Đánh bạc bệnh lí tâm lý dị thường

0

Hầu hết chúng ta đều tham gia trò đánh bạc may rủi vài lần. Tuy nhiên, với một vài người, đánh bạc trở nên một món nghiện và nó cũng gây nghiện như ma túy vậy. Mặc dù nó được xác định là một rối loạn xung năng trong DSM-IV-TR (APA 2000), đánh bạc bệnh lí được xem cùng thuật ngữ về hành vi như nghiện. Để chẩn đoán đánh bạc bệnh lí, ít nhất phải có 5 trong số các tiêu chuẩn dưới đây:

Mối bận tâm với đánh bạc.

Nhu cầu chơi đánh bạc với số tiền mỗi lúc một tăng để đạt được niềm vui thú mong muốn.

Luôn thất bại khi tìm cách kiểm soát hoặc ngưng không chơi nữa.

Sử dụng trò đánh bạc như một cách trốn chạy những vấn đề hoặc làm dịu đi những trạng thái tâm lí khó chịu.

Trở lại với đánh bạc sau mất mát trong hy vọng của "sự được mất".

Nói dối với các thành viên trong gia đình hoặc những người khác để giấu giếm chuyện đánh bạc.

 Có hành vi phạm pháp như gian trá, lừa lọc, trộm cắp để có thể tiếp tục chơi bạc.

Gây nguy hại hoặc đánh mất các mối quan hệ ý nghĩa.

Đánh bạc bệnh lí thường là điểm kết của sự thay đổi dần dần từ việc chơi cho vui, trong các mối quan hệ xã giao bạn bè, đến việc chơi thường xuyên hơn, sau đó thích thú, say sưa và cuối cùng là đánh bạc bệnh lí. Mỗi "bước" đòi hỏi sự đầu tư nhiều hơn về tâm trí cũng như tiền bạc cho đánh bạc đồng thời cũng làm tăng những vấn đề có liên quan. Một cuộc khảo sát được tiến hành bởi hội   GamCare (Anh) cho thấy 0,8% những người chơi đánh bạc người Anh có thể được xếp vào loại "chơi bạc có vấn đề": ít hơn Mỹ (1,1%), úc (2,3%) và Tây Ban Nha (1,4%).

Đánh bạc bệnh lí có thể kéo theo nguy hại hoặc mất đi một mối quan hệ ý nghĩa hoặc mất công việc. Khi họ không thể tăng số tiền đánh bạc thêm nữa, họ có thể lao đầu vào các hoạt động phạm pháp để xoay tiền: ước tính 60% những người nghiền đánh bạc bệnh lí có các hành vi phạm pháp để tiếp tục chơi bạc (Blaszczynski 1995). Điều này có thể có mối liên hệ với các rối loạn nhân cách như nhân cách chống đối xã hội, ái kỷ hoặc các rối loạn nhân cách ranh giới. Thêm nữa, có tới 30% những người nghiện đánh bạc bệnh lí có thể kèm với các vấn đề liên quan đến rượu. Mối quan hệ với rượu là quan trọng, vì uống rượu cùng với đánh bạc như là một chỉ báo nhân cách nghiện ngập. Khoảng 20% những người tham gia trị liệu đánh bạc bệnh lí có ý định tự sát (APA 1994).

Nguyên nhân đánh bạc bệnh lí

Yếu tố di truyền

Một vài nghiên cứu (ví dụ, Eisen và cs. 1998-99) tiến hành trên một số lượng lớn các cặp sinh đôi đã cho rằng tính dễ nhiễm chứng đánh bạc bệnh lí (nhiều người cho rằng do yếu tố di truyền) chiếm tỉ trọng khoảng 35% đến 54%. Một quá trình di truyền tiềm tàng là qua gen thụ thể dopamine D2 (Comings và cs. 1996). Một biến thể của gen thụ thể dopamine D2 là D2A1 được tìm thấy ở những người có chứng đánh bạc bệnh lí nhiều hơn so với nhóm người bình thường (Potenza 2001: xem mối quan hệ của nó với phụ thuộc rượu và ma túy).

