Đau lưng: Nguyên nhân và cách phòng ngừa

Đau lưng là căn bệnh thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày, xảy ra do thói quen bất cẩn khi đi, đứng, tư thế làm việc không đúng...

15.5836
Tôi thường bị đau lưng, có khi ngồi lâu cũng đau, hoặc đứng nhiều cũng đau, không biết đau lưng có phải là do bệnh cần uống thuốc điều trị hay chỉ cần luyện tập thể thao? Riêng gai cột sống có phải là bệnh của đau lưng.
 
Nguyễn Thị Hoa (Q.5, TP.HCM)

BS Nguyễn Thành Tâm (Khoa Cột sống - Bệnh viện SAIGON - ITO) trả lời:

Đau lưng là căn bệnh thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày, xảy ra do thói quen bất cẩn khi đi, đứng, tư thế làm việc không đúng hoặc do điều kiện làm việc lao động nặng nhọc.

Có các kiểu đau lưng:

Đau lưng cơ năng: thường gặp ở những người mang vác, lao động nặng hoặc những người làm văn phòng thường ngồi lâu ở một tư thế gây ảnh hưởng trực tiếp đến cột sống. Ở giai đoạn này, cơn đau mới bắt đầu, thường có thể đến rồi qua đi, vì vậy mọi người thường vô ý mà bỏ qua các triệu chứng của bệnh, nếu không có biện pháp phòng ngừa sớm thì lâu dần sẽ gây nên nhiều biến chứng.

- Chấn thương cột sống: Những trường hợp té ngã, đặc biệt té từ trên cao, hay những chấn thương trực tiếp vào cột sống gây ra biến chứng gãy cột sống, xẹp lún đốt sống, tổn thương dây chằng hay trượt đốt sống đều gây ra chứng đau lưng.

- Thoát vị đĩa đệm: Giữa hai đốt xương sống có một lớp mô đệm dai hình tròn giống chiếc đĩa, hay còn gọi là "đĩa đệm". Dây thần kinh đi từ trên não xuống dọc theo cột sống qua giữa khe của hai đốt xương sống đều cho nhánh đi ra hai bên. Ở đoạn cổ cho nhánh ra đầu, mặt, cổ và hai tay; ở đoạn ngực cho nhánh ra tạo thành thần kinh liên sườn; ở đoạn lưng cho nhánh ra và hợp lại tạo thành thần kinh tọa đi xuống hai chân đến tận bàn chân.

Như vậy, khi đĩa đệm không còn nằm ở vị trí bình thường giữa hai đốt xương sống mà thoát ra khỏi vị trí gọi là "thoát vị đĩa đệm". Chính nó khi thoát ra ngoài gây chèn ép trực tiếp vào dây thần kinh, ở mỗi vị trí chèn ép khác nhau gây ra biểu hiện khác nhau. Ví dụ khi chèn ép ở cổ thường gây ra dấu hiệu mỏi gáy, đau hoặc tê xuống hai tay; khi chèn ép ở lưng thường gây ra đau lưng hoặc đau và tê dọc xuống hai chân hay gọi là đau thần kinh tọa.

- Loãng xương và thoái hóa cột sống: là bệnh thường gây ra đau lưng hay gặp ở người lớn tuổi do suy giảm khối lượng xương, làm cho xương xốp hơn, giòn hơn và dễ gãy, ở các đốt xương sống thường hay biến dạng như: xẹp, lún và mọc gai.

Ảnh minh họa

GAI CỘT SỐNG CÓ GÂY RA ĐAU LƯNG?

"Gai cột sống" hay cột sống "mọc gai" là hiện tượng đốt xương sống mọc ra những chồi xương giống hình chiếc gai. Đây là hậu quả của quá trình thoái hóa cột sống, đĩa đệm xẹp xuống, dây chằng giãn ra làm cho các đốt xương sống cọ xát nhau, bào mòn và trở nên lỏng lẻo, chính ở giai đoạn này gây ra đau đớn và khó chịu nhất.
 
Sự cọ xát dần dần kích thích mọc ra những chồi xương gọi là gai. Bản chất của những chiếc gai này thực ra là một hiện tượng "sinh lý bản năng" nhằm cố định các đốt xương sống không còn lỏng lẻo, nhờ vậy cũng góp phần làm giảm đau. Như vậy, gai cột sống không phải là nguyên nhân gây ra đau lưng mà chỉ là biểu hiện của một quá trình thoái hóa cột sống.

LÀM GÌ ĐỂ PHÒNG TRÁNH ĐAU LƯNG?

* Đối với người trẻ tuổi lao động nặng phải đặc biệt chú ý đến tư thế cột sống hợp lý trong khi lao động, hoặc khi mang vác nặng.

Nếu công việc đòi hỏi phải ngồi nhiều giờ hoặc đứng yên một chỗ, hãy cố gắng nửa tiếng một lần, vận động cho giãn gân cốt như đứng lên đi lại trong phòng, tập một vài động tác thể dục như vươn vai…

* Ở người lớn tuổi: Đảm bảo khẩu phần ăn đầy đủ đạm, canxi, sinh tố D, C; tập thể dục đều đặn phù hợp với tuổi tác và sức khỏe, thường xuyên ra ngoài nơi có ánh nắng mặt trời; từ bỏ các yếu tố nguy hại như rượu, thuốc lá…

CÁCH ĐIỀU TRỊ

* Với những trường hợp đau lưng cơ năng hay ở mức độ nhẹ, người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi tại giường, kết hợp vật lý trị liệu như massage, xoa bóp, chiếu đèn hồng ngoại hay dùng thuốc hỗ trợ như giảm đau, giãn cơ… thông thường bệnh có thể tự khỏi sau ít ngày.

* Với những trường hợp nặng hơn như: chấn thương, đau lưng kéo dài do loãng xương thoái hóa cột sống, người bệnh cần phải đến bệnh viện chuyên khoa khám để được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Đặc biệt, những trường hợp thoát vị đĩa đệm được phát hiện sớm người bệnh chỉ cần dùng thuốc và chế độ tập luyện vật lý trị liệu, hoặc hiện đại hơn là dùng phương pháp điều trị bằng laser kỹ thuật cao mà không cần phải mổ.
 
AloBacsi.vn
Theo Phụ nữ online
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]