Dấu hiệu nhận biết ung thư hốc miệng

Ung thư hốc miệng như: lưỡi, môi, nướu răng, niêm mạc miệng, sàn miệng, khẩu cái cứng, tam giác hậu hàm… chiếm đến 1/4 ung thư vùng đầu mặt cổ và tỷ lệ tử vong rất cao do phát hiện trễ.

0

Dấu hiệu để phát hiện sớm ung thư hốc miệng

Theo Vnexpress, ung thư hốc miệng là ung thư phổ biến đứng hàng thứ 6 trên thế giới, xếp thứ 4 trong các ung thư ở nam và thứ 8 trong các ung thư nữ. Tỷ lệ của ung thư miệng tăng dần theo tuổi, lên một cách rõ rệt sau tuổi 40, tuổi gặp nhiều nhất là 60-70, ít khi tìm thấy ở người trẻ. Vị trí thường hay gặp là lưỡi, môi, sàn miệng và ít gặp hơn ở nướu răng, mặt trong má, màn họng..

Khói thuốc và rượu là hai nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư hốc miệng. Những người có thói quen nhai trầu, xỉa thuốc dễ bị ung thư mặt trong má. Tiếp xúc nhiều và lâu dài tia UV trong ánh nắng, đặc biệt ở những người da sáng màu dễ bị tổn thương ADN trong tế bào da gây ung thư. Vệ sinh răng miệng kém, hàm giả làm không đúng dễ dẫn đến kích thích niêm mạc gây ung thư.

Ung thư hốc miệng là tổn thương dạng loét, chồi sùi hoặc cứng, dính, giới hạn không rõ, không đau (đau khi ở giai đoạn trễ hay khi xâm lấn thần kinh), tiến triển nhanh, thường di căn hạch cổ. Ung thư hốc miệng xâm lấn tại chỗ ít khi cho di căn xa.

Bệnh nhân nên đến ngay bác sĩ chuyên khoa khám nếu xuất hiện các dấu hiệu:

- Vết loét không lành sau 2 tuần.

- Tổn thương xơ cứng, chồi dạng bông cải trong miệng.

- Mảng trắng/đỏ/đen trong miệng, ổ nhổ răng không lành.

- Răng lung lay không rõ nguyên nhân.

- Trở ngại chức năng: khó nhai, khó nói, tăng tiết nước bọt.

Phát hiện sớm và điều trị

Phụ nữ Online cho biết, trước đây, những bệnh nhân bị tổn thương vùng hốc miệng muốn biết có bị ung thư hay không phải tiến hành sinh thiết. Để có kết quả này, người bệnh mất nhiều thời gian và thường chỉ đi xét nghiệm khi có dấu hiệu tổn thương nặng, bệnh chuyển sang giai đoạn trễ.

(Ảnh minh họa)

Hiện nay, người bệnh có thể tầm soát, phát hiện ung thư hốc miệng sớm bằng các kỹ thuật xét nghiệm mới như: xét nghiệm xanh toluidin, chải tế bào, đèn chiếu huỳnh quang. Và, chi phí xét nghiệm chỉ vài chục ngàn đến 100.000đ/mỗi xét nghiệm.

Bác sĩ (BS) Lâm Đức Hoàng, Phó khoa Xạ 3, Bệnh viện (BV) Ung Bướu TP.HCM, giải thích: xanh toluidin là một loại thuốc nhuộm tạm thời trên mô với biểu hiện chỉ thị màu, hoàn toàn vô hại. Bước đầu, người bệnh được súc miệng bằng nước sạch và axit acetic để làm sạch miệng rồi mới được quét dung dịch toluidin vào vị trí thương tổn trong khoảng 30-60 giây.

Nếu vùng bị tổn thương không bắt màu xanh thì bệnh nhân không bị ung thư. Ngược lại, nếu vị trí tổn thương xuất hiện màu xanh nhạt hay đậm, dù chỉ vài vết lấm tấm cũng cho thấy bệnh nhân có nguy cơ hoặc đã bị ung thư.

Có hơn 95% trường hợp có độ nhạy khi xét nghiệm bằng xanh toluidin, nhưng trong đó có 65% trường hợp cho ra kết quả chính xác đã mắc bệnh ung thư.

Với kỹ thuật phát hiện nhanh tế bào ung thư hốc miệng bằng tia huỳnh quang thì cơ chế “bắt” được tế bào ung thư cũng tương tự như xét nghiệm xanh toluidin. Kỹ thuật viên sẽ sử dụng một loại máy có gắn đèn chiếu chùm tia huỳnh quang vào hốc miệng và sau khoảng 60 giây, bệnh nhân biết được có thể bị ung thư hay không.

Thông thường, ở vị trí bị ung thư thì các sợi collagen sẽ có mật độ liên kết dày đặc. Khi chùm tia huỳnh quang chiếu vào, nếu niêm mạc có tổn thương biến thành màu nâu sẫm thì bệnh nhân có thể đã bị ung thư.

Về xét nghiệm chải tế bào, BS Nguyễn Văn Thành, Trưởng khoa Giải phẫu bệnh, BV Ung Bướu TP.HCM, cho biết: loại bàn chải y tế này nhỏ gọn với thân tròn bằng ruột bút bi.

Lúc đầu, kỹ thuật viên sẽ làm ẩm bàn chải với nước, rồi áp bàn chải vào bề mặt tổn thương và xoay bàn chải từ năm-mười lần với lực vừa phải, đến khi thấy những điểm lấm tấm đỏ thì dừng lại.

Lúc này, những tế bào ở vùng niêm mạc miệng bong ra và dính vào bàn chải. Kỹ thuật viên sẽ lăn bàn chải theo một chiều để trải tế bào lên lam kính thành một lớp mỏng. Và mẫu bệnh phẩm này sẽ cố định trong cồn 900 tối thiểu 30 phút.

Tại khoa Giải phẫu bệnh, lam kính chứa các tế bào sẽ được nhuộm bằng chất Papanicolaou và do một BS giải phẫu bệnh đọc kết quả dưới kính hiển vi quang học thông thường. Sau 30 phút, BS sẽ biết được bệnh nhân có mắc ung thư hay không.

Những tế bào bất thường có nhân tế bào tăng kích thước, tỷ lệ nhân và bào tương tăng lên, màng nhân thay đổi… Kết quả chải tế bào có độ nhạy cao đến 93% và những trường hợp này đều có độ chính xác mắc bệnh gần 100%.

Tham khảo thuốc: Vitamin B9

Bổ sung acid folic có thể có ích cho những người nghiện rượu vì ở họ có khuynh hướng bị cạn kiệt nguồn vitamin này.

Tú Liên

Nên đọc

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]