Đau nhức vai gáy: Trị sao cho khỏi?

Cảm giác đau nhức vai gáy, cổ là triệu chứng không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến công việc mà còn báo hiệu nhiều bệnh nguy hiểm….

0

BS Hồ Phạm Thục Lan - BV Nhân dân 115 TP.HCM cho biết:

Đau cổ thường xuất hiện sau một giấc ngủ, thường do đêm nằm nghiêng, co quắp, gập cổ, tay nên vùng này thiếu dưỡng khí sinh đau nhức, trường hợp này cơn đau chỉ diễn ra một vài ngày là rút lui. Đau nhức vùng cổ, vai gáy sau một ngày lao động tay chân chỉ cần được nghỉ ngơi sẽ hết đau.

Các hoạt động như: ngồi làm việc trong nhiều giờ, có tư thế xấu trong khi xem ti vi hoặc đọc sách, đặt máy tính với tầm nhìn quá cao hoặc quá thấp, ngủ ở vị trí không thoải mái, hoặc thường xuyên thực hiện động tác xoay cổ quá tầm…

Với những trường hợp này chỉ cần chỉnh sửa tư thế sao cho đúng sẽ giảm cơn đau. Viêm đường hô hấp trên cũng sinh đau nhức vai gáy. Trường hợp này chỉ cần điều trị hết bệnh là cơn đau nhanh chóng biến mất.


Đau nhức vai gáy do thoái hóa khớp là bệnh thường gặp khi cao tuổi: các khớp, mạch máu đã xơ cứng, hệ tuần hoàn không còn năng động như xưa nên cơ bắp thiếu dưỡng chất sinh đau nhức. Trường hợp này cần đi bác sĩ điều trị để được dùng thuốc, tập vật lý trị liệu. Thoát vị đĩa đệm cũng gây đau nhức vai gáy, với triệu chứng: đau, tê lan xuống vai và tay.

Các nguyên nhân khác có thể kể là: đau cơ xơ, thoái hóa đốt sống, gãy xương cột sống do loãng xương, hẹp ống sống, bong gân, nhiễm trùng cột sống (viêm tủy xương, áp xe...), ung thư (ung thư thực quản đoạn trên, ung thư vòm hầu…), viêm khớp có liên quan đến cột sống.

Theo BS Hồ Phạm Thục Lan: "Hầu hết các trường hợp đau cổ sẽ tự cải thiện trong một-hai tuần với các thuốc giảm đau, kháng viêm thông thường, hơn 90% hết đau sau tám tuần.

Tuy nhiên, một số ít trường hợp đau cổ do nguyên nhân nguy hiểm như nhiễm trùng, bệnh lý đốt sống thực thể, ung thư... thường đi liền với một số triệu chứng báo động như tê, yếu lan theo cánh tay, bàn tay; đau tăng khi nằm xuống và đánh thức bệnh nhân vào ban đêm; đau cổ kèm triệu chứng toàn thân nóng sốt, mệt mỏi, sụt cân; đau xuất hiện sau chấn thương, té ngã kèm yếu liệt chi; đau không thuyên giảm khi điều trị với thuốc.

Trong những trường hợp này, bệnh nhân cần đến ngay một trung tâm y tế thực hiện một số xét nghiệm chuyên biệt để chẩn đoán bệnh gồm: chụp MRI cột sống cổ, đo điện cơ và tốc độ dẫn truyền thần kinh, chụp CT-scan đa lát cắt. Đối với trường hợp đau cổ do nguyên nhân gây chèn ép rễ thần kinh hoặc tủy sống, phẫu thuật cột sống cổ có thể cần thiết nhưng chỉ thực hiện sau khi thất bại với điều trị nội khoa tích cực".

AloBacsi.vn
Theo Phương Nam - Phụ nữ online

Điều cần lưu ý

* Thói quen bẻ cổ. BS Thái Thị Hồng Ánh - BV Nguyễn Tri Phương TP.HCM cảnh báo: "Thói quen bẻ cổ nghe cái cái "rắc" hoặc lắc cổ nghe cái "cụp" tưởng chừng giảm đau nhức nhưng đây là động tác nguy hiểm. Vùng cổ gần thân não nơi điều khiển sinh tồn (trung khu hô hấp, trung khu tim mạch). Vì thế, bẻ cổ không đúng sẽ làm cho bệnh thoát vị đĩa đệm trầm trọng hơn, nặng hơn nữa là tử vong."

* Tập luyện cho hết đau nhức là điều không nên. BS Hồ Phạm Thục Lan giải thích: "Bệnh nhân thường mắc sai lầm khi thấy đau thay vì nghỉ ngơi lại tập luyện quá sức khiến cho cơn đau trầm trọng hơn…". Vì vậy, khi bị đau nhức vùng cổ, nhất là phụ nữ nên xoa bóp, nghỉ ngơi, chườm đá nóng, thư giãn giảm căng thẳng… bệnh sẽ giảm dần và hết.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]