Giải pháp bù lãi suất có tác động “kép”: vừa trực tiếp đối với gói kích cầu có giá trị tương đương với 17 nghìn tỷ đồng, vừa có tác dụng kéo theo một lượng tín dụng lớn hơn nhiều từ các ngân hàng thương mại (theo tính toán sẽ vào khoảng 420 nghìn tỷ đồng); vừa có tác động đối với ngân hàng thương mại, vừa có tác động đối với các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng.

 

Việc cho vay tiêu dùng theo lãi suất thỏa thuận đã bắt đầu. Giải pháp bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được triển khai. Những giải pháp này đã có tác động tích cực bước đầu. Nếu như những tháng cuối năm 2008 tín dụng liên tục giảm thì tháng 1/2009 ước tăng 0,52% so với tháng trước, trong đó đầu tư VND ước tăng 0,17% và đầu tư bằng ngoại tệ ước tăng 1,91%. Điều đó cho thấy, cả ngân hàng thương mại cho vay và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay tiền ngân hàng đã có quan hệ mặn mà hơn, chứng tỏ sản xuất, kinh doanh bắt đầu tiến triển, phục hồi.

 

Cùng với các giải pháp liên quan đến vốn, một loạt các giải pháp về tài chính, đặc biệt là về thuế (giảm, giãn thuế...) cũng được thực hiện, đã có tác động hỗ trợ sản xuất, kinh doanh giảm giá thành, giá bán mà một số mặt hàng đã được giảm giá, đẩy mạnh bán ra, giảm tồn kho, tăng tiêu thụ, ngăn chặn suy giảm sản xuất kinh doanh, ngăn chặn nguy cơ thất nghiệp, thiếu việc làm.

 

Tuy nhiên đấy mới chỉ là những dấu hiệu hồi phục bước đầu, chưa vững chắc. Vấn đề vốn, phí đầu vào tiếp tục tác động tích cực; vấn đề tiêu thụ sản phẩm đang nổi lên thành vấn đề hàng đầu. Giải pháp tiêu thụ bao gồm hai phía: một phía là các đơn vị sản xuất kinh doanh cần giảm mạnh giá bán; một phía là người tiêu dùng có sức mua có khả năng thanh toán cao hơn.

TN