Dành cho các nhà làm phim ngắn (Bài 3)

(TT&VH Cuối tuần) - Những người viết văn và viết báo có lẽ đã quen với quy trình bị/phải cắt gọt bớt tác phẩm của mình cho cô đọng. Làm phim ngắn cũng thường gặp trường hợp tương tự, nhưng cái khó nhất của làm phim ngắn thực ra là: Tuy làm phim ngắn, nhưng phải đảm bảo các yếu tố quy trình sản xuất và chất lượng cũng như các thành phần liên quan gần như phim dài.

0

Ở Việt Nam, các nhà làm phim nghiệp dư đôi khi không quan tâm hay hoàn toàn không biết về việc này, vì vậy có những tác phẩm bị hỏng về một mặt nào đó. Ngô nghê về ý tưởng hoặc cố gồng lên cho có vẻ thâm thúy, quan trọng. Sai rắc co. Âm thanh dở vì tạp âm hoặc lồng nhạc không mục đích từ đầu đến cuối ngoài một mục đích duy nhất là để... che tạp âm. Diễn xuất kịch, gượng gạo. Dựng phim thô sơ và thiếu sáng tạo. Thiếu toàn bộ các sản phẩm phục vụ quảng bá như hình ảnh tĩnh trong phim, hiện trường làm phim, poster phim,...

Tuy nhiên, ngay cả các sinh viên trường điện ảnh hay các nhà làm phim tạm gọi là chuyên nghiệp cũng mắc những lỗi cơ bản làm ảnh hưởng đến việc phát hành bộ phim của họ. Một vấn nạn chung của nhiều phim ngắn Việt Nam là vấn đề bản quyền âm nhạc. Việc dùng âm nhạc không có bản quyền là một trở ngại lớn cho việc tham dự các liên hoan phim và phát hành tại các kênh chính thức như truyền hình, băng đĩa. Điều nhiều người không biết là đơn giản như phổ biến phim trên các trang chia sẻ video như Youtube cũng rất hay bị chặn khi người xem truy cập từ các nước có luật lệ chặt chẽ về bản quyền như tại Tây Âu chẳng hạn. Ý thức về bản quyền là thứ khá xa lạ với hầu hết người dân Việt Nam, nhưng ngay cả những người làm nghệ thuật và đời sống của họ được đảm bảo bởi chính sự quy củ của luật bản quyền cũng không hề quan tâm đến vấn đề này hoặc có biết mà làm ngơ. Thậm chí, khi phạm lỗi bản quyền và được đề nghị thay âm nhạc để có thể phát hành, một số nhà làm phim còn không muốn vì họ quá phụ thuộc vào phần âm nhạc đã chọn, cho rằng âm nhạc nâng phim lên và nếu bỏ nó đi thì phim kém mất giá trị. Giá như họ hiểu điều đó ngay từ đầu, suy nghĩ kỹ càng và làm việc bài bản hơn thì tốt biết mấy.

Để đến được với quốc tế, một nguyên tắc gần như bắt buộc của mọi bộ phim là phải có phụ đề tiếng Anh. Các bạn trẻ làm phim tuy đã chú ý đến chuyện này hơn trước, tuy nhiên chất lượng phụ đề còn rất thấp. Từ việc dịch sai, dịch kiểu bồi, đến việc gắn phụ đề vào phim sao cho hợp lý, sử dụng phông chữ nào, cỡ chữ bao nhiêu... cũng vẫn còn là vấn đề nan giải.

Tuy còn nhiều bất cập, các nhà làm phim ngắn Việt Nam hiện đang nhận thấy đây chính là mảnh đất màu mỡ mà họ có thể tự do sáng tạo và hào hứng cập nhật kiến thức cũng như liên kết, chia sẻ với cộng đồng để cùng nhau phát triển. Dù khó đến mấy, phim ngắn cũng là cách ngắn nhất để trở thành nhà làm phim và đương nhiên là dễ hơn làm... phim dài.

Bài kết: Mốt đang sốt?

Mạnh Cường Vũ
(Giám đốc Tiệc phim ngắn trực tuyến YxineFF)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]