Đấu thầu thuốc tập trung: Người bệnh chịu thiệt?

Làm sao để người bệnh được dùng thuốc tốt mà giá cả phải chăng là câu hỏi cần cơ quan quản lý trả lời.

15.5874

Để kéo giá thuốc về với giá trị thật, nhiều chính sách đã được ban hành trong đó có Thông tư liên tịch số 01 của liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính về đấu thầu thuốc tập trung. Tuy nhiên, lãnh đạo một số bệnh viện lớn lại cho rằng đấu thầu thuốc theo phương pháp này, người chịu thiệt thòi lại chính là người bệnh.

Bệnh viện chê thuốc rẻ

Ngày 3-9-2013 Bệnh viện Việt Đức tổ chức đấu thầu thuốc phục vụ khám chữa bệnh. Tại phiên đấu thầu này, nhiều quan ngại trong đấu thầu thuốc đã được chỉ ra, trong đó có lo ngại bệnh nhân phải dùng thuốc kém chất lượng.

Được biết, hiện tại, hoạt động đấu thầu thuốc ở các bệnh viện được thực hiện theo phương pháp tập trung, mỗi nhóm thuốc chỉ được xét trúng thầu một mặt hàng đạt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng quy định và có giá thấp nhất trong nhóm đó.

Tuy nhiên phát biểu tại buổi đấu thầu tại Bệnh viện Việt Đức, ông Nguyễn Tiến Quyết- Giám đốc Bệnh viện cho rằng: Có những loại thuốc đầy đủ các tiêu chí đấu thầu, giá rẻ bằng 1/10 thuốc khác, thế nhưng bệnh nhân dùng thì không khỏi. Vì thế, không thể để những thuốc giá thấp nhưng chất lượng lại không đạt vào bệnh viện, bệnh nhân sẽ là người khổ đầu tiên.

Ông Quyết dẫn chứng, một bệnh nhân nam bị viêm phúc mạc sau mổ cắt túi mật ở bệnh viện tuyến tỉnh vừa được chuyển lên bệnh viện Việt Đức ngày 29-8. Dù đã được mổ cấp cứu, được chỉ định dùng một loại kháng sinh tương đối tốt nhưng đến hai ngày bệnh nhân vẫn không cắt được sốt, bụng vẫn chướng lên và buộc phải thay một loại kháng sinh khác. Ngay sau khi dùng một ngày bệnh nhân đã cắt sốt, tỉnh táo, bụng xẹp.

Một ví dụ khác, cùng là kháng sinh dùng để tiêm tĩnh mạch, có hàm lượng 200ml nhưng loại của châu Âu sản xuất có giá 80.000 đồng/lọ, trong khi thuốc do nước thứ ba sản xuất chỉ có giá 8.000 đồng/lọ. Hai loại thuốc này đều đã được cấp phép vào Việt Nam, cùng được chấm thang điểm trên 70. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị, rất nhiều bác sỹ cho biết, thuốc giá 8.000 đồng không có tác dụng, không khỏi bệnh.

Vậy nên ông Quyết cho rằng nếu cứ theo Thông tư 01 thì rõ ràng thuốc rẻ sẽ trúng, nhưng nếu thuốc rẻ mà không có tác dụng điều trị hoặc hiệu quả kém thì người bệnh chỉ có hại chứ không được lợi. Bệnh không khỏi có nghĩa ngày điều trị gia tăng, chi phí tang.

Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cũng bày tỏ, với riêng bệnh viện Việt Đức, nếu cũng chấm thầu theo đúng Thông tư 01 của Bộ Y tế về hướng dẫn đấu thầu thuốc trong các cơ sở y tế (có hiệu lực từ tháng 6-2012), các loại thuốc muốn trúng thầu phải có giá thành thấp nhất, thì để lo cho toàn bộ số thuốc dùng từ nay đến hết năm 2014, BV chỉ phải mất khoảng 150 tỷ đồng. Nhưng nếu lấy đúng thuốc để chữa được bệnh cho bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức thì số tiền sẽ tăng gấp đôi, khoảng 300 tỷ đồng.

Tránh độc quyền

Theo quy định mới về đấu thầu thuốc vào bệnh viện, mỗi nhóm thuốc chỉ được xét trúng thầu một mặt hàng đạt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng quy định nhưng có giá thấp nhất. Do đó, khi áp dụng quy định này từ giữa năm 2012 đến nay, giá thuốc trúng thầu vào các bệnh viện đã giảm đến 30-40%, một số sở y tế đã giảm chi hàng chục tỷ đồng so với kế hoạch xây dựng trên cơ sở giá thuốc trúng thầu năm trước.

Theo Bộ Y tế, khảo sát sơ bộ thuốc trúng thầu vào bệnh viện ở 9 tỉnh, thành trong tháng 6 vừa qua cho thấy, các thị trường cung ứng thuốc giá rẻ nhưng chất lượng thấp như Ấn Độ, Pakistan đang dẫn đầu về thuốc ngoại trúng thầu, còn Trung Quốc cũng lần đầu tiên lọt danh sách nước cung ứng thuốc lớn cho thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, có một thực tế được nhiều lãnh đạo bệnh viện thừa nhận là giá rẻ thường khó đi kèm với chất lượng.

Theo ông Nguyễn Tiến Quyết, thuốc là một hàng hóa đặc biệt nên phải có tiêu chí đấu thầu riêng. Theo ông Quyết, tiêu chí chấm thầu thuốc của Bệnh viện Việt Đức là phải lựa chọn được các loại thuốc tốt, giá hợp lý, chữa khỏi bệnh. Tuy nhiên, để làm được điều này cần phải có một Hội đồng đấu thầu giỏi, gồm các chuyên gia ở đủ các lĩnh vực chuyên môn và phải công khai, minh bạch trong quá trình đấu thầu thuốc, nếu không sẽ dẫn đến độc quyền, bắt tay giữa bệnh viện với các doanh nghiệp cung ứng thuốc.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Minh Thảo- Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, Thông tư 01 tạo ra môi trường cạnh tranh quyết liệt về giá cả nên nhiều DN cung ứng thuốc đã tìm kiếm các thuốc có nguồn gốc từ các hãng dược kém uy tín, giá thấp để cạnh tranh. Để khắc phục tình trạng này, theo ông Thảo, cơ quan bảo hiểm và y tế sẽ tiếp tục điều chỉnh các tiêu chí để đảm bảo thuốc điều trị có chất lượng tốt và giá hợp lý hơn.

Ngoài ra, để tạo cơ hội dễ trúng thầu và đẩy giá thuốc lên cao, nhiều hãng thuốc đã đưa ra các mặt hàng có “hàm lượng lạ”, một mình một sân. Ông Thảo cho biết, Bảo hiểm xã hội sẽ phối hợp với Bộ Y tế khảo sát các thuốc có hàm lượng lạ, sau đó yêu cầu các hãng thuốc phải điều chỉnh hàm lượng thuốc về hàm lượng thông thường và đưa giá về giá tương đương các loại thuốc khác cùng loại. Nếu như các hãng không điều chỉnh thì bảo hiểm y tế sẽ từ chối thanh toán.

Theo Minh Châu

Báo hải quan

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]