Đặt tên nước ngoài - "căn bệnh dễ lây nhiễm"

Dân trí Người Việt 100%, không thân thích nội ngoại gì với người nước ngoài, cũng chẳng phải Việt kiều gì mà nhiều người cứ thi nhau đặt cho mình những cái tên 'tây tây". Thật là khó hiểu cho cái thứ mốt lạ lùng này.

0
Gần đây, có một tình trạng khiến nhiều người cảm thấy khá chướng mắt, đó là khi phải nghe những cái tên của người Việt lại kèm với những cụm từ chẳng ăn nhập gì, tạo thành một thứ tên lai căng, có phần "quái dị". Đứng đầu "trào lưu" này phải kể đến giới nghệ sỹ. Dư luận cũng đã lên tiếng phê phán, nhưng xem ra nó đã trở thành một "căn bệnh dễ lây nhiễm" nên không có xu hướng giảm.
 
Nghệ sĩ thì ai cũng biết cái tên của họ sẽ được nhiều người biết đến, sẽ được xướng lên trong những buổi biểu diễn hàng nghìn người, những chương trình truyền hình đông khách. Vì thế, một cái tên thật “oách” , thật “kêu”, thậm chí thật “quái” được một số ca sỹ mới nổi hoặc đang muốn nổi lựa chọn.
 

Có thể dễ dàng thấy những cái tên lai căng nhan nhản trên các trang mạng xã hội.

 

Nếu như trước kia, người nghe thường được nghe đến bội thực những cái tên đầy vẻ kiếm hiệp, được ghép bởi những từ rất vang nhưng họp lại thì thành một tổ hợp hổ lốn mà may ra chỉ có ca sỹ sở hữu nó mới hiểu được. Thì nay để "trả lại sự trong sáng cho tiếng Việt" hay thật ra là "đổi mốt", một số nhân vật trong làng giải trí chọn cách lấy tên thật ghép với một cụm na ná tiếng Tây. Ví như: Maria Lan, Elly Nguyễn hay Nhung Baby...

 

Mà khi nghệ sỹ hay còn gọi là người của công chúng tiên phong mở màn một trào lưu nào, thì y như rằng chỉ một thời gian ngắn sau đó sẽ có hàng tá fan hâm mộ bắt chước theo. Trên mạng xã hội, chẳng hạn như Facebook, vào danh sách bạn bè của bất kỳ bạn tuổi teen nào, ta cũng phải gặp những tên kiểu này.

Vậy thì, nguyên nhân từ đâu ? Chẳng có gì khó trả lời. Nó là cơn sốt sính ngoại. Khi mà văn hóa Anh- Mỹ, Nhật, Hàn tràn vào nước ta thu hút một bộ phận đông đảo, thì nghiễm nhiên những thứ liên quan tới nó trở thành thời thượng. Điều đó nói lên sức cuốn hút mạnh mẽ của những nền văn hóa lớn này.

 

Nhưng chúng ta có bao giờ đặt câu hỏi: chúng ta lấy tên người nước ngoài để đặt cho mình, còn những người các nước kia họ có mấy khi lấy một cái tên nước khác để gọi nhau trong chính cộng đồng của dân tộc mình? 
 

Sao chép, bắt trước một cách lố bịch không bao giờ tốt cả. Bản sao dù hoàn hảo đến đâu cũng chỉ là đồ giả.

 

Để có thể sánh vai với các nền văn hóa lớn trên thế giới, chúng ta cần ra sức học hỏi nhưng phải trên nền tảng tự tôn dân tộc. Đứng trước thế giới và ngay chính đồng bào mình, chúng ta cần kiêu hãnh với vốn quý của cha ông để lại mà trước hết là ngôn ngữ.
 
Xin mượn lời bài hát “Gia tài của mẹ” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để thay cho lời kết:  Dạy cho con tiếng nói thật thà/ Dạy cho con biết yêu màu da...

 

Hồng Châu

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]