Dấu hiệu trầm cảm sau sinh

SKĐS - Trầm cảm sau sinh là tình trạng mệt mỏi, buồn chán, lo lắng xuất hiện sau sinh. Tình trạng này có thể khiến người mẹ bị suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, thậm chí hoang tưởng, luôn lo sợ con mình sẽ bị hại, không chăm sóc con được tốt,…

0

Trầm cảm sau sinh là tình trạng mệt mỏi, buồn chán, lo lắng xuất hiện sau sinh. Tình trạng này có thể khiến người mẹ bị suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, thậm chí hoang tưởng, luôn lo sợ con mình sẽ bị hại, không chăm sóc con được tốt,… Cần nhận biết sớm trầm cảm sau sinh để can thiệp kịp thời.

Suy nhược cơ thể: Nhiều sản phụ cảm thấy đau khổ, vô vọng tăng dần sau khi sinh con, thậm chí khóc lóc cả ngày mà không có lý do cụ thể nào cả. Đôi khi họ lại cảm thấy bị chồng, gia đình, bạn bè bỏ rơi. Những cảm giác này thường không có căn cứ khiến họ rơi vào trạng thái mệt mỏi triền miên, thờ ơ với mọi thứ.

Bà mẹ bị trầm cảm sau sinh cần được điều trị can thiệp sớm và sự hỗ trợ, động viên của gia đình (ảnh minh họa).

Căng thẳng, lo lắng, hoảng hốt: Căng thẳng thường đi kèm với trầm cảm. Những bà mẹ bị căng thẳng thường bị trầm cảm nặng nề hơn. Những bà mẹ có sức khỏe không tốt thường hay có lo lắng về sức khỏe bản thân. Có thể họ cảm thấy đau đầu, đau cổ, đau lưng, ngực nhưng đi khám không tìm ra nguyên nhân. Điều này càng làm cho họ stress thêm. Người mẹ có thể cảm thấy hoảng hốt đối với những tình huống xảy ra hằng ngày và khó có thể bình tĩnh lại.

Cảm giác bị ám ảnh: Bà mẹ bị trầm cảm thường hay bị ám ảnh, có thể về một người, một tình huống hay một hoạt động cụ thể nào đó. Vài người có thể trở nên sợ hãi và tin rằng mình là mối nguy hại cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là đứa trẻ. Những nỗi sợ này là triệu chứng thường gặp của trầm cảm, có thể đi kèm với cảm giác tội lỗi. Điều này thường không có nguyên do, nhưng nếu người mẹ sợ ảnh hưởng đến con mình thì nên báo với gia đình và bác sĩ.

Mất tập trung: Một bà mẹ trầm cảm thường khó tập trung đọc sách, xem ti vi hay trò chuyện bình thường. Họ sẽ cảm thấy trí nhớ giảm sút, không sắp xếp được suy nghĩ, có thể ngồi đó không làm gì.

Rối loạn giấc ngủ: Thường người bị trầm cảm rất khó ngủ hoặc có thể thao thức đến gần sáng, giấc ngủ không liên tục, hay bị thức giấc vào giữa đêm, thỉnh thoảng gặp ác mộng và không thể ngủ lại được.

Tình dục: Mất hứng thú tình dục có thể xảy ra đối với các bà mẹ trầm cảm sau sinh, thường kéo dài một thời gian, do đó người chồng cần kiên nhẫn và cố gắng an ủi vợ hồi phục khỏi trầm cảm sau sinh.

Nếu bản thân người mẹ hoặc người thân phát hiện các dấu hiệu trên cần đưa người bệnh đi khám để điều trị can thiệp kịp thời, tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của mẹ và bé. Gia đình, nhất là người chồng cần luôn hỗ trợ, an ủi vợ để giúp cho người mẹ phục hồi nhanh chóng.

Bác sĩ Lê Thị Thu Hà

 

 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]