Dấu hiệu và cách ngăn chặn bệnh trầm cảm

Không hiếm người có cảm giác mệt mỏi, bồn chồn, hồi hộp, nhức đầu... nhưng đi khám tổng quát lại không phát hiện bệnh, một số trường hợp là do mắc bệnh trầm cảm nặng.

15.6266
Trầm cảm là rối loạn tâm thần, có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là 18 - 45 tuổi, phụ nữ bị nhiều hơn nam giới (3% nam giới, 9% nữ giới), bệnh tiến triển kéo dài và rất dễ tái phát.
 
Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm rất khác nhau, như: rối loạn thần kinh, nghiện ma túy, nghiện rượu, do dùng một số thuốc, hoặc sau khi gặp các stress (sự chia tay đột ngột của người yêu, của chồng hoặc vợ, mất người thân, mất việc, làm việc căng thẳng, mắc bệnh nan y). Tai nạn dẫn đến sang chấn thần kinh cũng có thể là nguyên nhân của căn bệnh trầm cảm.

Bệnh trầm cảm rất dễ nhận biết với những dấu hiệu bất thường, như:

1) Mất ngủ: khó vào giấc ngủ, hay thức giấc giữa đêm không ngủ lại được, hoặc thức dậy từ hai - ba giờ sáng, kèm theo bồn chồn khó chịu (có khi ngủ nhiều quá mức).

2) Chán ăn: ăn ít, ăn không ngon, không thích ăn, sợ ăn (có khi ăn nhiều quá mức), không ăn, sút cân.

3) Ngại giao tiếp với người khác, trở nên ít nói bất thường, lười vận động.

4) Cảm thấy bồn chồn lo âu, đứng ngồi không yên, đau đầu, đau mỏi toàn thân, đau ngực, táo bón, sợ lạnh.

5) Cảm thấy mệt mỏi, suy nghĩ chậm chạp, buồn rầu, mất hứng thú làm việc, mất hứng thú giải trí hàng ngày (thể thao, xem ti vi, sách báo, phim... ). Cảm thấy xung quanh buồn rầu ảm đạm, thời gian kéo dài lê thê.

6) Bi quan lo lắng về tương lai cho bản thân và gia đình, sợ điều xấu xảy ra cho bản thân và gia đình.

7) Nghĩ rằng mình không xứng đáng với bản thân và xung quanh. Cho rằng mình phạm nhiều khuyết điểm, tội lỗi, không muốn tiếp xúc với ai.

8) Nghĩ rằng mình không xứng đáng được ăn, không xứng đáng được sống, cho rằng mình là gánh nặng cho mọi người.

9) Có ý nghĩ chết chóc, muốn tự sát, treo cổ, nhảy lầu, đâm vào xe...

Tuy nhiên, để biết chắc có bị bệnh trầm cảm không, cần đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần để thăm khám và được tư vấn. Việc phát hiện và điều trị bệnh sớm góp phần rất tích cực, nâng cao hiệu quả phục hồi cho người bệnh.

Ảnh chỉ mang tính minh hoạ

Điều trị bệnh trầm cảm

Bệnh trầm cảm có thể được điều trị bằng thuốc hoặc bằng tâm lý, hoặc phối hợp cả hai phương pháp cùng lúc. Trường hợp trầm cảm nhẹ được điều trị ngoại trú. Những trường hợp sau cần phải nhập viện để điều trị: có ý tưởng tự sát, nhất là đã có lần định tự sát thực sự; trầm cảm không đáp ứng với thuốc; trầm cảm kèm theo tình trạng loạn thần, người bệnh khi ấy có thể có thêm triệu chứng ảo giác và hoang tưởng, không thể kiểm soát bản thân cả về suy nghĩ lẫn hành vi.

Trong quá trình điều trị, người nhà cần giúp bệnh nhân (BN) luôn tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

- BN cần được sự đồng cảm, giúp đỡ của mọi thành viên trong gia đình. Gia đình là chỗ dựa về tinh thần, giúp BN tự tin thổ lộ với mọi người về những căng thẳng, không cảm thấy cô đơn.

- Các thành viên trong gia đình cần hiểu rằng trầm cảm là một bệnh tâm thần hay gặp, không phải là bệnh nan y, có thể chữa khỏi hoàn toàn bằng tâm lý và thuốc. Người nhà tránh thái độ quá lo lắng về bệnh tật của BN khiến BN thêm bất an, cho là bệnh của mình quá nặng và khó chữa.

- Cho BN ăn những thức ăn dễ tiêu, giàu năng lượng, hợp khẩu vị. Nếu có thể thì cho BN ăn theo chế độ tự chọn trong thời gian đầu điều trị.

- Nếu BN bị mất ngủ, không nên cho BN ngủ trưa. Không cho BN đi ngủ quá sớm. Tránh để BN nằm trên giường suốt ngày, vì như thế sẽ làm mất ngủ nặng thêm. Yêu cầu BN đi lại, vận động, nhưng tránh vận động nhiều vào buổi tối (vì sẽ gây khó ngủ).

- BN trầm cảm hay mệt mỏi suốt ngày, đặc biệt buổi sáng họ luôn than phiền về điều này, nên cần động viên BN tập vận động. Bắt đầu là việc ngồi dậy, đứng lên, đi lại nhẹ nhàng trong nhà; khi đã quen có thể yêu cầu BN làm các công việc đơn giản, nhẹ nhàng như nhặt rau, nấu cơm, quét nhà. Cũng nên yêu cầu BN tập các môn thể thao trước đây BN yêu thích như cầu lông, bóng bàn, bơi lội hoặc tham gia các sinh hoạt cộng đồng.

- Cần luyện sự chú ý, trí nhớ: có thể đọc cho BN nghe những mẩu truyện ngắn, những bài thơ hay mà BN yêu thích. Sau đó, yêu cầu BN đọc các bài báo, xem ti vi, nghe đài..., thời lượng nên tăng dần để tránh làm BN mệt mỏi, chán nản.

- Tái khám: Bệnh trầm cảm hay tái phát nên giữ liên lạc thường xuyên với bác sĩ, báo cho bác sĩ biết về tình trạng của BN. Sau một - hai tháng điều trị, BN đã ổn định nên sinh ra tâm lý chủ quan, cho rằng mình đã khỏi bệnh. Vì vậy, họ không đến khám bệnh nữa và bỏ điều trị củng cố. Điều này rất nguy hiểm vì bệnh rất dễ tái phát. Khi bệnh tái phát, thường phải mất nhiều công sức điều trị hơn và thời gian điều trị củng cố cũng phải kéo dài hơn trước rất nhiều.

Để phòng bệnh trầm cảm, mọi người cần cố gắng tạo cho mình một cuộc sống hài hòa, vui vẻ, một lối sống lành mạnh, đặc biệt phải thường xuyên vận động cơ thể một cách hợp lý. Mặt khác, bạn không nên sống khép mình, cần gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người, khi đó cảm giác cô đơn, tuyệt vọng sẽ dần vơi đi và ý muốn chia sẻ với mọi người cũng sẽ dần tăng. Và như thế lâu dần, chứng trầm cảm sẽ giảm một cách hiệu quả.

AloBacsi.vn (Theo phụ nữ TPHCM)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]