Dấu hiệu của một đợt giảm điểm ngắn hạn

(CTCK  Mirae Asset)

Thị trường Việt Nam chao đảo bởi VNM với diễn biến giao dịch trầm lắng. Diễn biến giao dịch ngày 16/8 không chịu sự chi phối bởi kết quả kinh doanh hợp nhất của nhiều doanh nghiệp kém khả quan như PVF, PNJ, POM… khiến tâm lý thị trường chùng xuống. Đáng chú ý nhất là Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (HNX: PVX) báo cáo mức lỗ ròng 260 tỷ đồng trong quý 2/2012. Nhiều thông tin về nới lỏng tín dụng cho các ngân hàng thương mại vẫn chưa có tác động tích cực đến thị trường.

Diễn biến chung của thị trường là khá tẻ nhạt với giao động trong biên độ hẹp. Thị trường ghi nhận sự giảm điểm mạnh của VNM, có những thời điểm mã này đã giảm về sát với mức giá sàn và diễn biến của VNM đã chi phối khá lớn đến thị trường trong thời gian gần đây. VN-Index có khởi đầu lạc quan và có lúc đã chạm 433, nhưng sau đó chỉ số này đã giảm nhanh về mức 430 và trong trạng thái giảm điểm phần lớn thời gian giao dịch. Tuy nhiên, về cuối phiên GAS bất ngờ tăng điểm đã giúp VN-Index lấy lại mức tăng nhẹ. HNX-Index hôm nay cũng chỉ tăng nhẹ lúc đầu phiên. Kết thúc phiên VN-Index tăng nhẹ 0,06 điểm lên mức 430,83, trong khi đó HNX-Index đã giảm 0,21 điểm về mức 69,94. Khối lượng giao dịch hôm nay chỉ đạt hơn 60 triệu đơn vị, mức thấp kể từ đầu tháng.

Khối ngoại chỉ mua ròng hơn 1 tỷ đồng . Khối ngoại trong phiên 16/8 cũng giao dịch khá sôi động trên HSX khi mua vào hơn 75 tỷ và bán ra 63 tỷ trên sàn này. Khối này mua mạnh GAS (hơn 9 tỷ đồng), VIC (gần 4 tỷ đồng)… Trong khi đó khối này lại tập trung bán trên HNX khi nhiều mã như PVX, DBC, PLC, PVS, PGS… bị bán ra với giá trị khoản 2 tỷ đồng mỗi mã, riêng PVD mới là mã bị bán ròng nhiều nhất với giá trị bán ra lên đến gần 5 tỷ đồng.

VN-Index lần thứ 3 cố gắng bứt phá ngưỡng 432 trong một tháng qua, tuy nhiên lực cầu yếu đã khiến chỉ số này giảm trở lại kèm theo khối lượng giảm khoảng 30% so với phiên trước. Trong khi đó HNX-Index lại tiếp tục giảm với khối lượng tăng, bên bán có vẻ đang bắt đầu bán mạnh hơn trên HNX. Chúng tôi cho rằng nên thận trọng sau diễn biến phiên 16/8 khi xuất hiện nhiều dấu hiệu rủi ro điều chỉnh. Thị trường có thể sẽ có diễn biến giảm điểm trong những phiên tới và là dấu hiệu của một đợt giảm điểm ngắn hạn. Do đó NĐT nên cân nhắc giảm tỷ trọng cổ phiếu và hạn chế mua vào.

 

Giao dịch buồn tẻ, HNX-Index giảm phiên thứ 2 liên tiếp

(CTCK FPT – FPTS)

Giao dịch buồn tẻ, HNX-Index giảm phiên thứ 2 liên tiếp mất thêm 0,21 điểm (tương đương 0,3%) xuống còn 69,94 điểm. Thanh khoản thay đổi không nhiều.

 

Mở cửa trong sắc đỏ, đồ thị giá giằng co lình xình quanh mốc tham chiếu. Đến thời điểm 10h40', mốc 70 điểm chính thức bị phá vỡ. Biên độ giảm không rộng nhưng chỉ số đi xuống ở hầu hết thời gian giao dịch.

