Dấu hiệu nhận biết suy dinh dưỡng ở người lớn

Bạn có tin nổi rằng tới 20% – 40% người trung niên và cao niên (40 - 79 tuổi) ở Việt Nam đang suy dinh dưỡng? Đó là kết quả nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia trong 3 tháng đầu năm 2012.

15.5976
  • 1

    Suy giảm hệ tiêu hóa

    Theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Ninh, Trưởng khoa Vi chất, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, do cơ thể giai đoạn trung niên dễ bị suy nhược, cũng như suy giảm chức năng hệ tiêu hóa nên không thể hấp thu đầy đủ năng lượng thiết yếu. Bên cạnh đó, một số hoạt động của bộ máy cơ thể thay đổi. Các giác quan suy giảm làm cho việc ăn uống kém ngon.

    Hơn nữa, các chân răng bắt đầu yếu, cơ xương hàm suy giảm làm cho sức nhai giảm đi khá rõ. Việc nuốt thức ăn cũng khó khăn hơn. Các tuyến tiêu hóa, dạ dày, ruột, gan đều giảm chức năng, dẫn đến việc tiêu hóa và hấp thu thức ăn bị ảnh hưởng. Quá trình đào thải chất độc kém, táo bón xảy ra thường xuyên hơn.

    Vận động hằng ngày giúp ăn ngon và tránh suy dinh dưỡng

  • 2

    Dấu hiệu nhận biết

    Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ninh, Trưởng khoa Vi chất Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho hay,  hầu hết người bị suy dinh dưỡng (SDD) có thể tự phát hiện thấy mình bị gầy đi như sụt cân, quần áo tự nhiên rộng ra, các bắp thịt thấy mềm, nhũn không được rắn như trước.

    Nhiều trường hợp bị SDD lâu ngày nên ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương khiến bản thân không biết mình đang mắc bệnh gì. Trong trường hợp này, những thành viên trong gia đình cũng có thể nhận thấy là ông, bà, bố, mẹ kém dần sự minh mẫn, hay quên, hay kêu mệt mỏi, chán ăn, ăn không ngon miệng hay cáu gắt vô cớ.

    Ngoài ra, người SDD thường ăn khó tiêu, dễ táo bón, phân lúc lỏng lúc rắn hay đau bụng lặt vặt. Nếu người cao tuổi đang mắc các bệnh mạn tính như: hen suyễn, viêm gan, bệnh về xương khớp thì các bệnh này tăng lên nhanh chóng hơn, thể trạng trở nên dễ bị suy sụp và đặc biệt khi có tác nhân nhiễm khuẩn xâm nhập thì rất khó tránh khỏi mắc bệnh.

  •  

    Để không bị SDD, cần đảm bảo chế độ ăn đủ chất và lượng. Ngoài ra cần có sự động viên, nhắc nhở của người thân để chịu khó ăn và ăn đủ số lượng tránh hiện tượng chán ăn, lười ăn, bỏ bữa. Nếu các bữa chính ăn chưa đủ số lượng thì có thể tạo điều kiện ăn thêm các bữa phụ. Nên ăn thêm các loại quả sau bữa ăn (tráng miệng) như cam, quýt, chuối, bưởi,... và nên ăn nhiều rau. Rau vừa cung cấp các loại sinh tố vừa cung cấp chất xơ ngăn ngừa táo bón.

    “Bên cạnh thực phẩm như rau, cá, trái cây…có thể dùng các thực phẩm giàu canxi khác như cua đồng, cá nhỏ nguyên xương, tôm tép nguyên vỏ, đậu hủ. Nên vận động phù hợp với thể trạng từng người mỗi ngày để máu lưu thông, giúp ăn uống ngon miệng”,  tiến sĩ Nguyễn Xuân Ninh nói.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]