Day bấm huyệt cắt cơn hen phế quản

Bệnh hen phế quản y học cổ truyền còn gọi là háo suyễn - háo hỗng, lãnh háo, nhiệt háo. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh, chủ yếu do rối loạn hoạt động hay suy yếu ở 1 trong 3 tạng hay cả 3 (phế, tỳ, thận).

31.15

Biểu hiện của bệnh: Người bệnh có cơn khó thở, khó thở ra, ho, tức ngực, có thể khạc hay không khạc ra đờm. Cơn khó thở kéo dài vài chục phút đến vài giờ. Trường hợp nặng, cơn khó thở kéo dài hơn, mức độ khó thở cũng tăng hơn. Ngoài cơn khó thở, người bệnh trở lại bình thường. Ngày sau, tuần sau hay tháng sau lại xuất hiện cơn tương tự.

Y học cổ truyền chia hen phế quản làm 2 thể:

Thể hen hàn: xuất hiện vào mùa lạnh, trời lạnh, người bệnh sợ lạnh, da chân tay lạnh, đờm trắng.

Thể hen nhiệt hay nhiệt háo: thường trong cơn khó thở có thể sốt, da nóng, mặt đỏ, táo, đờm vàng.

Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh có thể tự tiến hành một số thao tác tự xoa bóp nhằm nâng cao hiệu quả điều trị và tích cực phòng bệnh. Kiên trì thực hiện sẽ giúp không khí trong phổi lưu thông tốt, tiêu đờm phế, giảm khó thở. Xin giới thiệu để độc giả tham khảo và vận dụng khi cần.

Huyệt thiên đột.

Day huyệt thiên đột: dùng ngón cái tay phải day huyệt thiên đột trong 2 phút. Huyệt này có tác dụng tuyên phế, hóa đờm, lợi yết (hầu), khai âm (thanh), điều khí. Chủ trị họng đau, mất tiếng đột ngột, ợ, nấc, ho suyễn.

Day huyệt toàn cơ: dùng ngón cái tay phải day huyệt toàn cơ trong 2 phút. Huyệt này chủ trị đau ngực, ho suyễn.

Day huyệt quan nguyên: dùng ngón cái day huyệt quan nguyên trong 2 phút. Là huyệt có công dụng bồi thận, bổ khí, hồi dương, giúp cải thiện huyết động học, làm ổn định cơ tim, tăng cường lưu lượng tuần hoàn mạch vành, nâng cao khả năng chịu đựng của cơ thể trong điều kiện thiếu ôxy, cải thiện và điều tiết miễn dịch.

Huyệt đản trung.

Day huyệt đản trung:
dùng ngón cái tay phải day huyệt đản trung trong 2 phút. Huyệt này có tác dụng chữa các chứng bệnh như đau ngực, hen suyễn, ho, khó thở, nấc...

Xoa ngực: dùng bàn tay phải xoa từ bên phải sang bên trái ngực sau đó dùng bàn tay trái xoa từ bên trái sang bên phải ngực, không xoa mạnh quá, tốc độ xoa khoảng 100 - 120 lần/1 phút tới khi ngực nóng lên thì thôi.

Vỗ ngực: dùng bàn tay phải vỗ ngực bên trái, tiếp theo dùng tay trái vỗ ngực phải, mỗi bên 10 lần. Khi vỗ các ngón tay khép lại, hơi khum để có hơi (khi vỗ nghe có tiếng hơi bồm bộp).

Xoa sườn: dùng hai bàn tay xoa hai bên sườn từ trên xuống dưới khoảng 50 lần.

Huyệt đại chùy.

Day huyệt đại chùy:
đưa bàn tay phải về phía sau, ngón tay trỏ áp vào huyệt đại chùy day trong 2 phút. Huyệt này có công dụng làm thông dương khí, thanh nhiệt giải độc, dùng chữa các bệnh hen suyễn, viêm khí phế quản, lao phổi, viêm gan, sốt, tâm thần phân liệt, đau vai lưng, ho, thương hàn...
 
Day huyệt phế du: dùng ngón tay giữa day ấn huyệt phế du trong 2 phút. Huyệt này có công dụng tuyên phế bình suyễn, hóa đàm chỉ khái, thanh nhiệt lý khí, thường dùng để chữa các chứng bệnh đường hô hấp như hen phế quản, khái huyết, viêm phổi, viêm phế quản cấp và mạn tính, viêm mũi dị ứng.

Huyệt túc tam lý.

Day bấm huyệt túc tam lý: dùng ngón cái lần lượt bấm day huyệt túc tam lý mỗi bên khoảng 2 phút.  Huyệt này có cộng dụng tăng cường sinh lực, cải thiện việc lưu thông khí huyết toàn thân, gia tăng tuần hoàn ngoại biên, thường dùng chữa hen suyễn, dị ứng, cao huyết áp, đặc biệt là giúp tăng cường hệ miễn dịch phòng chống bệnh tật. 

Day bấm huyệt phong long: Dùng ngón cái lần lượt day bấm huyệt phong long mỗi bên khoảng trong 2 phút. Huyệt này có công dụng hòa vị khí, hóa đờm thấp, thường được dùng để chữa các chứng bệnh đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, viêm họng...
 

Vị trí các huyệt

Thiên đột: huyệt nằm ở giữa chỗ lõm trên bờ trên xương ức, trước khí quản và thực quản, ở trong góc tạo nên bởi bờ trong của cơ ức - đòn - chũm, bờ trong của 2 cơ ức đòn - móng và bờ trong của cơ ức - giáp trạng.

Toàn cơ: từ huyệt thiên đột đo xuống 1 tấc.

Đản trung: ở điểm gặp nhau của đường dọc giữa xương ức với đường đi ngang qua 2 núm vú (nam giới) hay đường đi ngang qua bờ trên 2 khớp xương ức thứ 5 (nữ giới).

Quan nguyên: dưới rốn 3 tấc trên đường giữa bụng.

Phế du: bắt chéo bàn tay vòng qua cổ sang phía lưng đối diện, huyệt nằm ở đầu ngón tay giữa, cách đường trục giữa cột sống lưng 1,5 tấc.

Đại chùy: nằm ở giữa đốt sống cổ 7 và đốt sống ngực 1.

Túc tam lý: huyệt nằm ở dưới mắt đầu gối 3 tấc và cách bờ xương ống chân 1 tấc.

Phong long: từ mắt cá chân ngoài đo lên 8 thốn hoặc lấy huyệt ở điểm giữa nếp kheo chân và mắt cá chân ngoài.  

 
Theo BS. Nguyễn Văn Trường
Sức khỏe và đời sống
  • 0

Tin cùng mục

GỬI Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Xem thêm
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]