 

Dòng tiền yếu. Nhà đầu tư thờ ơ, chán nản. Người bán hờ hững treo hàng ở mức giá cao, người mua lại chỉ chực chờ ở những mức giá thấp, thậm chí kịch sàn. Cung cầu không gặp nhau khiến thanh khoản khó lòng cải thiện.

 

Chốt phiên, tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt gần 33,9 triệu đơn vị, tương đương giá trị giao dịch là 315,69 tỷ đồng.

 

Biến động giá không nhiều nhưng thị trường vẫn nghiêng về hướng giảm. Gam đỏ vẫn chiếm phần chủ đạo trên bảng điện tử. Thống kê cụ thể có 109 mã giảm, 79 mã tăng và 87 mã đứng giá.

 

Các mã chủ chốt hầu hết chỉ giậm chân tại chỗ, không có tác động đáng kể nào nâng đỡ chỉ số. Chốt phiên, KLS, VND, HBB đứng giá tham chiếu; ACB, BVS, PVX đều giảm nhẹ 100 đồng...

 

HBB trong ngày giao dịch cuối cùng trước khi hủy niêm yết tại HNX giá cũng chỉ đứng yên 5.200 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch giảm đôi chút so với phiên liền trước nhưng vẫn dẫn đầu thanh khoản toàn sàn đạt gần 6,5 triệu đơn vị.

 

Đứng thứ 2 với khoảng cách khá xa, PVX đạt hơn 2,6 triệu đơn vị. Kế tiếp là VND với hơn 2,2 triệu đơn vị, SHB và KLS với gần 1,9 triệu đơn vị)...

 

Chỉ nên mua thêm khi thị trường có 1 phiên gia tốc cùng khối lượng gia tăng

(CTCK Woori – CBV)

Hai sàn có diễn biến trái chiều vào cuối phiên, khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/8/2012 chỉ số VN INDEX tăng 0.06 điểm (0.01%) lên 430.83 điểm.

 

Khối lượng cổ phiếu được chuyển nhượng khoảng 26.7 triệu cổ phiếu tương đương với giá trị giao dịch là 488 tỷ đồng. Tương tự chỉ số HNX INDEX giảm 0.2 điểm (0.29%) xuống 69.94 điểm, khối lượng chuyển nhượng khoảng 33.8 triệu cổ phiếu tương đương với giá trị giao dịch là 315.6 tỷ đồng.

 

Hai sàn đều chỉ tăng nhẹ ở đầu phiên với khối lượng giao dịch sụt giảm hơn so với phiên giao dịch trước đó. Về cuối phiên cổ phiếu VNM chuyển sang trạng thái điều chỉnh, đã tạo ảnh hưởng khá lớn tới toàn bộ thị trường chung khi cả 2 sàn có trạng thái trái chiều.

 

Nhóm cổ phiếu khoáng sản đã bắt đầu có tín hiệu đi xuống, trong khi đó nhóm ngành Gas lại bứt phá mạnh mẽ khi hầu hết những mã trong ngành này như PGC, PGD, CNG, GAS đều có mức tăng khá ấn tượng. Dòng tiền đầu tư vẫn tỏ ra khá chọn lọc khi chỉ tập trung vào những mã có kết quả kinh doanh đột biến như BTP, VPK, PGC… khiến các mã này đều tăng trần, trong khi rất nhiều mã giảm điểm trên thị trường.

 

 Về phương diện kỹ thuật,  cả hai sàn tiếp tục có diễn biến trái chiều như phiên trước đó. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đi ngang của thị trường một số phiên như chúng tôi dự đoán ở báo cáo trước. Vì vậy việc mua thêm chỉ nên khi thị trường có 1 phiên gia tốc cùng khối lượng gia tăng trong thời gian tới, và ngược lại việc tất toán danh mục sẽ được thực hiện khi các chỉ số giảm mạnh tại thời điểm hiện tại. Tuy nhiên chúng tôi vẫn thiên về khả năng thị trường tăng trong thời gian tới.

