Dấu hiệu bị polyp đại tràng

SKĐS - Polyp đại tràng là một khối phát triển bất thường trên bề mặt trong đại tràng (ruột già). Bệnh gặp chủ yếu ở người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi (NCT).

15.6037

Người bị polyp đại tràng thường có diễn biến âm thầm, nhất là loại polyp nhỏ, chỉ phát hiện khi tình cờ chụp đại tràng hoặc nội soi đại tràng vì một lý do khác. Tuy vậy, ở một số người bệnh có biểu hiện đi ngoài ra máu. Đây là triệu chứng hay gặp nhất. Có thể thấy máu đỏ tươi dính trên giấy vệ sinh hoặc phân có máu màu nâu hoặc phân thành khuôn nhưng có máu. Một số trường hợp có đau bụng quặn do polyp có kích thước lớn, kích thích gây cơn đau, những trường hợp này rất dễ nhầm với bệnh kiết lỵ. Một số trường hợp đau bụng kèm theo buồn nôn, nôn, bí trung tiện hoặc bí đại tiện rất dễ nhầm với tắc ruột hoặc bán tắc.

Để chẩn đoán polyp đại tràng cần chụp đại tràng có chuẩn bị (thụt tháo và thuốc cản quang), tốt nhất là nội soi đại tràng, vì nó giúp quan sát được toàn bộ lớp niêm mạc của đại tràng và có thể sinh thiết để xét nghiệm tế bào phát hiện tế bào lạ (tế bào ác tính). Ngoài ra có thể chụp công hưởng từ.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng bệnh, NCT cần có chế độ ăn uống và lối sống hợp lý. Hàng ngày hạn chế ăn nhiều chất béo, mỡ động vật (lòng động vật), các loại thịt đỏ. Hạn chế đến mức tối đa rượu, bia. NCT cần tăng cường ăn rau, củ, quả và chất xơ. Vận động cơ thể đều đặn, thường xuyên, đúng bài bản là điều rất cần thiết. Phương pháp đơn giản dễ thực hiện, không tốn kém là đi bộ, mỗi một ngày tổng thời gian khoảng 60 phút chia làm 2 - 3 lần. Ngoài ra có thể chơi cầu lông, bóng bàn, bơi nếu như có sức khỏe tốt.

Xem tiếp bài 3: Có nên cắt bỏ polyp đại tràng không? vào thứ 4 ngày 17/6/2015

PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]