Yếu tố sinh học

Một trong những yếu tố được xem như có liên quan tới đánh bạc là cái “thú” của thắng bạc hoặc gần thắng bạc, nó cũng tương đương với việc đạt được cái thú đó trong nghiện ma túy. Nhiều chất DTTK dường như gián tiếp cho câu trả lời này. Nồng độ dopamine tăng lên sau khi cá nhân thắng bạc (Shinohara và cs. 1999).  Nồng độ norepinephrine cũng được thấy trong những pha đánh bạc. Những điều này có thể ảnh hưởng đến sự vận hành cả trong não bộ và trong hệ thống thần kinh giao cảm. Trong những người chơi bạc cho vui, những quá trình hóa thần kinh thông thường diễn ra trong khi đang chơi bạc. ở những người nghiện bạc bệnh lí, những quá trình này xảy ra trước khi chơi bạc hoặc khi một đáp ứng có điệu kiện tương ứng với những kích thích liên quan đến đánh bạc (Sharpe và cs. 1995). Như vậy có những bằng chứng cho thấy nồng độ endophin có thể tăng trong khi chơi đánh bạc, mặc dù vẫn cần nhiều bằng chứng hơn để chứng minh cho điều này (Shinohara và cs. 1999).

Yếu tố văn hóa - xã hội

Nói chung, những cơ hội cho việc chơi đánh bạc cho vui cũng như dẫn đến bệnh lí là đều rất cao. Ví dụ, Ladouceur và cs. (1999) thấy rằng khả năng được (phép) chơi bạc ở nhiều nước khác nhau ngày càng tăng lên theo thời gian và tỉ lệ người chơi bạc bệnh lí cũng tăng lên. ở úc, Uỷ ban năng xuất (Productivity Commission) (1999) đã đánh giá tình hình đánh bạc ở nhiều bang khác nhau và thấy có sự khác biệt nhỏ trong những mức độ phí tổn liên quan đến đánh bạc và việc quá mê chơi đánh bạc như một hậu quả của những khác biệt đáng kể. Một ngoại trừ là chơi với máy. Trong trường hợp này,cơ hội chơi càng cao thì tỉ tệ những vấn đề liên quan đến đánh bạc cũng càng cao. Những dữ liệu này dẫn Uỷ ban đến nhận định rằng nếu cơ hội đánh bạc với máy ở những bang bị hạn chế, được tự do như những bang khác thì những người chơi có vấn đề ở những bang này có thể tăng lên đến 110%. ở anh, mặc dù có một vài lo lắng, việc đưa ra xổ số quốc gia vào năm 1994 không làm tăng thêm các vấn đề liên quan đến đánh bạc. Một cuộc khảo sát năm 1998 của GamCare cho thấy 65% dân số Anh đã chơi xổ số trong năm trước đó, và cũng trong thời gian đó gần 90% người lớn ở Thụy Điển và Niu Dilân đã chơi xổ số.

Yếu tố tâm lí

Xung năng:

Những cấp độ cao của xung năng trong thời thơ ấu, mà rõ ràng nhất là rối loạn tăng động giảm chú ý - ADHD (xem chương 13), có thể là một yếu tố nguy cơ cho chứng đánh bạc bệnh lí. Carlton và Manowicz (1994) đã chỉ ra rằng những người lớn nghiện đánh bạc bệnh lí có tỉ lệ mắc ADHD khi còn nhỏ cao hơn so với trẻ em bình thường. Những nghiên cứu lâu dài về sau đã ủng hộ bằng chứng trước đó này. Vitaro và cs. (1999) đã kiểm tra độ

mạnh dự báo của 4 thước đo của xung năng trong độ tuổi 13-14: sự phân loại của giáo viên, tự báo cáo; kết quả chơi bài và "kìm chế làm việc thích thú". Sau đó, năm 17 tuổi, nhóm đối khách thể được khảo sát về đánh bạc. Trong số các yếu tố đã được khảo sát, 2 yếu tố mang tính dự báo cao là ngồi/chơi dai trang đánh bài và không có khả năng trì hoãn làm việc thích thú. Những phát hiện này được xem như chỉ báo của xu hướng phản ứng quá mức với những kết quả tích cực (thắng bạc), của xu hướng yêu cầu sự củng cố tức thì và không cảm  nhận được những hậu quả tiêu cực: những đặc trưng của người nghiền đánh bạc bệnh lí. Sharpe (2002) cho rằng chưa thể khẳng định được đây là do nguyên nhân sinh học hay do những yếu tố môi trường.

Lịch sử học tập:

Cũng như với các chứng nghiện khác, điều kiện hóa quan sát được và điều kiện hóa kinh điển cũng cũng đã được dùng để giải thích hành vi đánh bạc. Những mô hình đánh bạc lúc ban đầu cho rằng đánh bạc về bản chất được duy trì bởi sự củng cố không liên tục - thuộc cả về sinh học và kinh tế - vốn có trong đánh bạc. Việc thua bạc sẽ được duy trì liên tục trong hi vọng sẽ gặp vận may trong những lần sau. Những kế hoạch củng cố đa dạng và gián đoạn dẫn đến sự tập nhiễm nhanh chóng về hành vi và giúp nó chống lại sự dập tắt. Sharpe (2002) đã cho rằng trong khi những điều này chắc chắn góp phần vào việc đánh bạc thông thường, ở đó việc thua đáng kể và liên tục không dẫn đến việc chấm dứt chơi bài. Sharpe (2002) cũng cho rằng một khoản lương hậu hĩnh và đặc biệt là sớm "quả đậm" trong sự nghiệp đánh bạc sẽ thiết lập và duy trì một thói chơi bài bệnh lí. Những điều này có lẽ bóp méo những hi vọng về kết quả của đánh bạc và củng cố cho những mất mát bằng việc mong chờ vào những cú thắng đậm trong tương lai.