 

 

 

Trong ngắn hạn sẽ rất khó kì vọng vào sự tăng điểm đáng kể của chỉ số hai sàn

(CTCK Dầu khí – PSI)

           

Về mặt kĩ thuật cũng như diễn biến giao dịch trên HSX, có vẻ như sức hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có chiều hướng yếu dần, đặc biệt là diễn biến thanh khoản và trạng thái kĩ thuật có phần tiêu cực trên nhóm cổ phiếu ngân hàng. Sự phân hóa trên HOSE vẫn tiếp diễn, các mã tăng mạnh tập trung chủ yếu vào các mã thuộc nhóm dầu khí và tín hiệu khởi đầu tỏ ra khá tích cực nhưng số cổ phiếu tăng giá chỉ là một số ít ỏi so với toàn thị trường. Thanh khoản trên cả hai sàn đều tiếp tục giảm mạnh, HNX-Index thậm chí còn chưa vượt qua được kênh dao đông giảm (tại 70 điểm).. Nếu như không có thông tin tích cực tác động mạnh tới tâm lý thị trường thì trong ngắn hạn sẽ rất khó kì vọng vào sự tăng điểm đáng kể của chỉ số hai sàn.

 

Thông tin về tăng trưởng tín dụng sẽ có ảnh hưởng tích cực tới thị trường trong thời gian tới

(CTCK BIDV – BSC)

Kết thúc phiên giao dịch, Vn-Index tăng 0,06 điểm (+0,01%) lên 430,83 điểm; HNX-Index giảm 0,21 điểm (-0,30%) xuống 69,94 điểm. Loại trừ giao dịch thỏa thuận, khối lượng khớp lệnh ở mức 24 triệu đơn vị trên HSX và 27 triệu trên HNX. Tổng giá trị giao dịch trên cả 2 sàn ở  xuống mức 800 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng trên cả 2 sàn với 12,8 tỷ đồng trên HSX và 85 triệu đồng trên HNX.

 

Trong phiên giao dịch 16/8, trên HSX, VNM đảo chiều giảm khá mạnh sau khi tăng lên mức đỉnh 118 nghìn đồng/cổ phiếu kéo VN-Index tụt xuống dưới tham chiếu kể từ sau 10h30 sáng. Tuy nhiên đến cuối phiên chiều, GAS và DPM tăng khá đã vớt vát giúp VN-Index giữ được sắc xanh dù chỉ tăng 0,01% khi chốt phiên. VNM đã tăng tới hơn 25% trong 2 tuần trở lại đây nhờ vào thông tin chia cổ tức và cổ phiếu thưởng. Mức giá hiện tại nhiều khả năng sẽ là vùng kháng cự mạnh đối với cổ phiếu này. Do đó trong thời gian tới, VN-Index sẽ bị ảnh hưởng xấu nếu mã này tiếp tục điều chỉnh. Sàn HNX vẫn tỏ ra khá thiếu sinh khí khi đi ngang dưới mức tham chiếu trong hầu hết thời gian  giao dịch. Các mã chủ chốt đa phần giảm nhẹ. Phiên 16/8 là ngày giao dịch cuối cùng của mã HBB (Habubank) trên sàn HNX, HBB sẽ hủy niêm yết vào ngày mai và chuyển đổi thành cổ phiếu SHB với tỷ lệ 1 HBB đổi 0,75 SHB.

 

Hiện tại, thông tin có khả năng giúp hỗ trợ thị trường trong thời gian tới là việc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán sửa đổi quy chế để rút ngắn thời gian thanh toán chứng khoán từ 4/9. Bên cạnh đó, theo số liệu mới công bố của NHNN, tín dụng tính đến 8/8 đã tăng lên 1,07%( so với cuối 2011). Dù vẫn còn khiêm tốn nhưng con số trên cũng cho thấy có sự cải thiện về tăng trưởng tín dụng trong các tháng gần đây. Nói chung, dù không quá lạc quan, chúng tôi vẫn đánh giá các thông tin trên sẽ có ảnh hưởng tích cực tới thị trường trong thời gian tới.

