'Dành cho tháng Sáu' - hoài niệm về tuổi học trò

Bộ phim độc lập đầu tay của đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Tuấn đem đến những cảm xúc nhẹ nhàng, trong trẻo, gợi nhớ về một thời cấp ba hồn nhiên, về mối tình đầu đầy xao xuyến.

15.578

Trong những năm gần đây, xu hướng làm phim độc lập tại Việt Nam nở rộ. Ngày càng có nhiều nhà làm phim trẻ đi làm điện ảnh và muốn tự kể những câu chuyện theo phong cách riêng của mình. Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn (sinh năm 1984) vốn là một sinh viên theo học kiến trúc chuyển sang làm phim vì đam mê. Lựa chọn đề tài thể thao - học đường cho bộ phim truyện đầu tay, anh hoàn toàn tự bỏ kinh phí cho Dành cho tháng Sáu. Phim được quay bằng máy ảnh Canon 5D Mark II với đội ngũ làm phim đều có tuổi đời rất trẻ.

*

* Trailer "Dành cho tháng Sáu"

Dành cho tháng Sáu xoay quanh câu chuyện về ba người bạn học cùng lớp phổ thông - Kiên (Huỳnh Anh), Minh (Thiên Tú) và Hoàng (Quốc Trung). Cả ba cùng tham gia đội bóng rổ của trường - Kiên là đội trưởng tài năng, Minh là người quản lý đội còn Hoàng là thành viên. Kiên thầm thương trộm nhớ Minh nhưng không dám nói ra. Trước thềm một giải đấu quan trọng, Kiên lấy hết can đảm để bày tỏ tình cảm nhưng bị Minh từ chối thẳng thừng mà không nói lý do.

Thất vọng, Kiên đột ngột bỏ về quê để lại cả đội bóng phải đối mặt với khó khăn. Để cứu vãn tình hình, Hoàng và Minh quyết định lên đường tìm Kiên và cũng là tìm câu trả lời cho câu hỏi mà họ đã né tránh bao lâu nay. Hai người cố gắng thuyết phục “ngôi sao bóng rổ” của đội trở về trước khi trận đấu quan trọng diễn ra. Chuyến đi về quê tìm Kiên trở thành cuộc hành trình đi đến trưởng thành trong suy nghĩ của ba người bạn…

Huỳnh Anh đóng vai chàng trai siêu bóng rổ trong "Dành cho tháng Sáu". Ảnh: June.

Những trận bóng rổ là một điểm nhấn quan trọng trong Dành cho tháng Sáu. Các buổi tập luyện, đấu giao hữu hay trận đấu giải quan trọng đều mang không khí rất sôi động, hừng hực sức trẻ và đẹp mắt. Các góc quay đều phô diễn được những chi tiết kỹ thuật của bộ môn này. Đặc biệt, phần bình luận trận đấu khá duyên, tạo cho phim sắc màu hài hước. Những trận bóng rổ cũng mang đến “tinh thần thể thao”, lôi cuốn sự tập trung của người xem và tạo cảm giác như đang theo dõi trực tiếp ở nhà thi đấu.

Đằng sau không khí sôi sục, náo nhiệt của bộ môn bóng rổ, phim kể một câu chuyện thuần khiết, tinh khôi về những cảm xúc của tuổi học trò - lứa tuổi mà tâm lý rất phức tạp, khó nắm bắt. Những giọt mồ hôi vì niềm say mê bóng rổ, những nụ cười trong treo, những chiếc xe đạp trên hè phố và cả sự thất vọng, bức bối khi tình yêu bị từ chối… đều mang lại một cảm giác gần gũi mà gần như ai cũng từng trải qua khi còn ở thời áo trắng.

Kiên có tình cảm với Minh nhưng khi đang háo hức chờ đợi sự đáp lại thì một lời từ chối khiến cậu có cảm giác đau điếng, muốn từ bỏ mọi thứ để trở về miền quê yên bình… Đó là tâm lý chung của rất nhiều cậu con trai trong lứa tuổi cấp ba còn nhiều ngô nghê, bồng bột. Còn với Minh, cô gái cá tính luôn thân thiết với hội con trai và chưa bao giờ nghĩ đến việc cậu bạn thân thích mình, cũng thật khó xử khi đưa ra câu trả lời ở tình huống quá bất ngờ này. Xung đột tâm lý này đã làm nên một chuyến đi trưởng thành cho các nhân vật.

Dành cho tháng Sáu được quay tại trường PTTH Phan Đình Phùng, một trong những ngôi trường cổ kính ở Hà Nội, cùng nhiều địa điểm đẹp khác như khu đô thị Linh Đàm, bến xe Mỹ Đình, công viên Bách Thảo, Lăng Bác, Hồ Tây, sân bóng Đại học Y, các khu tập thể cũ kỹ… Những hình ảnh này gợi cho người xem một Hà Nội nên thơ, hiền hòa trong những ngày đầu hè - khi những cô cậu học sinh bắt đầu bước vào kỳ nghỉ với nhiều háo hức, mong chờ. Từng khuôn hình đều đọng lại một sự rung động, xao xuyến khi người xem được thấy những địa điểm thân quen nơi mình sống hoặc mình từng đến xuất hiện trên màn ảnh rộng.

Diễn xuất của Quốc Trung và Thiên Tú để lại nhiều ấn tượng. Ảnh: June.