Quá trình nhận thức:

Những quá trình nhận thức khác nhau đã kích động và duy trì việc đánh bạc. Thái độ ủng hộ thói đánh bạc hướng đến việc tham gia vào các hoạt động chơi bài nhưng lại không duy trì hoạt động đó (Sharpe 2002). Những dạng khác của tự nói chuyện nhận thức (cognitive self-talk) có thể lại giữ vị trí quan trọng trong thời gian này. Delffabro và Winefield (1999) đã phát hiện ra rằng 75% nhận thức liên quan đến các trò chơi trong thời gian đánh bạc là vô lí về bản chất và là yếu tố ủng hộ cho việc tiếp tục chơi bài. Những suy nghĩ như thế có thể kích thích xung năng, sự mất mát và thậm chí làm cho cá nhân tin vào số mệnh. Kiểu hình tự nói chuyện này cũng có thể kích thích duy trì chơi: nhiều nghiên cứu (ví dụ, Sharpe và cs. 1995) đã thấy được mối quan hệ giữa tần xuất của những phát biểu bằng lời nói vô lí và mức độ kích thích.

Cảm xúc tiêu cực:

Tâm trạng kém vui hoặc lo âu cũng là một trong những nguyên nhân đánh bạc ở một số người đánh bạc bệnh lí. Dickerson và cs. (1996) thông báo rằng 9% trong mẫu nghiên cứu những người đánh bạc thường xuyên, đánh bạc để trốn khỏi cảm giác trầm buồn; 30% lại chơi bài sau một "ngày hụt hẫng". Cảm giác khó chịu có thể dẫn đến việc đánh bạc thường xuyên sau những mất mát. Để giải thích cho hiện tượng này, Dickerson và Baron (2000) cho rằng tâm trạng trầm buồn có thể giảm nhận thức về khả năng kiểm soát trò đánh bạc và vì thế giảm cố gắng bớt chơi bài ngay cả khi thua.

Mô hình tâm sinh xã hội của đánh bạc

Những phát hiện đa dạng này góp phần vào mô hình tâm - sinh - xã hội của đánh bạc của Sharpe (2002). Sharpe đã cho rằng điều này có thể bao gồm 3 yếu tố nguy cơ:

Tính có thể bị tổn thương về mặt sinh học bao gồm những hệ thống dopaminergic và serotinergic.

Thái độ của gia đình ủng hộ việc chơi bài.

Mức độ cao của xung năng.

Những yếu tố này có thể làm cho những người tương đối trẻ nhưng đã có nhiều kinh nghiệm đánh bạc. Trong những trường hợp này, cá nhân được xã hội hóa vào văn hóa đánh bạc. Thắng sớm cũng có thể củng cố việc chơi bài và bóp méo niềm tin cũng như thái độ về việc đó. Người chơi sẽ dành chú ý cho những trận thắng nhiều hơn thua. Cùng thời gian đó, về mặt sinh học, các nhân có thể được kích thích và cảm thấy dễ chịu khi chơi. Tất cả những yếu tố này đều nhằm duy trì hứng thú. Khi sự nghiệp chơi bạc phát triển, từng pha một có thể được khởi động bằng hi vọng tránh stress, giảm đi nỗi buồn hoặc cải thiện tâm trạng. Đánh bạc được dùng nhằm tăng kích thích và là một phương tiện chạy trốn thực tại. Một khi đã chơi, những định kiến trong nhận thức và kích thích đã được trải nghiệm sẽ duy trì hành vi đánh bạc dù thắng hay thua.

Trị liệu chứng đánh bạc bệnh lí

Có rất ít những đánh giá bằng thực nghiệm về việc trị liệu chứng đánh bạc bệnh lí, mặc dù rõ ràng là những phương pháp điều trị cũng có tác dụng khích lệ động viên. Những chương trình tự giúp mình, dạng như chương trình 12 bước của Hội những người không chơi bạc đã đạt được tỉ lệ thôi chơi hoàn toàn là 8% trong 1 năm và 7% trong 2 năm (Steward và Brown 1988). Những can thiệp chính thức hơn cũng thành công trong việc duy trì thôi chơi bài trong vòng 1 năm của tới 55% những người tham gia trị liệu.