 

VN-Index có thêm 1 phiên giao dịch chậm chạp trong  ngày 16/8

(CTCK ACB –ACBS)

 

Mặc dù bị kéo xuống dưới tham chiếu sau mức tăng đầu giờ, VN-Index vẫn kịp đóng cửa trong sắc xanh (sát thamchiếu) nhờ vào một số mã vốn hóa lớn như CTG, GAS, MSN …

Cây nến Doji cho thấy sự do dự của nhà đầu tư. Nếu giảm dưới 429,5 (hỗ trợ của hai phiên

vừa qua), VN-Index sẽ xuyên thủng đường xu hướng tăng của sóng tăng hiện tại từ 410 đến 433, là dấu hiệu cảnh báo tiêu cực breakout vừa qua.Mã GAS có phiên breakout tăng điểm với khối lượng giao dịch đột biến ngày hôm qua. Mã này nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong các phiên tới và sẽ ảnh hưởng mạnh tới VN-Index do chiếm tỷ trọng lớn.

 

Ngược lại, VNM hình thành mô hình đảo chiều Dark-cloud-covered. Chỉ báo RSI(14) đang ở vùng quá bán cũng là dấu hiệu tiêu cực khác. Tuy nhiên, do các xu hướng lớn hơn đều là tăng nên chuỗi phiên giảm của VNM nhiều khả năng sẽ không kéo dài.

 

HNX-Index tiếp tục diễn biến xấu hơn VN-Index khi dao động dưới tham chiếu trong phần

lớn thời gian ngày hôm qua.

 

Các phiên vừa qua HNX-Index chủ yếu dao động trong vùng hẹp 69,70-70,50. Nếu vượt mức 70,50, HNX-Index có thể sẽ đồng thời vượt đường biên trên của mô hình Triangle. Khi đó, HNx-Index có thể sẽ tiếp tục hồi phục về mức giá mục tiêu 76-77.

 

Ngược lại, nếu giảm dưới 69,70, HNX-Index sẽ cho tín hiệu cảnh báo tiêu cực về khả năng xuyên thủng đường biên dưới của mô hình Triangle.

 

Mã PVG có phiên tăng mạnh và phá kháng cự của mô hình Triangle. Mã này nhiều khả năng tiếp tục tăng điểm với mức giá mục tiêu 13.000.

 

Chỉ số  giằng co quanh mức hiện tại nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn một vài phiên tới

(CTCK Sài Gòn - SSI)

Chỉ số Vn-Index có thêm phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp. Chốt phiên chỉ số tăng nhẹ 0,06 điểm (0,01%) lên mốc 430,83 điểm với 80 mã tăng giá, 104 mã giữ tham chiếu và 131 mã giảm giá.

 

Vn-Index tăng khá mạnh lên quanh mốc 433 điểm và bên bán lại gia tăng ở mốc này đẩy lùi chỉ số về cuối phiên. Một số cổ phiếu vốn hóa lớn lần lượt tăng giá giúp chỉ số tiếp tục được đà tăng , trong khi đó khá nhiều các cổ phiếu khác tiếp tục hiệu chỉnh giảm nhẹ  hoặc đi ngang. Cây nến ngày có dạng Near Doji lưỡng lự trước ngưỡng 433 điểm.

Khối lượng giao dịch ở mức gần 24,22 triệu đơn vị, giảm gần 23,5% so với phiên trước. Chỉ số liên tiếp kiểm định vùng kháng cự 432-433 điểm nhưng vẫn chưa vượt qua được mức này.  Mặc dù thị trường tăng điểm nhưng thực chất khá nhiều các cổ phiếu đang hiệu chỉnh giảm và chỉ số  giằng co quanh mức hiện tại nhiều khả năng sẽ còn tiếp diễn một vài phiên tới. Nhà đầu tư trung hạn có thể lựa chọn mua dần vào các cổ phiếu có cơ bản tốt đang hiệu chỉnh giảm.