Đau xương là biểu hiện dễ nhận thấy nhất. Thường là đau nhức các đầu xương, đau nhức, mỏi dọc các xương dài, đau nhức như châm chính toàn thân, đau tăng về đêm, nghỉ ngơi không hết.



Đau cột sống, đau như thắt ngang cột sống hoặc lan sang một hoặc hai bên mạn sườn do kích thích các rễ thần kinh liên sườn. Đau cột sống thường kèm theo co cứng các cơ dọc cột sống gây đau, giật cơ khi thay đổi tư thế. Lúc nằm yên, người bệnh thường thấy dễ chịu hơn.

Các triệu chứng toàn thân thường gặp là luôn có cảm giác lạnh hoặc ớn lạnh, hay bị chuột rút, thường ra mồ hôi. Bệnh loãng xương thường có kèm theo các bệnh của người có tuổi như: béo bệu, cao huyết áp, bệnh mạch vành, tiểu đường, thoái hóa khớp…

Loãng xương là bệnh lí của toàn hệ thống xương làm suy yếu sức mạnh của toàn khung xương ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người có tuổi, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh. Hậu quả gãy xương do loãng xương ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, khả năng vận động của người bệnh. Điều trị loãng xương rất tốn kém, đặc biệt khi đã có các biến chứng nặng nề như gãy xương, gãy lún cột sống.

Bệnh loãng xương khi được phát hiện kịp thời, điều trị có thể làm giảm 50% nguy cơ gãy xương. Nhưng điều quan trọng là phải chẩn đoán sớm và điều trị sớm để ngăn ngừa không bị gãy xương do loãng xương.

Bệnh loãng xương có thể được phòng ngừa tốt bằng việc duy trì một chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện, vận động đầy đủ và hợp lí ngay từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành và trong suốt cuộc đời.

P.N