Đau bụng, viêm nhiễm không ăn yến sào

Theo Đông y, yến sào tức tổ yến có vị ngọt, tính bình, vào các kinh phế và vị. Tác dụng dưỡng âm, bổ phế, tiêu đàm, trừ ho, định suyễn.

15.6013

Yến sào thường được dùng làm thức ăn bổ dưỡng trong các trường hợp suy nhược cơ thể, mệt mỏi, biếng ăn, mất ngủ, khí huyết suy yếu, người nóng bứt rứt, gầy ốm, da khô nóng, tim đập nhanh. Ngoài ra, yến sào còn giúp tăng thêm sức đề kháng và miễn dịch cho cơ thể, bảo vệ da, giúp da tăng tính đàn hồi, tươi nhuận và mịn màng.

Liều dùng 6 - 12g/ngày, thường được dùng dưới dạng thuốc sắc, nếu cơ thể suy nhược thì có thể dùng hằng ngày, nếu chỉ bổ sung dinh dưỡng thì cách một ngày dùng một lần.

Những người có tình trạng dương khí suy yếu với các triệu chứng người lạnh, sợ lạnh, tiêu lỏng, tiểu nhiều lần, nước tiểu trong, không nên dùng yến sào.

Yến sào thường đươc sử dụng làm thuốc trong các trường hợp sau: Người suy nhược cơ thể, người mới ốm dậy, người cao tuổi già yếu, có các triệu chứng như ăn uống kém, mất ngủ, người không có sức, tiếng nói nhỏ yếu, nói không ra tiếng, đi lại không vững vàng, đau lưng mỏi gối thì dùng yến sào 6 - 10g, nhân sâm 6 - 8g, đương quy 8 - 10g, câu kỷ tử 6 - 8g, hoài sơn 8 - 10g, hạt sen 10 - 12g, táo tàu 5 quả. Tất cả cho vào thố đất để tiềm cho chín mềm. Chia 2 - 3 lần để uống trong ngày.

Người suy nhược, thiếu máu, hay ho khan, ngứa cổ, ăn ngủ kém, dễ bị cảm mạo thời khí thì dùng yến sào 6 - 10g đã làm sạch, nấu cháo với gạo tẻ 50g, thịt bò (hoặc thịt gà) 100g để ăn vào lúc đói bụng. Có thể thêm hạt sen, táo tàu để nấu. Có thể nấu yến sào với bồ câu (hoặc gà giò, gà ác, chim cút) bằng cách làm sạch bồ câu, hầm chín mềm rồi cho yến sào 6 - 10g vào cùng với gia vị nêm vừa ăn, để ăn vào lúc đói bụng.

Chè yến sào với hạt sen: Ngâm hạt sen 100g với nước ấm khoảng 2 giờ. Nấu hạt sen với 1 lít nước đến khi chín mềm thì cho yến sào 6 - 10g vào cùng lượng đường vừa đủ để nấu chè. Dùng ăn nóng vào lúc đói bụng hoặc trước khi đi ngủ.

Cần chú ý, những người đang bị cảm mạo, sốt, nhức đầu, đau bụng do lạnh, đầy bụng, ho nhiều đàm loãng, trong, thì không nên dùng yến sào. Những người đang bị bệnh viêm nhiễm ngoài da, viêm gan vàng da, viêm phế quản cấp, viêm nhiễm đường tiết niệu... nói chung là bệnh viêm nhiễm cấp tính, có sốt, thực nhiệt, đều không được dùng yến sào.

Những người gầy yếu nhưng chức năng hoạt động của tỳ vị còn quá yếu, không thể hấp thụ các thực phẩm (hoặc dược liệu) có quá nhiều chất dinh dưỡng, nhiều chất đạm (Đông y gọi là hư bất thụ bổ) thì không nên dùng yến sào. Những người có tình trạng dương khí suy yếu với các triệu chứng người lạnh, sợ lạnh, tiêu lỏng, tiểu nhiều lần, nước tiểu trong, không nên dùng yến sào.

Theo Lương y Hạnh Lâm
(Hội Dược liệu TPHCM)
Bee.net.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]