Ngoài ra, phim còn quay ở Thái Nguyên với những đồng cỏ xanh mướt yên bình. Trang phục rực rỡ màu sắc của các nhân vật khi hòa chung với bối cảnh thiên nhiên cũng tạo nên những hình ảnh mượt mà, bắt mắt và đủ để khiến người xem phải trầm trồ ở những cảnh quay toàn.

Phần âm nhạc của nhà soạn nhạc người Pháp Guillaume Vetu cùng các giai điệu Rock đến từ Re-Cycle, Smallfire, K.O.P, Gạt Tàn Đầy giúp cho đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn kể câu chuyện của mình một cách trọn vẹn hơn. Dành cho tháng Sáu sử dụng rất nhiều nhạc và là nhân tố quan trọng dẫn dắt những cung bậc cảm xúc của người xem. Bên cạnh những ca khúc được lồng ghép rất phù hợp với hoàn cảnh trong phim như Vượt qua, Tháng Sáu (Re-Cycle); Em về giữa mênh mông đất trời (K.O.P.) thì những giai điệu vu vơ mang âm hưởng đồng quê khi các nhân vật đến Thái Nguyên là một điểm rất đặc sắc của phim.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn lựa chọn phần lớn là diễn viên trẻ và mới. Huỳnh Anh vẫn đưa nguyên vẻ “công tử bột” từ ngoài đời lên phim và tận dụng tối đa nụ cười tươi. Đây là vai chính điện ảnh đầu tiên của anh (trước cả Thiên sứ… 99) nên diễn xuất ở nhiều đoạn vẫn còn khá gượng gạo. Tuy nhiên, nhân vật Kiên cũng không đòi hỏi nhiều hơn những gì Huỳnh Anh đã thể hiện trên màn ảnh.

Sau những vai diễn có phần “nặng” trong hai phim Áo lụa Hà ĐôngHuyền thoại bất tử, Thiên Tú trở lại với hình ảnh trẻ trung hơn, nhẹ nhõm hơn ở Dành cho tháng Sáu. Ngoại hình không xinh xắn, nổi bật như những hot girl hiện đại khiến các cậu bạn cùng lớp xao xuyến nhưng diễn xuất của Thiên Tú khi vào vai Minh lại rất thuyết phục và tạo được cho nhân vật này một nét duyên thầm. Trong khi đó, Quốc Trung (vai Hoàng) lại là người tạo nên nhiều tiếng cười nhất cho bộ phim. Với phần thể hiện rất vô tư, diễn như không diễn, đài từ tự nhiên, có thể nói Quốc Trung là người tỏa sáng nhất trên màn ảnh trong ba diễn viên chính.  

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn chia sẻ: “Trong bộ phim này, tình yêu của tuổi thiếu niên là một cảm xúc sâu sắc, tinh tế. Tôi nghĩ nó rất đáng được tôn trọng và nâng niu. Quan trọng hơn, tôi cho rằng tình yêu đầu đời là cơ hội để trải nghiệm trong tâm hồn của các bạn trẻ, dạy cho họ đối diện với những trắc trở, dạy họ biết sống có trách nhiệm với bản thân và mọi người xung quanh. Qua đó, những thiếu niên sẽ trưởng thành”. Thông điệp này thể hiện rất nhẹ nhàng, tiết chế trong phim. Sau rất nhiều những bộ phim teen bị coi là phản ánh không chân thực, màu mè, cuối cùng điện ảnh Việt Nam cũng đã có được một tác phẩm về học trò thực sự thuần khiết và gần gũi.

Một cảnh quay đẹp và trong trẻo trong "Dành cho tháng Sáu". Ảnh: June.

Nếu ví bộ phim như một học sinh thì Dành cho tháng Sáu là một học sinh ngoan, năng nổ dù vẫn hơi hiền, có chăng là cần một chút quậy phá, nghịch ngợm hơn nữa. Tuy nhiên, điều mà bộ phim đem tới cho người xem chính là sự trong lành, tinh khôi của lứa tuổi học trò. Khi xem, chắc hẳn nhiều người sẽ cảm thấy một nỗi nhớ da diết. Nhớ về những năm tháng mặc đồng phục ngồi trong lớp nhìn vu vơ ra những tia nắng bên ngoài khe cửa, nhớ những sân trường tràn ngập tiếng cười và nhớ cả tình yêu đầu đời trong sáng, ngây thơ.

“Một ngày dừng bước, giấu nắng lên hàng cây. Từng vệt rơi xuống, chia đôi con đường. Nhìn những năm tháng đi qua cuộc đời ta. Từ giã phút giây ngây ngô trang vở trắng, giọt nước ấm trên bàn tay. Cười nhé, chia tay vào ngày mai…” (trích lời ca khúc Tháng Sáu của nhóm Re-Cycle). Mùa hè là mùa chia tay, nhưng cũng là mùa gợi lại những hoài niệm của thời ấu thơ. Dành cho tháng Sáu giống như một cơn gió mát đến bất chợt và thổi về ký ức đẹp đẽ của những tháng ngày tuổi trẻ mà ai cũng muốn được trải nghiệm thêm lần nữa.

Phim khởi chiếu trên toàn quốc từ ngày 18/5. Đây cũng là một trong những bộ phim đầu tiên của Việt Nam có sản phẩm ăn theo phim (Merchandise) như nước ngoài. Trong ngày khởi chiếu, 20 khán giả đầu tiên của Dành cho tháng Sáu tại các rạp ở cả nước sẽ được tặng mỗi người một chiếc áo phông từ bộ phim.

* Đánh giá của VnExpress:
7.5/10

* Đánh giá của độc giả:

Nguyên Minh

 
 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]