Tiếp cận hành vi

Một trong những nghiên cứu trị liệu sớm nhất (McConaghy và cs. 1983) đã so sánh hiệu quả của trị liệu gây phản cảm và giải mẫn cảm tưởng tượng. Trị liệu gây phản cảm yêu cầu những người tham gia đọc to những từ trong những thẻ đã được chuẩn bị trước, một vài từ liên quan đến hoạt động đánh bạc, một số khác mô tả những hoạt động khác như "đi thẳng về nhà". Mỗi khi họ đọc to một câu có liên quan đến đánh bạc, họ sẽ bị một sốc điện nhẹ khoảng 2 giây - được tả như "không dễ chịu nhưng không gây cảm giác trầm buồn" (McConaghy và cs. 1983:367). Giải mẫn cảm tưởng tượng yêu cầu những người tham gia cùng lúc hình dung ra thật nhiều cảnh tượng khác nhau liên quan đến đánh bạc khi đang sử dụng biện pháp thư giãn để giảm sức hấp dẫn của trò đánh bạc. Cách tiếp cận giải mẫn cảm này chứng tỏ hiệu quả cao nhất trong việc kiềm chế ham muốn mạnh mẽ và kiểm soát việc chơi đánh bạc trong một năm theo dõi sau trị liệu. Theo dõi trong một thời gian dài, từ 2 đến 9 năm sau khi kết thúc trị liệu, cho thấy 79% những người đã tham gia chương trình trị liệu giải mẫn cảm đã kiểm soát được, thậm chí ngừng chơi bài. Chỉ có 50% ở nhóm trị liệu gây phản cảm có được kết quả như thế (McConaghy và cs. 1991).

Tiếp cận hành vi nhận thức

Một số nghiên cứu cho thấy kết quả tích cực của trị liệu hành vi nhận thức. Ladouceur và cs. (2001) đã phân chia một cách ngẫu nhiên những người nghiện đánh bạc bệnh lí vào nhóm trị liệu nhận thức hoặc nhóm đối chứng trong danh sách chờ. Can thiệp nhận thức bao gồm 2 thành tố. Thứ nhất là điều chỉnh nhận thức, ở đó nhận thức về tính ngẫu nhiên của cá nhân  đựơc đưa ra phân tích. Điều này bao gồm cả yếu tố giáo dục về bản chất của sự ngẫu nhiên và chỉ ra những nhận thức sai lầm khi đánh bạc. Điều này có thể đạt được bằng cách ghi băng lời nói ("... nếu tôi thua 4 lần trong một hàng, tôi chắc chắn sẽ thắng ở lần tiếp theo...") diễn ra trong lúc người tham gia đang tưởng tượng ra cuộc đánh bạc, tiếp sau đó nhà trị liệu sẽ cố gắng "chỉnh sửa" những nhận thức sai lầm đó trong thời gian trị liệu. Thành tố thứ hai bao gồm việc rèn luyện ngăn ngừa đánh bạc trở lại. ở đó, những người tham gia xác định những tình huống nguy cơ cao và lên kế hoạch làm sao để đương đầu với những tình huống đó. Can thiệp này rất thành công: trong số 54% những người tham gia, ít nhất cũng có tới 50% giảm tần xuất chơi bài, nhận thức và kiểm soát được hành vi đánh bạc, so với 7% những người ở nhóm đối chứng. Thêm nữa, 85% những người tham gia chương trình điều trị so với chỉ có 14% thuộc nhóm đối chứng đạt được 50% sự tiến bộ trên ít nhất ở 3 trong tổng số 4 phép đo. Những tiến bộ này nói chung được duy trì trong 6 đến 12 tháng theo dõi sau trị liệu.

Trị liệu dược lí

Mới chỉ có một số đánh giá về trị liệu bằng thuốc trong điều trị chứng đánh bạc bệnh lí. Một trong số đó là của Hollander và cs. (2000). Các tác giả đã đánh giá hiệu quả của fluvoxamine, một SSRI, trong một nghiên cứu qui mô nhỏ bao gồm 15 người. Họ đều được điều trị lần đầu bằng placebo trước khi tham gia vào khóa trị liệu 8 tuần. Chỉ có 10 người hoàn thành nghiên cứu, nhưng thuốc đã cho thấy tác dụng làm giảm đáng kể hành vi và ham muốn đánh bạc so với điều trị bằng placebo trước đó. Rõ ràng là chúng ta cần có nhiều thử nghiệm hơn trước khi có bất kỳ một kết luận chắc chắn nào về hiệu quả của điều trị bằng thuốc.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]