ra đường. Tôi kêu lại và hỏi mấy cháu có được học cách giữ vệ sinh môi trường không. Các cháu đáp “Có” rồi bỏ đi” - bà Thêm lưu ý.

Sau khi nghe các ý kiến, bà Nguyễn Thị Bạch Yến - Trưởng ban Văn hóa-Xã hội đã yêu cầu: “Phường cần phải lên đề mục các việc phường phải giải quyết. Có gì thì Hội đồng nhân dân TP sẽ giúp thêm. Không thể lấy lý do dân nghèo thì không xử phạt được...”.

THÙY LINH


Video đang được xem nhiều