Đau dạ dày có được ăn mỳ gói, sữa chua?

Gần đây em thường xuyên bị đau bụng trên - đau ở ngay dưới vùng ngực. Mỗi khii quên ăn 1 bữa là bụng đau rất dữ dội. Xin hỏi AloBacsi có phải em đã bị đau bao tử không?

15.5971
Kính chào BS,

Em năm nay 23 tuổi, gần đây em thường xuyên bị đau bụng trên - đau ở ngay dưới vùng ngực. Như vậy, có phải em bị đau bao tử phải không BS ?

Trước đây, mỗi khi quên ăn 1 bữa là em đau bụng rất dữ dội. Uống thuốc Kriml - S thì đỡ hơn. Nếu đúng là vậy thì em nên ăn uống, vận động như thế nào để tránh bệnh tái phát. Trong khi đang bị đau, em có ăn được sữa chua/sữa tươi/bánh xốp/mì gói?....

Em chưa hiểu về bệnh đau bao tử. Rất mong được BS tư vấn. Cảm ơn BS nhiều. (Trương Ngân, 1,58m, nặng 62kg, email: [email protected])

Ảnh minh họa
Chào em,

1. Qua thư, BS nhận thấy em có các vấn đề sau đây:

   - Với cân nặng và chiều cao như trên thì em đã bị thừa cân rồi nhé.

   - Đau bụng vùng trên rốn ngay dưới xương ức xuất hiện lúc đói.

Với tính chất đau như em mô tả, theo tôi nhiều khả năng em bị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.

2. Bệnh đau bao tử như em nói hay dân gian hay dùng chính là bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.

Ảnh minh họa -  Th.S - BS Trần Ngọc Lưu Phương

- Khi bị bệnh này, trên thành bao tử sưng phù, trầy xước, xuất hiện các vết lở loét, thậm chí có khi chảy máu.

- Bệnh này có đặc điểm dễ bị tái phát.

- Nguyên nhân:

+ Chế độ ăn uống sinh hoạt không điều độ.

+ Stress, căng thẳng thần kinh

+ Nhiễm vi trùng H.pylori.

+ Uống các thuốc giảm đau chống viêm (y học gọi là thuốc nhóm NSAIDS) hay do uống thuốc có chứa chất corticoid (thường được pha trộn trong các loại thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc).

+ Dùng các chất kích thích:  rượu bia, café, thuốc lá

- Bệnh thường gây đau bụng vùng trên rốn, ngay dưới xương ức, đau lúc đói, có thể kèm ợ chua, buôn nôn, nôn ói.

3. Khi mắc bệnh này, em nên:

- Ăn uống đúng giờ, điều độ.

- Ăn chậm nhai kỹ.

- Ăn thức ăn mềm, chia nhỏ bữa ăn để dạ dày hoạt động nhẹ nhàng hơn (có thể ăn 4-5 lần/ ngày).

- Sau ăn nên nghỉ ngơi ít nhất 30 phút rồi mới làm việc lại.

- Lao động vừa phải, tránh các công việc phải hoạt động thể lực nhiều, gắng sức quá mức (vì hoạt động thể lực mạnh cũng là một stress đối với cơ thể làm giảm máu nuôi dưỡng cho dạ dày làm dạ dày khó lành hơn).

- Tránh ăn các thức ăn có tính kích thích cũng như thức ăn làm tăng gánh nặng cho dạ dày: chất chua, trà đậm, gia vị (ớt, hành tiêu, tỏi, ớt), thức ăn nhiều béo, chiên xào.

4. Khi đau, em nên uống một ít sữa tươi, một lát bánh mì, hay bánh xốp ngọt.

- Sữa chua thì nên tránh vì mặc dù sữa chua rất tốt cho hệ tiêu hóa nhưng vì là sản phẩm lên men của vi khuẩn nên có tính acid nhẹ có thể làm kích ứng dạ dày và có thể gây đau ở một số người tương đối nhạy cảm.

- Mì gói thì càng không nên vì thật sự mì gói chỉ làm ta ngon miệng, cảm giác no, làm dạ dày khó tiêu hóa hơn đồng thời lại chứa nhiều năng lượng từ chất bột và chất béo không có lợi cho sức khỏe nói chung và người thừa cân như em. Tôi sẽ trả lời riêng về những tác hại đối với sức khỏe của việc thường xuyên dùng mì gói trong một mục khác cho em.

5. Em nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa gan mật để được tư vấn, cho nội soi dạ dày để chẩn đoán chính xác, đồng thời xét nghiệm tìm vi trùng H.pylori trong dạ dày để có chế độ điều trị thích hợp.

Thân mến,

Th.S. BS Trần Ngọc Lưu Phương 
Phó Khoa Nội Tiêu Hóa - BV Nguyễn Tri Phương
Giảng viên - Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch

Th.S.BS Trần Ngọc Lưu Phương

Lâu nay, Th.S. BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương đã có nhiều tin, bài giá trị cộng tác với các báo Tuổi Trẻ, Phụ Nữ TPHCM, Dân trí, VNEpress...

BS Lưu Phương cũng trực tiếp điều trị thành công nhiều ca bệnh tiêu hóa rất phức tạp. Ông cũng đóng góp nhiều báo cáo Y khoa giá trị trong các hội nghị khoa học quốc tế.

Bằng những kinh nghiệm từ thực tế của mình, chắc chắn Th.S BS Trần Ngọc Lưu Phương sẽ giúp tháo gỡ nhiều thắc mắc của bạn đọc.

Thay mặt bạn đọc AloBacsi.vn chân thành cảm ơn tấm lòng và sự nhiệt tình của
ThS. BS Trần Ngọc Lưu Phương.

Mời bạn đọc đặt câu hỏi tại đây để được Th.S BS Trần Ngọc Lưu Phương tư vấn các bệnh về Tiêu hóa - Gan mật.

Trân trọng,

AloBacsi.vn

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]